Nhận diện các yếu tố khiến lãi suất giảm sau Tết
Các yếu tố vĩ mô được nhận định sẽ tiếp tục hỗ trợ ổn định lãi suất, nên có khả năng lãi suất sẽ giảm thêm sau Tết, nhưng các diễn biến chưa tích cực vẫn còn đó và chưa thể sớm chấm dứt trong ngắn hạn…
Những yếu tố hỗ trợ kéo giảm lãi suất
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán về những yếu tố giúp lãi suất hạ sau Tết, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc SCB nhận định, đó là tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối cao kỷ lục, lạm phát thấp so với mục tiêu, tăng trưởng kinh tế tốt, tốc độ tăng trưởng huy động cao hơn tín dụng.
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ổn định, lãi suất tái cấp vốn/tái chiết khấu giảm so với trước đây.
“Nhìn chung, tất cả các yếu tố vĩ mô đều hỗ trợ tốt cho lãi suất ổn định, nên khả năng qua Tết Nguyên đán 2020, lãi suất trên thị trường sẽ còn hạ nữa”, ông Hoàn dự báo.
Đồng quan điểm, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn HSBC cho biết, tiền đồng tiếp tục nằm trong nhóm những đồng tiền ổn định nhất khu vực, bất chấp những bất ổn địa chính trị và các sự kiện kinh tế trong và ngoài nước.
Cặp tỷ giá USD/VND gần như duy trì đà ổn định xuyên suốt trong hầu hết các tháng của năm 2019 và thậm chí VND có thời điểm tăng giá so với “đồng bạc xanh” khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động hạ giá mua vào.
“Từ đó, NHNN cũng mua được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Bên cạnh đó, áp lực về lạm phát được kiểm soát với mức trung bình 2,6% tính tới thời điểm tháng 11, giảm từ mức 3,5% năm 2018 và thấp hơn đáng kể so với mục tiêu dưới 4% mà NHNN đã đề ra từ đầu năm”, ông Khoa nói.
Được biết, cung - cầu ngoại tệ duy trì trạng thái thặng dư kể từ đầu năm: Giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,41 tỷ USD, trong khi cán cân thương mại thặng dư nhẹ 100 triệu USD trong tháng 11.
Đáng chú ý, đây đã là tháng thứ 6 liên tiếp cán cân thương mại của Việt Nam duy trì thặng dư và tính lũy kế từ đầu năm, tổng thặng dư thương mại đạt 9,1 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp NHNN tiếp tục mua được khoảng 850-900 triệu USD từ các ngân hàng trong tháng 11, nâng mức lũy kế mua ngoại tệ từ đầu năm lên khoảng 16 tỷ USD.
Theo Báo cáo thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của Công ty Chứng khoán SSI, sang năm 2020, lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5-1%/năm, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, báo cáo nhận định, xu hướng giảm lãi suất trở lên rõ nét hơn ở Việt Nam với các động thái mạnh mẽ từ NHNN, hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu trước Quốc hội.
Thực tế, NHNN đã bơm ròng 103.176 tỷ đồng trên thị trường mở trong tháng 11, giảm lãi suất mua kỳ hạn (OMO) từ 4,5%/năm xuống 4%/năm - bước giảm lớn nhất (50 điểm phần trăm) trong 5 năm trở lại đây và là lần giảm thứ 2 trong năm nay.
Bên cạnh đó, NHNN tái khởi động kênh OMO sau gần 3 tháng không giao dịch; trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn và cho vay lĩnh vực ưu tiên đồng loạt hạ xuống thấp hơn 0,5%/năm so với mức cũ...
Một bằng chứng nữa cũng cho thấy quan điểm hỗ trợ tăng trưởng của NHNN, đó là việc cung tiền tăng nhanh hơn so với cũng kỳ năm trước cho dù tín dụng tăng thấp hơn.
Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2019, tín dụng mới tăng 9,4%, thấp hơn so với mức tăng 10,33% của cùng kỳ năm 2018; trong khi tăng trưởng cung tiền đạt 9,47%, cao hơn mức tăng 9,04% của cùng kỳ năm trước nhờ các giao dịch mua vào ngoại tệ.
“Lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm trở lại sau Tết Nguyên đán, song các kỳ hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm ngân hàng thương mại lớn và nhỏ”, báo cáo của SSI nhận định.
Vẫn còn đó những quan ngại
Thị trường cuối tháng 11 đã chứng kiến một diễn biến bất thường khi lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng bất ngờ tăng mạnh lên quanh 4%/năm với kỳ hạn qua đêm, sau khi đi ngang ở mức thấp quanh 2%/năm trong nửa đầu tháng 11.
Cộng thêm việc NHNN phải tái khởi động công cụ OMO để mạnh tay bơm tiền vào hệ thống cho thấy, thanh khoản của các ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng đột ngột.
Đáng chú ý, sự căng thẳng này vẫn tiếp diễn cho dù cơ quan quản lý đã bơm hơn 100.000 tỷ đồng vào thị trường trong tháng vừa qua.
Bằng chứng là, trong tuần đầu tháng 12, NHNN tiếp tục bơm 3.307 tỷ đồng vào thị trường qua kênh OMO và nâng kỳ hạn lên 14 ngày, thay vì 7 ngày như trước.
Cùng với đó, các giao dịch bán ngoại tệ về NHNN cũng giúp tăng lượng cung VND.
Tuy vậy, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng vẫn kết thúc tuần ở mức 4,01%/năm, tăng 9 điểm cơ bản; kỳ hạn 1 tuần là 4,1%/năm, tăng 11 điểm cơ bản.
Theo các chuyên gia kinh tế, căng thẳng thanh khoản của các ngân hàng xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, tháng 11/2019 là tháng có hiệu lực đầu tiên của Thông tư 58/2019/TT-BTC về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước.
Theo đó, tiền gửi không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được quản lý tập trung về tài khoản của Kho bạc Nhà nước ở Sở giao dịch NHNN, thay vì để tại các ngân hàng.
Bên cạnh đó là yếu tố mùa vụ, khi nhu cầu tín dụng thường tăng cao trong giai đoạn cuối năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý tới nguyên nhân xuất phát từ việc giảm trần lãi suất huy động của NHNN đã khiến các ngân hàng nhỏ gặp khó khăn hơn trong việc huy động vốn khi không còn “vũ khí” để cạnh tranh với các ngân hàng lớn.
Trong khi thời gian qua, không ít ngân hàng nhỏ tăng trưởng tín dụng với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với nguồn vốn huy động được.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV nhận định, thanh khoản VND thị trường liên ngân hàng trong tháng cuối năm sẽ tiếp tục duy trì trong trạng thái kém dồi dào.
Lãi suất bình quân VND trong tháng dự kiến có xu hướng tăng so với tháng 11, lên khoảng 4-4,2%/năm với kỳ hạn 1 tuần và 4,4-4,5%/năm kỳ hạn 3 tháng.
Cụ thể hơn, vị lãnh đạo trên cho biết, chênh lệch huy động - cho vay toàn hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục thu hẹp khoảng 20.000-30.000 tỷ đồng trong tháng 12, khi hoạt động tín dụng thường có xu hướng được đẩy mạnh vào tháng cuối năm.
Dự kiến đến hết năm nay, tăng trưởng huy động vốn - cho vay sẽ đạt khoảng 12-13%.
“Biến động tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng cần tiếp tục được quan sát trong thời gian tới, bởi là biến số có tác động mạnh và nhanh chóng tới thanh khoản thị trường. Trường hợp lượng tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước quay trở lại hệ thống ngân hàng sẽ có tác dụng cải thiện thanh khoản và ổn định tâm lý thị trường vào thời điểm cuối năm”, lãnh đạo BIDV nhận định.
Cần lưu ý rằng, thời điểm những tháng cuối năm và sát Tết Âm lịch thường là lúc dòng tiền lưu chuyển từ hệ thống ngân hàng ra ngoài lưu thông có xu hướng tăng lên cùng với nhu cầu thanh toán, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân.
Đây là yếu tố có thể cộng hưởng thêm cho áp lực thanh khoản của các ngân hàng thời gian tới.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ khó để khẳng định lãi suất sẽ giảm sau Tết Nguyên đán Canh Tý bởi các diễn biến trên chưa thể sớm chấm dứt trong ngắn hạn.
“Không chỉ vấn đề thanh khoản, các quy định siết chặt tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN cũng như việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn về còn 30% trong thời gian tới đều tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ”, TS. Hiếu nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận