24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thủy Tiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhà đầu tư kiến nghị hoàn thiện pháp luật, giải quyết tồn tại cũ dự án BOT

Các nhà đầu tư kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án BOT đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng và phù hợp với thực tiễn.

Chiều 8/9, tại Hà Nội, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: "Những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư". Buổi tọa đàm thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp BOT tham gia.
PGS, TS Trần Chủng, Chủ tịch VARSI cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy tiềm năng, huy động nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông là một điển hình. Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

PGS, TS Trần Chủng đánh giá, Luật PPP ra đời được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tiễn trong quá trình triển khai dự án từ trước đến nay đã phát sinh nhiều khó khăn như phương án tài chính bị ảnh hưởng, khó khăn trong thanh quyết toán công trình, các dạng vi phạm hợp đồng dự án từ phía nhà đầu tư, cơ quan nhà nước...

Luật PPP quy định khi doanh thu thay đổi (tăng hoặc giảm) và nguyên nhân không xuất phát từ phía nhà đầu tư như: Thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan... thì Nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ rủi ro này.

Về nội dung này, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, đây là chính sách đổi mới, thể hiện sự công bằng trong quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư tại các dự án PPP, phù hợp xu thế hội nhập quốc tế nhằm đa dạng hóa các nguồn vốn, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới mà chưa có quy định cụ thể đối với các dự án đã và đang triển khai.

Một trong những vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là huy động vốn tín dụng cho dự án rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh các dự án cao tốc Bắc – Nam được đầu tư theo hình thức PPP đang phát hành hồ sơ mời thầu.

Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Hiệp hội VARSI nhận định, một trong những vướng mắc của các dự án BOT giao thông trước đây và khả năng trả nợ chưa bảo đảm nên các nhà tài trợ vốn (ngân hàng) e ngại cung cấp tín dụng. Bên cạnh đó, các dự án này không được thực hiện theo lộ trình tăng giá, hỗ trợ vốn từ Nhà nước chưa đúng như cam kết, thậm chí nhiều dự án cũ không được chuyển tiếp khi thay đổi chính sách theo hướng có lợi hơn...

"Có những ngân hàng đã nói không với cho vay để thực hiện dự án BOT giao thông. Nếu chúng ta xác định ưu tiên thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào hạ tầng thì cần có chính sách đi kèm để tạo nguồn vốn", ông Trần Văn Thế chia sẻ.

Trong trường hợp không huy động được vốn tín dụng từ ngân hàng, theo ông Trần Văn Thế đề xuất có thể tháo gỡ bằng chính sách, ví dụ như cho phép phát hành trái phiếu công trình được Nhà nước bảo lãnh, vì Nhà nước là cơ quan có thẩm quyền, sẽ bảo đảm phương án tài chính cho nhà đầu tư…

Ông Phạm Thái Lai, Trưởng phòng Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhìn nhận, sự ra đời của Luật PPP thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về tạo điều kiện thu hút vốn xã hội hóa vào dự án PPP. Trong luật đã có cơ chế giải quyết với khung pháp lý mạnh mẽ hơn về những vấn đề nhà đầu tư lo ngại như thay đổi chính sách, cam kết thực hiện hợp đồng... Việc ban hành Luật PPP mới là bước ban đầu, cần chặng đường nữa để cụ thể hóa chính sách, hướng đến tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.

Tại buổi tọa đàm, nhiều nhà đầu tư nhấn mạnh, chính việc thay đổi chính sách đã ảnh hưởng đến phương án tài chính của các dự án BOT hiện nay. Cụ thể như việc các chính sách, quy định pháp luật thường xuyên thay đổi như quy định về thuế; về giá, phí hay quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.

Cũng theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã phải thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo nguồn tài chính nhằm duy trì vận hành các công trình thông suốt, an toàn. Tuy nhiên, các khó khăn vướng mắc kéo dài chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn, nguồn thu, phá vỡ phương án tài chính gây rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng tín dụng.

Đến nay, quá trình chờ đợi giải quyết kéo dài, do nguồn lực của nhà đầu tư có hạn nên không thể duy trì bù đắp thâm hụt, có nguy cơ phải dừng khai thác. Từ đó, dẫn đến nguy cơ nợ xấu ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và ngân hàng dừng giải ngân. Một số công trình đang đầu tư có thể không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu.

Vì vậy các nhà đầu tư kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án BOT đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng và phù hợp với thực tiễn./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả