Nhà nước thoái nốt 36% vốn tại Sabeco: ThaiBev là ứng cử viên hàng đầu!
Mức giá nào sẽ là hợp lý để cổ đông nhà nước sẵn sàng bán vốn nhưng vẫn nằm trong khả năng tài chính của người mua, nhất là sau dịch Covid-19, dòng tiền của không ít doanh nghiệp lớn đều đã suy giảm?
Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước
Sau một thời gian khá yên ắng, tiến trình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã được “làm nóng” trở lại bằng Quyết định 908/QĐ-TTg mới đây của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn từ nay cho đến cuối năm. Theo quyết định này, số doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện thoái vốn với thời hạn đến hết năm 2020 là 120 doanh nghiệp.
Ngoài ra, có bốn doanh nghiệp cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ phải thoái vốn trước ngày 30-11-2020 gồm: Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Bộ Xây dựng), Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng); Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) (Bộ Xây dựng). Trong trường hợp không hoàn thành thoái vốn theo thời hạn trên thì bốn doanh nghiệp này sẽ phải hoàn thành chuyển giao về Tổng công tư Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước 31-12-2020.
Trong khi đó, số doanh nghiệp chuyển giao về SCIC để thực hiện thoái vốn, hoàn thành chuyển giao trước ngày 31-8-2020 gồm 14 doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) (Bộ Công Thương). Như vậy, theo lộ trình trên, việc chuyển giao Sabeco về SCIC sẽ phải hoàn tất trước ngày 31-8, sau đó việc bán phần vốn nhà nước tại đây sẽ được thực hiện, qua đó đưa tỷ lệ vốn nhà nước sau khi thoái vốn xuống 0% vốn điều lệ.
Ai sẽ mua nốt phần vốn của Nhà nước tại Sabeco?
Trong vòng năm năm trở lại đây, thương vụ tỉ phú Thái Lan mua hơn 50% cổ phần Sabeco vẫn luôn được coi là một điển hình thành công của hoạt động mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại thị trường tài chính Việt Nam. Vào cuối năm 2017, tập đoàn ThaiBev đã chi 5 tỉ đô la Mỹ thông qua pháp nhân Vietnam Beverage để mua lại 53,6% cổ phần của Sabeco trong đợt thoái vốn nhà nước cuối năm đó và trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam. Sau khi thoái vốn, Bộ Công Thương hiện quản lý 36% cổ phần Sabeco.
Nhìn vào kết quả kinh doanh hai năm sau khi ThaiBev đầu tư vào Sabeco có thể thấy hoạt động của Sabeco vẫn tăng trưởng tốt. Doanh thu của công ty vẫn tăng đều trong hai năm 2018 và 2019. Về lợi nhuận, Sabeco giảm lãi năm 2018 nhưng đã tăng trở lại trong năm 2019. Cụ thể, kết thúc năm 2019, Sabeco đạt doanh thu gần 38.000 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 6.700 tỉ đồng, tăng 5,4% và 24% so với năm trước đó.
Mặc dù vậy, kể từ đầu năm 2020, nhiều khó khăn đã ập đến với ngành bia. Đầu tiên là Nghị định 100 về xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sau khi nghị định này có hiệu lực, người dân dù uống một chút bia rượu cũng không được phép lái xe, khiến tiêu thụ bia rượu trên cả nước giảm mạnh. Tiếp đó là dịch Covid-19 đã khiến tình hình sản xuất kinh doanh càng gặp nhiều xáo trộn khi các hoạt động tụ tập đông người giảm mạnh. Kết quả kinh doanh quí 1-2020 của Sabeco thể hiện rõ những tác động tiêu cực nêu trên khi doanh thu và lợi nhuận chỉ đạt 4.908 tỉ đồng và 717 tỉ đồng, giảm lần lượt 47,4% và 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với nhiều khó khăn ngay trong sáu tháng đầu năm, Sabeco chỉ đặt mục tiêu doanh thu năm 2020 ở mức 23.800 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 3.252 tỉ đồng, giảm tương ứng 37% và 39% so với năm 2019.
Nếu bỏ qua những tác động từ sự kiện “thiên nga đen” là dịch Covid-19 thì tính đến cuối năm ngoái, Sabeco vẫn đang là “át chủ bài” của ThaiBev khi việc mua lại Sabeco đã giúp nâng doanh thu của mảng bia lên 4 tỉ đô la Mỹ, tăng 27% so với năm trước trong khi lợi nhuận tăng 50%, lên mức 104 triệu đô la Mỹ. ThaiBev cũng nhận định tăng trưởng đến từ đóng góp của Sabeco ở thị trường Việt Nam, còn thị trường Thái Lan là khu vực đang suy yếu.
Vào đầu năm 2020, có tin ThaiBev có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết mảng kinh doanh bia gồm thương hiệu Chang ở Thái Lan cùng Sabeco trên sàn chứng khoán Singapore với mục tiêu huy động 2,5 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, ThaiBaev đã phủ nhận thông tin này và khẳng định không có ý định bán lại hoạt động kinh doanh tại Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời cam kết hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng của các mảng tại Việt Nam, đặc biệt với Sabeco, nhằm củng cố vị thế nhà sản xuất đồ uống lớn nhất Đông Nam Á và dẫn đầu trong ngành bia.
Trên thực tế, ngoài vị thế dẫn đầu về mảng bia trong nước, Sabeco còn khá hấp dẫn với ThaiBev nếu nhìn vào quỹ đất “vàng” mà doanh nghiệp này nắm giữ, đều nằm ở vị trí đắc địa và có diện tích lớn ở TPHCM. Cụ thể, các khu đất bao gồm: khu đất tại 46 Bến Vân Đồn (diện tích 3.872 mét vuông ở quận 4), khu đất 187 Nguyễn Chí Thanh (17.406 mét vuông, quận 5), khu đất 474 Nguyễn Chí Thanh (7.729 mét vuông, quận 10), khu đất 18/3B Phan Huy Ích (2.216 mét vuông, quận Tân Bình). Nếu chủ trương cho chuyển đổi quyền sử dụng đất được thông qua, Công ty Vietnam Beverage (do ThaiBev sở hữu) có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ việc chuyển nhượng các bất động sản trên.
Bên cạnh quyền sử dụng đất có giá trị lớn, nếu nhìn vào chiến lược dài hạn thì Sabeco còn là một thương vụ “đáng” để mua của người Thái khi họ muốn thông qua Việt Nam để từng bước thống lĩnh thị trường Đông Nam Á. Để củng cố vị thế của mình tại khu vực, ThaiBev hướng tới mục tiêu đạt được tỷ trọng 50% doanh thu là được đóng góp từ các thị trường bên ngoài Thái Lan. Thị trường Việt Nam có giá trị 6,5 tỉ đô la Mỹ và kỳ vọng sẽ tăng trưởng ngoạn mục trong thời gian tới do các yếu tố đến từ kinh tế vĩ mô và cấu trúc nhân khẩu học của Việt Nam.
Với những lý do nêu trên, nếu muốn tìm một đối tác để thoái nốt 36% vốn của Nhà nước còn lại tại Sabeco thì ứng cử viên hàng đầu sẽ là ThaiBev. Nếu Thaibev đủ nguồn lực tại thời điểm hiện tại, có lẽ họ cũng rất sẵn sàng để sở hữu 100% vốn của Sabeco. Khi đó, việc quyết định các chiến lược kinh doanh sẽ trở nên rất dễ dàng và chủ động, không ngại sự cản bước của bất cứ cổ đông lớn nào nữa. Cũng có thể sẽ có các nhà đầu tư khác quan tâm tới việc mua 36% cổ phần của Sabeco nhưng nếu có, nhiều khả năng sẽ chỉ là các nhà đầu tư tài chính thay vì nhà đầu tư chiến lược vì hiện Thaibev đã chiếm trên 50% vốn.
Giờ đây, mức giá thoái vốn sẽ là một vấn đề - câu hỏi quan trọng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận