Nhà đầu tư tiết cung, thị trường hãm bớt đà giảm trong phiên 30/5
Áp lực bán có phần giảm trên diện rộng, trong khi lực cầu túc tắc gom hàng đã giúp VN-Index thu hẹp đáng kể đà giảm về cuối phiên. Điểm tích cực là thanh khoản vẫn đang duy trì ở mức cao hơn trung bình và dòng tiền vẫn đang cho tín hiệu luân chuyển nhanh trên bảng điện tử.
Sau phiên sáng giảm điểm khá mạnh dù lực cung giá thấp chỉ lác đác xuất hiện, thị trường bước vào phiên chiều đã ngay lập tức nới thêm đà giảm và về gần ngưỡng 1.250 điểm.
Tại ngưỡng điểm quan trọng này, lực mua đã dần mạnh lên, trong khi nhà đầu tư cũng ngừng bán và giúp nhiều mã thu hẹp đáng kể đà giảm, thậm chí còn đảo chiều tăng điểm, trong đó không ít là các bluechip. Qua đó, giúp VN-Index dần hồi phục và chậm gần tới ngưỡng 1.270 điểm, nhưng lại bị đẩy ngược trở lại đôi chút trong phiên ATC.
Đóng cửa, sàn HOSE có 156 mã tăng và 277 mã giảm, VN-Index giảm 6,32 điểm (-0,50%), xuống 1.266,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.050 triệu đơn vị, giá trị 25.853,2 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 92 triệu đơn vị, giá trị 2.122 tỷ đồng.
Trong nhóm bluechip, nếu như cuối phiên sáng có gần 10 mã giảm hơn 2%, thì kết phiên chiều nay chỉ còn MBB, VRE và VIC giảm với biên độ này, trong khi nhiều cổ phiếu đã hãm đà rơi, với những cái tên lớn như VHM, HPG, VCB, GAS, STB, HDB, BID chỉ mất 1% đến 1,9%.
Số mã tăng cũng được cải thiện, thậm chí những cái tên như MSN, GVR và MWG còn đảo chiều tăng tích cực, với MWG +3,8% lên 62.800 đồng, GVR +3,2% lên 36.000 đồng, MSN +2,9% lên 77.200 đồng, các cổ phiếu VIB, CTG, ACB, TCB cũng đóng cửa trong sắc xanh cùng POW +2% lên 12.800 đồng.
Thanh khoản ba cổ phiếu MBB, HPG và SHB dẫn đầu trong rổ VN30 và cao nhất sàn, khi có từ 25,8 triệu đến 28,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, dòng tiền phân hóa ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi không quá ưu ái nhóm ngành nào và những cổ phiếu tăng tốt đều chỉ là những cái tên riêng lẻ, nhưng đặc điểm là có tính đầu cơ cao.
Theo đó, EVG và VIP tăng kịch trần lên 6.590 đồng và 16.350 đồng, khớp lần lượt 8,45 triệu và 2,23 triệu đơn vị, KPF +5,6% lên 3.570 đồng, SMC +4,5% lên 14.000 đồng, HNG +4,1% lên 4.580 đồng, BCG +3% lên 9.590 đồng…
Các mã nổi bật khác có hai cổ phiếu ngành chứng khoán AGR +5,6% lên 21.800 đồng, ORS +2,8% lên 16.700 đồng.
Nhóm xây dựng, bất động sản với CII, OGC, HDC, SGR, VPH, CTI, D2D tăng từ 2% đến 4%...
Ở chiều ngược lại, PSH vẫn nằm sàn -6,9% xuống 7.170 đồng, khớp hơn 3,2 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 4,2 triệu đơn vị. Phần còn lại đều thu hẹp đà giảm và chỉ còn lác đác DAG, HHS, BIC, HID, VNE là mất điểm đáng kể khi đánh rơi 3-5%.
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự sàn HOSE, khi chỉ số HNX-Index thu hẹp đà giảm đáng kể trong phiên chiều, thậm chí chỉ số này còn về sát được tham chiếu ở những phút cuối.
Đóng cửa, sàn HNX có 78 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index giảm 0,14 điểm (-0,06%), xuống 244,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 136,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.578,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5,72 triệu đơn vị, giá trị 144,6 tỷ đồng.
Nhóm nhà APEC vẫn là tâm điểm, khi đồng loạt nhận lực cầu đầu cơ cao và IDJ, APS đã tăng lên mức giá trần tại 8.000 đồng và 8.800 đồng, khớp hơn 10,44 triệu và 4,7 triệu đơn vị, trong khi API tăng gần 8% lên 11.000 đồng, khớp gần 6 triệu đơn vị.
Ở những cổ phiếu khác, HUT giữ mức tăng tốt từ cuối phiên sáng +7,8% lên 19.300 đồng, khớp gần 13,9 triệu đơn vị, AAV +8,6% lên 7.600 đồng, các mã CEO, AMV nhích trên dưới 3%...
Trong khi đó, SHS và PVS hãm đà rơi và chỉ còn giảm nhẹ trên dưới 1%, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn phiên này khi có 20,8 triệu đơn vị.
Đáng kể là cổ phiếu IDC, khi có lúc đã giảm sàn trước khi đóng cửa chỉ còn -0,6% xuống 63.800 đồng, khớp 2,41 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã tăng tốc hồi phục và gần chạm tới tham chiếu vào những phút cuối.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,13%), xuống 95,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63 triệu đơn vị, giá trị 1.143,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 118,8 triệu đơn vị, giá trị 1.704 tỷ đồng.
Cổ phiếu BCR vẫn là tâm điểm khi +9,4% lên 7.000 đồng, khớp gần 4,4 triệu đơn vị; MSR +4,1% lên 18.000 đồng, khớp 3,12 triệu đơn vị.
Phần còn lại ở những mã thanh khoản cao biến động nhẹ, với BSR -2,1% xuống 23.000 đồng, khớp lệnh vượt trội với 15,8 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm. Trong đó, VN30F2406 giảm 7,5 điểm, tương đương -0,59% xuống 1.270 điểm, khớp hơn 251.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 50.400 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế lớn, nhất là tại các mã thanh khoản cao. Trong đó, CHPG2331 khớp 5,38 triệu đơn vị và giảm 5,4% xuống 870 đồng/cq. Theo sau là CHPG2329 với 3,94 triệu đơn vị và giảm 8,2% xuống 1.790 đồng/cq.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận