menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Phạm Học

Nhà đầu tư lớn nhất vẫn tự tin kinh doanh ở Cocobay

Ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức, đã đạt được thoả thuận với chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng để nhận lại tài sản và tự kinh doanh sau khi dự án điều chỉnh tỉ lệ phần trăm cam kết lợi nhuận.

Cũng như hàng nghìn khách hàng mua bất động sản ở Cocobay Đà Nẵng, ông Tân đã từng bày tỏ sự bức xúc khi chủ đầu tư tuyên bố điều chỉnh thu nhập cam kết từ đầu năm 2020 với lý do kinh doanh pháp lý đối với condotel chưa hoàn thiện và kết quả kinh doanh không đủ để trả mức lợi nhuận lên tới 12%/năm.

Trong khi phần lớn khách hàng lựa chọn phương án thanh lý hợp đồng để nhận lại tiền đã đầu tư, thì ông Tân lại là một trong số gần 300 khách hàng nhận lại tài sản để “tự kinh doanh hoặc giao lại cho công ty khai thác với thu nhập cam kết cố định ở mức 7%/năm hoặc phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ 80/20” - theo như một trong số các phương án mà Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô đưa ra.

Gặp lại ông Tân sau hơn một năm kể từ ngày chủ đầu tư tổ chức hội nghị khách hàng ở Đà Nẵng để thông báo việc thay đổi phương án kinh doanh, gương mặt ông đã không còn căng thẳng và nỗi bức xúc ngày nào cũng dường như đã nguôi ngoai.

Thậm chí, với khoản đầu tư 600 tỷ đồng, nhà đầu tư lớn nhất tại Cocobay này khẳng định sự tự tin khi nhận lại tài sản để tự kinh doanh vì ông cho rằng Cocobay Đà Nẵng vẫn là dự án tốt và chủ đầu tư, khách hàng cũng như các đối tác khác có thể và cần đồng hành cùng nhau để vực dậy dự án.

Được biết, ông và Công ty CP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng vừa ký biên bản họp bàn giao lại tài sản sau một năm kể từ khi công ty này tuyên bố điều chỉnh tỉ lệ phần trăm thu nhập cam kết. Vì sao tiến trình nhận lại tài sản của Nhịp Cầu Việt Đức kéo dài lâu như vậy?

Ông Mai Huy Tân: Đây không phải là biên bản nhận bàn giao lại tài sản mà mới chỉ là biên bản họp về việc nhận bàn giao tài sản giữa công ty Thành Đô và Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức. Đây là kết quả sau nhiều tháng làm việc vừa kiên quyết vừa mềm dẻo và quá trình lao động, nghiên cứu kỹ lưỡng, tỷ mỷ đến từng con số của Nhịp Cầu Việt Đức với sự hợp tác và hỗ trợ tích cực từ phía công ty Thành Đô.

Sở dĩ nói như vậy là bởi việc nhận lại các bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng từ phía công ty Thành Đô là quá trình không hề đơn giản.

Trước đó, Nhịp Cầu Việt Đức đã bỏ ra 600 tỷ đồng mua 42 bất động sản tại dự án này. Trong đó, mỗi bất động sản lại nằm ở một vị trí đơn lẻ. 24 căn Boutique Hotel (khách sạn 7 tầng mini) mà tôi sở hữu, mỗi căn nằm ở một khối khác nhau. Mỗi khối Boutique Hotel này được thiết kế gồm 10 căn boutique liền kề, sử dụng chung một hệ thống thang máy, thang bộ, điều hòa nhiệt độ trung tâm và dùng chung lễ tân.

Nhà đầu tư lớn nhất vẫn tự tin kinh doanh ở Cocobay
Ông Mai Huy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức

Chưa kể đến 10 căn condotel của Nhịp Cầu Việt Đức cũng mỗi cái một nơi. Chúng tôi không thể nhận lại các tài sản của mình trong thể trạng "xôi đỗ", vì như vậy sẽ không thể quản lý vận hành cũng như tự kinh doanh sau này.

Trước đây, từ quý I/2020 Thành Đô cũng đã cam kết sẽ cùng khách hàng thống nhất dồn các căn của cùng một chủ sở hữu thành một khối, để khi nhận lại tài sản, khách hàng có thể tự quản lý vận hành. Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện điều này là hết sức phức tạp vì có nhiều chủ sở hữu của nhiều tòa boutique mà những tòa loại này nằm trong các khối khác nhau.

Đây cũng chính là nguyên nhân khiến quá trình chuẩn bị bàn giao tài sản của Nhịp Cầu Việt Đức bị kéo dài. Hiện tại, hai bên đã thống nhất dự kiến quá trình này kết thúc vào ngày 10/1/2021.

Ngày 11/12 vừa qua, chúng tôi mới ký được biên bản họp để chuẩn bị bàn giao tài sản và đề xuất các nội dung hợp tác khác với công ty Thành Đô. Song, bản thân tôi cho rằng, biên bản này mới chỉ là lời hứa trên giấy. Đối với Nhịp Cầu Việt Đức, biên bản chỉ thực sự có giá trị khi được thực hiện trên thực tế, tức là Nhịp Cầu Việt Đức và các chủ sở hữu thực sự nhận nhà với sổ đỏ của từng tòa boutique.

Ông có thể chia sẻ cụ thể những khó khăn khi tiến hành dồn dịch các căn boutique hotel để nhận bàn giao tài sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng?

Ông Mai Huy Tân: Đây là một quá trình rất dài và phức tạp bởi mỗi căn boutique thuộc một chủ sở hữu khác nhau, quan điểm của họ cũng rất khác nhau. Đó là chưa kể đến việc khi dồn dịch các căn boutique vào cùng một khối thì sẽ có những căn bị chênh nhau về giá trị. Muốn dồn dịch phải có sự đồng thuận của các chủ sở hữu này.

Khi nghiên cứu để dồn dịch các căn liền kề thuộc chung chủ sở hữu vào cùng một khối, Nhịp Cầu Việt Đức đã cùng công ty Thành Đô tính toán rất cẩn thận, khách quan, tỉ mỉ dựa trên diện tích căn hộ và sự đồng thuận của các chủ sở hữu.

Bản thân tôi đã nhiều tuổi, lại mắc bệnh tim nhưng đã phải cực kỳ nỗ lực. Không đếm hết số lần tôi trên máy bay ra Bắc, vào Nam để tổ chức những cuộc họp với các chủ sở hữu. Cuối cùng, đã có 26 chủ sở hữu uỷ quyền cho Nhịp Cầu Việt Đức bằng văn bản để tập hợp ra được phương án dồn dịch. Nhưng do thời gian kéo dài nên một số chủ sở hữu đã thay đổi phương án và chuyển sang thanh lý hợp đồng với Thành Đô.

Vậy cuối cùng, từ 42 bất động sản tại dự án Cocobay Đà Nẵng, sau phương án dồn dịch, các tài sản của ông tại dự án này đã thay đổi như thế nào?

Ông Mai Huy Tân: Theo biên bản họp ngày 11/12/2020 đã ký giữa Thành Đô và Nhịp Cầu Việt Đức, hai bên thống nhất dồn dịch các căn trong khối Boutique Hotel của Công ty TNHH Nhịp Cầu Việt Đức và các chủ sở hữu trong nhóm nhận tài sản vào 5 khối Boutique Hotel là KB2, KB1, QB4, QB3, QB2.

Đối với 10 căn condotel tại dự án mà Nhịp Cầu Việt Đức sở hữu, do chủ đầu tư chưa hoàn thiện để đưa vào khai thác vận hành nên công ty Thành Đô đã đề nghị tính giá trị để chuyển sang Boutique Hotel.

Đối với số tiền thu nhập cam kết năm 2019 mà Thành Đô đã cam kết còn phải trả cho Nhịp Cầu Việt Đức, nhưng do không có nguồn tiền mặt nên công ty Thành Đô cũng đề nghị chuyển sang thanh toán bằng tài sản (tức bằng nhà nằm trong 5 khối trên).

Như vậy, tài sản của Nhịp Cầu Việt Đức sau khi dồn dịch sẽ nằm trong 5 khối Boutique Hotel, mỗi khối có 10 tòa, tổng là 50 tòa 7 tầng. Trong đó, Nhịp Cầu Việt Đức sở hữu 33 tòa, còn lại 17 tòa thì 16 tòa thuộc 16 chủ sở hữu khác. Một tòa boutique sẽ là chung của Nhịp Cầu Việt Đức và 16 chủ sở hữu. Đó là tài sản Thành Đô trả nốt thu nhập cam kết năm 2019 cho khách hàng theo cam kết của Thành Đô trước đó.

Bên cạnh đó, ngoài tài sản ở Cocobay, Nhịp Cầu Việt Đức còn sở hữu 8 biệt thự 5 sao bên khu nghỉ dưỡng Naman Retreat. Do Thành Đô hiện đang rất khó khăn, không thể trả thu nhập cam kết nên Thành Đô cũng thống nhất chuyển đổi các biệt thự này sang nhận tài sản tại khối QB1 gồm 10 căn Boutique Hotel 7 tầng.

Trải qua hành trình "gian nan" như vậy, tại sao ông vẫn quyết tâm nhận lại tài sản để tự kinh doanh, nhất là trong bối cảnh năm 2020 vừa qua, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng và ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19?

Ông Mai Huy Tân: Dù Thành Đô đã hứng chịu nhiều lùm xùm sau khi điều chỉnh thu nhập cam kết cho khách hàng (thậm chí về 0% như đối với khối boutique hotel), song phải khẳng định rằng, Cocobay Đà Nẵng vẫn là một dự án có tiềm năng khai thác. Dự án sở hữu vị trí đắc địa và vẫn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Nhịp Cầu Việt Đức và Thành Đô giờ đây có thể trở thành đối tác chiến lược để cùng đưa dự án Cocobay “sống” trở lại.

Sang năm 2021, hy vọng khi dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi quốc tế, Việt Nam sẽ từng bước mở cửa với khách du lịch nước ngoài, Đà Nẵng nói chung và Cocobay nói riêng sẽ có cơ hội hồi phục và phát triển từng bước trở lại nhờ du lịch – ngành kinh tế không khói của Đà Nẵng.

Đây vẫn chính là lý do khiến tôi quyết định đầu tư vào dự án này cách đây 4 năm.

Bên cạnh đó, Cocobay Đà Nẵng cũng là dự án có pháp lý rõ ràng và đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch để có thể cấp sổ đỏ (thời gian sử dụng lâu dài) cho các chủ sở hữu bất động sản. So với nhiều dự án condotel, bất động sản nghỉ dưỡng trên thị trường hiện nay, yếu tố này là điểm cộng đáng kể khiến tôi vẫn còn tự tin có thể đầu tư và khai thác kinh doanh thành công.

Sau khi nhận lại số bất động sản tại dự án Cocobay ông có kế hoạch kinh doanh khai thác như thế nào?

Ông Mai Huy Tân: Để khai thác vận hành dự án này, Nhịp Cầu Việt Đức đã tiếp cận được với một đối tác nước ngoài lớn, có uy tín và kinh nghiệm khai thác kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng. Đối tác này vừa có năng lực điều hành, quản lý đẳng cấp quốc tế, vừa mạnh về tài chính, nhân lực, có thương hiệu và tệp khách hàng riêng.

Phương án kinh doanh dự kiến có thể là thương thảo với đối tác này để cùng với Nhịp Cầu Việt Đức khai thác vận hành 6 (trên tổng số 9) khối Boutique Hotel trong phần lõi của dự án (gồm 60 tòa 7 tầng trong 6 khối này). Với ba khối còn lại, hiện Thành Đô cũng đang có kế hoạch, có thể cũng sẽ chuyển nhượng cho đối tác nước ngoài này.

Nếu thương thảo đàm phán thành công, Thành Đô sẽ có thêm nguồn vốn để hoàn thiện dự án và đưa vào hoạt động các hạng mục còn dang dở. Dự án Cocobay Đà Nẵng vì vậy cũng có thể hồi sinh.

Theo dự kiến, nếu việc hợp tác giữa các bên thành công thì không gian ngay sát sông Cổ Cò (vốn trước đây hay được dành để tổ chức các sự kiện lớn tại Cocobay) sẽ được đối tác nước ngoài đầu tư làm bến du thuyền. Hiện chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đang phối hợp để triển khai dự án nạo vét sông Cổ Cò, nối liền tuyến sông Hàn với TP. Hội An bằng du thuyền.

Khi "giấc mơ" này trở thành hiện thực, dự án Cocobay Đà Nẵng sẽ là điểm dừng chân của hàng loạt các du thuyền lớn. Nơi đây sẽ là điểm phát triển kinh tế đêm với khu chợ đêm ven sông, mang lại đáng kể nguồn khách du lịch giúp cả dự án Cocobay sống lại.

Cocobay Đà Nẵng có nhiều triển vọng phát triển, nhưng muốn thành công, các doanh nghiệp, đối tác phải đồng hành với nhau và cùng nhau vực dậy dự án.

Tìm được đối tác nước ngoài lớn như vậy, trong thời gian tới, Nhịp Cầu Việt Đức có dự định chuyển nhượng lại dự án hay sẽ giữ lại để kinh doanh?

Ông Mai Huy Tân: Hiện, công ty có nhiều phương án để phát triển dự án của mình trong vùng lõi của Cocobay. Trong trường hợp lựa chọn theo phương án M&A thì tôi khá tự tin vì trước đây, tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong đàm phán những thương vụ lớn (như thương vụ công ty Xúc xích Đức Việt).

Tuy nhiên, khối tài sản tôi đang sở hữu tại Cocobay Đà Nẵng có thể còn lớn hơn. Do đó, mọi việc cần có sự nghiên cứu lỹ lưỡng. Mọi việc tôi chưa thể nói quá cụ thể khi công việc mới đang bắt đầu.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại