Nhà nước có nên nắm giữ cổ phần chi phối tại Vicem?
Trong khi tình hình tài chính công ty mẹ ổn định thì các công ty con của Vicem (Tổng Công ty xi măng) đang thua lỗ nghìn tỉ. Vậy Nhà nước có nên nắm giữ cổ phần chi phối tại Vicem?
Nợ ăn mòn vốn chủ sở hữu
Bộ Tài chính vừa có báo cáo đánh giá tình hình tài chính của VICEM, trong đó đề cập đến khoản đầu tư của Vicem vào Vicem Tam Điệp. Vicem đầu tư vào Vicem Tam Điệp 1.132 tỷ đồng. Nhưng Vicem Tam Điệp lỗ tới hơn 1.103 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu chỉ còn 86 tỷ đồng. Điều này có thể thấy công ty mẹ không bảo toàn được vốn đầu tư tại công ty con.
Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 17,7 lần, hệ số thanh toán nợ ngắn hạn là 0,25. Do vậy Vicem Tam Điệp đã mất an toàn tài chính nghiêm trọng, mất khả năng thanh toán, hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay, chiếm dụng và hỗ trợ từ công ty mẹ.
Không chỉ Vicem Tam Điệp, hai dự án tiếp là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao vẫn đang trong tình trạng khả năng lỗ mất vốn rất cao.
Xi măng Hạ Long vẫn lỗ lũy kế tới gần 3.600 tỷ đồng. Công ty vẫn bị mất cân đối và mất an toàn về tài chính nghiêm trọng, khó cân đối dòng tiền để trả nợ; Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế hơn 400 tỷ đồng cũng đang rơi vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt.
Theo Bộ Tài chính đánh giá, các dự án của Vicem như Hà Tiên 1, Vicem Bút Sơn, Vicem Hoàng Mai, Xi măng Bỉm Sơn hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn đều thấp hơn 1, nhiều công ty có hệ số từ 0,5 trở xuống, điều này cho thấy các khoản nợ đến hạn, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối về tài chính.
Tái cơ cấu để trả nợ
Mới đây Vicem trình các cơ quan quản lý xin bán trụ sở 31 tầng tại khu đất vàng 8.467m2 tại quận Cầu Giấy. Đây là 1 trong các phương án mà Tổng Công ty nhằm tái cơ cấu để thu hồi vốn trả nợ
Dự án văn phòng Vicem Tower được cấp phép năm 2011 và dự kiến hoàn thành 3 năm sau đó. Dự án được xây dựng theo quy mô hạng A trên diện tích 8.476m2, bao gồm tòa nhà cao 31 tầng nổi và bốn tầng hầm, với tổng diện tích sàn khoảng 78.270m2, trong đó phần nổi khoảng 54.000m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ngầm. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.952 tỷ đồng.
Thời điểm Vicem được giao làm chủ đầu tư dự án kỳ vọng công trình sẽ tạo ra bộ mặt, diện mạo mới cho hoạt động kinh doanh của khu vực này. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”. Bên cạnh đó, số vốn đầu tư đã tăng lên 2.743 tỷ đồng, tăng thêm gần 800 tỷ đồng so với ban đầu.
Trước tình thế này, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu Vicem rà soát, cập nhật phương án xử lý nhà đất theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào phương án sắp xếp, xử lý nhà đất theo nghị định 167/CP của Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét bán trụ sở.
Về sản xuất kinh doanh những năm gần đây, báo cáo tài chính năm 2018, cho thấy tổng doanh thu đạt 1.691 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.052 tỉ đồng, nộp ngân sách khoảng 703 tỉ đồng. Tuy nhiên, Vicem đang ôm nợ hàng nghìn tỉ đồng từ các công ty con cộng với việc việc xin bán lại trụ sở văn cho thấy, đây là một trong những mục tiêu của Vicem trong việc tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ.
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2019 lợi nhuận trước thuế của Vicem đạt mức gần 1.700 tỷ đồng, bằng 162,3% so với cùng kỳ, nộp ngân sách 1.300 tỷ đồng … Các doanh nghiệp mới chuyển về Vicem chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Xây dựng là Xi măng Hạ Long và Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế đã giảm, từng bước vượt qua khó khăn còn Xi măng Hải Phòng đã chấm dứt lỗ.
Nhà nước có nên nắm giữ trên 51%?
Trong báo cáo kiểm toán về việc xử lý tài chính trước khi CPH gửi đến Bộ Xây dựng mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng chỉ ra nhiều vấn đề trong hoạt động của Vicem.
Đáng chú ý, liên quan đến giá trị tiềm năng phát triển của công ty mẹ Vicem, Vicem Tam Điệp và Vicem Hải Phòng, KTNN và đơn vị tư vấn xác định giá trị tiềm năng phát triển bằng 0 đồng. Ngoài ra, KTNN xác định tổng giá trị phần vốn nhà nước tại Vicem tăng khoảng 1.169 tỷ đồng khi xác định lại giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản.
Cụ thể, giá trị tài sản Vicem thời điểm tháng 10/2018 khoảng 28.227 tỷ đồng và giá trị vốn nhà nước khoảng 27.803 tỷ đồng. Tuy nhiên nếu trường hợp xác định giá trị Vicem theo phương pháp chiết khấu dòng cổ tức, KTNN khẳng định tổng giá trị vốn nhà nước tại Vicem đạt 25.127 tỷ đồng, tăng khoảng 1.747 tỷ đồng so với con số báo cáo của Vicem.
Nguyên nhân chênh lệch nghìn tỷ đồng khi xác định tài sản, giá trị vốn nhà nước tại Vicem trước CPH được KTNN chỉ ra là khi xác định giá trị doanh nghiệp trước CPH, Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập - Công ty TNHH hãng kiểm toán AASC - chưa tính đến giá trị quyền khai thác khoảng sản của một số công ty con trực thuộc Vicem.Bên cạnh đó, trong báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp trước CPH do Vicem và đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện. Đó là việc tính toán chưa đầy đủ giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp.
Hiện Vicem và các công ty con đang sở hữu nhiều lô đất, tài sản trên đất có giá trị tại Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An hiện KTNN đã đề nghị Vicem và đơn vị kiểm toán xác định đầy đủ giá trị các lô đất để đưa vào giá trị doanh nghiệp trước CPH nhằm tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Theo ông Bùi Hồng Minh-Tổng Giám đốc Vicem cho biết, Tổng Công ty đang tiếp tục triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó Vicem sẽ triển khai Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2019 – 2025 từ Vicem đến các đơn vị thành viên sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt, phù hợp với chiến lược phát triển ngành đến năm 2030. Đồng thời VICEM giải trình với Bộ Xây dựng, Chính phủ về việc đề xuất Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối tại Vicem từ hơn 51 đến 65% vốn điều lệ để Tổng Công ty vẫn là trụ cột, định hướng phát triển ngành xi măng Việt Nam.
Tuy nhiên với tình hình quản trị đồng vốn đầu tư kém, các dự án công ty con đang được xem xét giãn nợ, khoanh nợ, theo ông Lê Đăng Doanh- chuyên gia Nhà nước cần xem xét thận trọng việc nắm giữ cổ phần chi phối tại Vicem, bởi nếu cách điều hành và tư duy quản lý Nhà nước như hiện nay không thay đổi thì Vicem có khả năng mất cả vốn chủ sở hữu…
Hà Phương
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận