Nhà đầu tư trong "cơn say" chứng khoán
Nhà đầu tư cá nhân trong nước đã thiết lập nhiều mức kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dòng tiền liên tục được “bơm” vào thị trường
Có thể nói, sau khi trải qua đà tăng mạnh mẽ kể từ tháng 3.2020, sức hút của thị trường ngày càng gia tăng. Nếu tính từ vùng giá thấp nhất năm 2020 của VN-Index quanh mốc 650 điểm, thì cho đến hiện tại (3.6.2021), chỉ số VN-Index đã gấp hơn 2 lần, chính thức vượt mốc 1.200 điểm vào tháng 4.2021 và hiện đang được giao dịch trên mốc 1.300 điểm. Thị trường chứng khoán tăng giá trong bối cảnh kỷ nguyên tiền rẻ vẫn tiếp diễn, cùng sự ổn định về tình hình kinh tế vĩ mô, cũng như sự kỳ vọng về sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch.
Cho đến nay, sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam dường như vẫn chưa giảm nhiệt khi lượng tiền được rót vào thị trường liên tục tăng mạnh mẽ. Tính đến ngày 31.5, trên hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) đang quản lý hơn 3,21 tài khoản của nhà đầu tư trong nước. Trong đó có 3,2 triệu tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân. Như vậy, tính riêng trong tháng 5 đã có hơn 113.540 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân được mở mới, một con số kỷ lục trong lịch sử hình thành và phát triển của thị trường. Tính tổng cả 5 tháng đầu năm, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã lên tới hơn 479.857 tài khoản, con số này đã phá vỡ mức kỷ lục 393.000 tài khoản của năm 2020.
Sự bùng nổ về thanh khoản trên thị trường đồng thuận với số lượng nhà đầu tư mới “nhập cuộc”. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt hơn 21.900 tỉ đồng/phiên, tăng gần 19% so với tháng trước, và gấp hơn 3 lần con số bình quân của năm 2020. Phiên giao dịch 3.6, thị trường tiếp tục có kỷ lục mới với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt gần 29.000 tỉ đồng, trong đó hơn 27.600 tỉ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn HOSE và HNX đạt hơn 33.000 tỉ đồng, thiết lập kỷ lục mới về thanh khoản.
Với sự mạnh mẽ của dòng tiền, kết thúc phiên 3.6 chỉ số VN-Index tăng 23,5 điểm lên 1.364,28 điểm, trong đó chỉ số VN30 tăng 25,52 điểm lên 1.504,37 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 339 mã tăng/75 mã giảm, ở rổ VN30 có 28 mã tăng, 02 mã giảm và 0 mã giữ tham chiếu. Bên cạnh đó nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 2,62% và 2,51% trong phiên giao dịch vừa qua.
Lạc quan hay thận trọng?
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB (MBS), thị trường cơ sở đang băng băng tiến về ngưỡng 1.400 điểm với quán tính tăng ngày càng mạnh mẽ khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa hạ nhiệt. Nhà đầu tư cũng không mấy bận tâm đến các ngưỡng kháng cự bởi dòng tiền luôn chầu trực để được tham gia.
MBS cho rằng các nhịp rung lắc như trong phiên 3.6 vừa qua vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên việc điều chỉnh này cũng có tác dụng rũ bớt lượng hàng T+ và margin, qua đó giúp thị trường tăng bền vững hơn. Những nhà đầu tư chốt lời phiên này cũng là lực cầu tiềm năng khi thị trường đi lên.
Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), dòng tiền vẫn đang đổ mạnh vào thị trường và tâm lý của nhà đầu tư đang rất hưng phấn. Tuy nhiên, SHS cho biết nếu xét trên góc nhìn kỹ thuật thì phiên tăng 3.6 có thể là một đỉnh cao trào (climax top) của chỉ số VN-Index khi hội tụ đủ mọi yếu tố như mức tăng mạnh, thanh khoản lớn, chỉ số gap up ngay từ đầu phiên, cũng như VN-Index đã vượt qua được xu hướng trên của kênh giá. Và trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6.2021 thấp hơn chỉ số VN30 sau 4 phiên liên tiếp cao hơn cho thấy các trader cũng đang có sự thận trọng nhất định đối với xu hướng.
SHS cho rằng đà tăng hiện tại là hơi nóng và trong phiên giao dịch 4.6, thị trường có thể sẽ điều chỉnh trở lại khi mà áp lực bán mạnh xuất hiện. Nhà đầu tư hạn chế mua đuổi trong bối cảnh hiện tại và tận dụng những nhịp tăng điểm trong phiên để hạ tỉ trọng cổ phiếu về mức an toàn. Chờ đợi những nhịp điều chỉnh sâu hơn để tham gia trở lại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận