Nhà máy Fukushima xả nước thải ra biển: Góc nhìn 4 phía
Nhà máy Fukushima đã chính thức xả nước thải ra biển vào ngày 24/8, ngay lập tức Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nga, Triều Tiên phản ứng dữ dội, thậm chí Trung Quốc còn cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản, ngay cả ngư dân Nhật Bản cũng tỏ ra sợ hãi trước sự kiện này.
Sau mấy ngày chịu khó đọc thông tin từ 4-5 phía bao gồm Nhật Bản, các quốc gia phản đối, các quốc gia ủng hộ và giới khoa học quốc tế, tôi tạm tóm tắt góc nhìn của các bên để các bạn tham khảo, với mong muốn chúng ta có bức tranh đầu đủ, đa chiều hơn, thay vì chúng ta chi đọc các bài báo đưa tin theo góc nhìn một phía.
GÓC NHÌN THỐNG NHẤT GIỮA CÁC BÊN
Tất cả các quốc gia đều thừa nhận rằng các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới đều đã và đang xả thải nước làm mát nhà máy điện hạt nhân ra biển và vào không khí, “Các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới đã thường xuyên xả nước chứa tritium trong hơn 60 năm qua mà không gây hại cho con người hoặc môi trường” (Tony Irwin, phó giáo sư danh dự tại Đại học Quốc gia Australia).
Phía Nhật Bản đưa ra con số xả thải của từng nhà máy điện hạt nhân của các cường quốc hạt nhân trên toàn thế giới và hầu hết tổng lượng triti xả thải ra biển đều lớn hơn rất nhiều lượng triti xả thải của nhà máy Fukushima, cụ thể lượng Triti xả thải như sau:
1) Nhà máy Fukushima (Nhật Bản): 22 nghìn tỷ Bq mỗi năm.
2) Vương quốc Anh: Năm 2019 đã thải 423 nghìn tỷ Bq ra biển, Năm 2015 đã xả thải 1.625 nghìn ty Bq ra biển và vào không khí.
3) Pháp: Năm 2015, La Hague đã xả thải 13.778 nghìn tỷ Bq vào đại dương và bầu khí quyển.
4) Canada: Năm 2015, đã xả thải 495 nghìn tỷ Bq.
5) Hàn Quốc: Nhà máy điện hạt nhân Kori (Busan) đã xả thải 50 nghìn tỷ Bq tritium và Nhà máy điện hạt nhân Wolseong đã thải thêm 25 nghìn tỷ Bq ra biển (2018). Nhà máy điện hạt nhân Wolseong đã thải 17 nghìn tỷ Bq ra biển (2016).
6) Trung Quốc: Năm 2021, Nhà máy điện Qinshan (Chiết Giang) đã thải ra 218 nghìn tỷ Bq. Nhà máy điện Fuqing (Phúc Kiến) thải ra lượng triti nhiều gấp ba lần Fukushima.
Lưu ý: tritium - một loại đồng vị không thể lọc ra và Becquerel (Bq) là đơn vị được quốc tế chấp nhận để đo cường độ và khối lượng phóng xạ.
Tất cả các bên đều thừa nhận thực tế này, không có bên nào phản đối.
GÓC NHÌN CỦA TRUNG QUỐC, HÀN QUỐC
Cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đều thừa nhận “tất cả các nhà máy hạt nhân đều thường xuyên xả nước thải ra biển nhưng vụ xả thải Fukushima là một vấn đề đặc biệt”, bởi nước ở các nhà máy điện hạt nhân khác trên thế giới là nước thải từ các nhà máy hạt nhân đang hoạt động bình thường, nước chỉ dùng làm mát vỏ ngoài của nhà máy hạt nhân, còn nước ở Fukushima là nước thải của nhà máy bị sự cố động đất, nước làm mát đã tiếp xúc trực tiếp ở khu vực có độ nhiễm xạ cao hơn rất nhiều. Đại diện Trung Quốc đã cáo buộc rằng Nhật Bản đã "biến mình thành kẻ phá hoại hệ sinh thái và gây ô nhiễm đại dương".
Trung Quốc và Nga có đề xuất chung là Nhật Bản nên dùng phương pháp đun nóng rồi làm bay hơi nước sẽ an toàn hơn, ít độc hại hơn xả thải nước ra biển, lý do Nhật Bản chọn phương pháp xả thải nước ra biển thuần tuý vì lý do kinh tế.
LÝ GIẢI CỦA NHẬT BẢN
Nhật Bản cho rằng họ đã cho nước thải qua hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) để loại bỏ hầu hết các nguyên tố phóng xạ và các đồng vị phóng xạ ra khỏi nước, chỉ còn duy nhất một đồng vị phóng xạ không thể lọc ra được là tritium (tritium là đồng vị phóng xạ của hydro), mà tritium thì có ở nước thải ở tất cả các nhà máy điện hạt nhân khác trên thế giới.
Điều này có nghĩa là về bản chất sau khi đã lọc ALPS, nước thải ở nhà máy Fukushima tương đương với nước thải ở tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Canada đang xả thải và độ nhiễm xạ cao hay thấp của mỗi nhà máy đều đã được quy về đơn vị Bq tritium rồi.
Để khách quan, Nhật Bản đã mời tổ chức năng lượng quốc tế IAEA và cơ quan giám sát của Liên Hiệp Quốc vào tham gia nghiên cứu, giám sát và Nhật Bản đã được IAEA và Liên Hiệp Quốc phê duyệt kế hoạch xả thải.
Để đảm bảo an toàn và để trấn an dư luận, hàng ngày Nhật Bản lấy mẫu cá đánh bắt ở vùng biển Fukushima để phân tích xem cá có bị nhiễm xạ hay không, kết quả là đến thời điểm này không thấy có phóng xạ trong các con cá mẫu.
Nhật Bản cho rằng sự phản đối của Trung Quốc mang màu sắc chính trị, bởi nếu Trung Quốc cho rằng nước xả thải từ Fukushima có nhiễm xạ, nguồn nước biển bị ô nhiễm, thuỷ sản ở biển bị nhiễm xạ thì tất yếu thuỷ sản ở biển của Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan cũng bị nhiễm xạ, vậy tại sao chỉ cấm nhập khẩu thủy sản từ mỗi Nhật Bản thôi.
GIỚI KHOA HỌC & DƯ LUẬN QUỐC TẾ
Tổ chức năng lượng quốc tế IAEA đã phê duyệt kế hoạch xả thải của Fukushima và IAEA đã cam kết tiếp tục giám sát và đánh giá quá trình xả nước thải từ ngay khi nó bắt đầu và trong suốt quá trình xả thải kéo dài hàng thập kỷ.
Rất nhiều Tiến sĩ, Giáo sư các trường Đại học Chalmers (Thuỵ Điển), ĐH Hoàng Gia London, ĐH Portsmouth (UK), Aucklamd (New Zealand), ĐH Quốc Gia Australia… đều cho rằng nước thải của nhà máy Fukushima đã được lọc và pha loãng như trong bản kế hoạch xả thải của Fukushima đã được IAEA phê duyệt là ở mức an toàn.
Phía Hàn Quốc sau những phản đối ban đầu, ngày thứ tư 23/8 đã ra tín hiệu ủng hộ việc Nhật Bản xả chất thải hạt nhân ra biển khi Seoul cho biết họ "tôn trọng" đánh giá của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về vấn đề này và công nhận IAEA là cơ quan có uy tín được quốc tế công nhận" (theo Yonhap News).
ooooo O ooooo
Đây là những thông tin tôi tập hợp được trên tinh thần trung lập, đa chiều và thận trọng về một vấn đề hết sức quan trọng đến an toàn và sức khoẻ của người dân, trong đó có chính chúng ta.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận