Nhà đầu tư có nên đổ tiền vào chứng khoán trước nghỉ lễ 2/9?
Dòng tiền bắt đáy đã được kích hoạt quanh vùng 1.180 điểm, dù mức độ còn khá hạn chế. Tuần giao dịch trước kỳ nghỉ 2/9, giới phân tích dự báo nhiều góc nhìn trái chiều về diễn biến thị trường, tuy nhiên điểm chung là khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua đuổi, giải ngân thăm dò.
Giải ngân thăm dò trước nghỉ lễ
So với tuần giảm điểm mạnh liền trước, VN-Index ghi nhận diễn biến giao dịch bình ổn hơn trong tuần này. Áp lực bán tháo đã giảm dần, khi khối lượng giao dịch tuần này sụt giảm so với tuần trước. Dòng tiền bắt đáy cũng đã được kích hoạt quanh vùng 1.180 điểm dù mức độ vẫn khá hạn chế, và phần nhiều mang tính chất thăm dò.
Dù chỉ số chính kết tuần chỉ tăng nhẹ hơn 5 điểm so với cuối tuần trước, nhưng khá nhiều cổ phiếu đã hồi phục về lại mức giá trước phiên giảm mạnh vào thứ sáu cuối tuần trước (18/8). Sự phân hóa trên thị trường khá rõ nét. Khối ngoại bán ròng khá mạnh với giá trị đạt gần 1.800 tỷ trên cả 3 sàn, trong đó tập trung vào HPG (666 tỷ), SSI (397 tỷ), VPB (390 tỷ), MWG (365 tỷ), KDC (321 tỷ) và STB (311 tỷ). Kết tuần, VN Index đóng cửa tại 1.183 điểm, tăng 5,38 điểm so với tuần trước (tương đương 0,46%).
Chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, VN-Index đang dần ổn định trở lại sau phiên rơi mạnh cuối tuần trước. Tuy nhiên, diễn biến giữa các cổ phiếu tương đối phân hóa.
“Với các mã đang có xu hướng bứt phá khỏi nền tích lũy trong tuần này, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò nhưng không nên mua đuổi giá trong phiên. Mặt khác, nhà đầu tư cũng cần dứt khoát hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu chạm ngưỡng cắt lỗ, nhưng nên canh những nhịp phục hồi trong phiên để giảm tỷ trọng chứ không cần thiết phải bán bằng mọi giá”, chuyên gia VCBS khuyến nghị.
Còn nhóm phân tích của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường sẽ bước vào nhịp điều chỉnh sau giai đoạn tăng điểm mạnh trong các tháng vừa qua. Thời gian điều chỉnh dự kiến có thể kéo dài 2-4 tuần. Nhịp giảm điểm này của thị trường là cần thiết để các nhóm cổ phiếu có thời gian tích lũy tạo nền giá mới cho sóng tăng tiếp theo trong giai đoạn cuối năm.
Chuyên gia khuyến nghị, với các nhà đầu tư đã bán tiếp tục giữ trạng thái quan sát, chưa vội mở các vị thế mua mới. Đối với các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, có thể xem xét mở vị thế mua, ưu tiên hàng có sẵn khi thị trường điều chỉnh rung lắc mạnh trong phiên.
Nhóm nghiên cứu của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index đang có cơ hội hồi phục trước khi tìm đến khu vực cân bằng mới, trước ngưỡng kháng cự 1.250 điểm. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể giải ngân nếu VN-Index có tín hiệu tăng trở lại (vượt vùng kháng cự 1.200 điểm với động lực mạnh).
Doanh nghiệp chi nghìn tỷ trả cổ tức
Trong tuần giao dịch tới, từ 28/8 – 31/8, 27 doanh nghiệp sẽ chốt quyền trả cổ tức. Trong đó, 24 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt, 1 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp cả cổ phiếu và tiền mặt trong tuần này, 1 doanh nghiệp phát hành thêm.
Tỷ lệ cổ tức tiền mặt cao nhất là 36%, thuộc về Tổng Công ty Khí Việt Nam (mã GAS) thông báo ngày đăng ký cuối cùng sẽ là 30/8 chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền năm 2022 với tỷ lệ thực hiện là 36%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận 3.600 đồng.
Đây cũng là kế hoạch đã được PV GAS thông qua tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức cuối tháng 5 vừa qua. Ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức là ngày 29/8, thời gian thanh toán dự kiến ngày 2/11/2023.
Như vậy, với gần 1.914 triệu cổ phiếu đang lưu hành, GAS dự kiến chi khoảng 6.890 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Trong đó, công ty mẹ là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam, PVN) sở hữu 95,76% vốn, tương ứng nắm giữ hơn 1.832,8 triệu cổ phiếu GAS sẽ nhận về khoảng 6.598 tỷ đồng từ cổ tức của PV GAS.
Cũng trong ngày 30/8, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ chi trả 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 3.000 đồng. Thời gian thanh toán là ngày 11/9/2023.
Với 529,4 triệu cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, Đạm Cà Mau sẽ chi 1.588 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông, Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - công ty mẹ sẽ nhận về 1.200 tỷ đồng cổ tức đợt này.
Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi (mã SDV) và Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung (PCE) cũng chốt danh sách trả cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 30%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận