Nhà đầu tư chứng khoán sốt ruột
Trong xu hướng tăng của thị trường chứng khoán từ cuối tháng 4-2023 đến nay, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư nghi ngờ, cầm tiền chờ điều chỉnh
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua (ngày 14-7), VN-Index ghi nhận phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Đây là phiên tăng điểm thứ 9 từ đầu tháng 7-2023, bất chấp những cảnh báo về một đợt điều chỉnh mạnh sắp diễn ra.
Sợ mất cơ hội
Trong phiên cuối tuần qua, thông tin TP HCM sẽ đấu giá tiếp hàng chục lô đất và hàng ngàn căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giúp một số cổ phiếu của doanh nghiệp (DN) liên quan và các cổ phiếu bất động sản tiếp tục dậy sóng.
Anh Minh Tâm (ngụ quận 5, TP HCM - nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán) cho biết đã mua cổ phiếu CII của Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM ở vùng giá 16.000 đồng/cổ phiếu gần 2 tháng trước. Đến phiên cuối tuần qua, giá cổ phiếu CII bứt phá khỏi vùng kháng cự mạnh 19.300 đồng rồi đóng cửa ở mức cao 19.650 đồng/cổ phiếu.
"Ngay khi thông tin đấu giá đất ở Thủ Thiêm sẽ tiếp tục diễn ra, CII và nhiều cổ phiếu bất động sản khác tăng giá mạnh, một số người môi giới khuyến nghị mua vào nhưng nhiều nhà đầu tư không dám vì cho rằng giá nhiều mã đã tăng hơn 20% chỉ gần 2 tháng qua" - anh Tâm kể.
Một cổ phiếu khác trong "họ" CII là NBB của Công ty CP Năm Bảy Bảy cũng tăng mạnh. Thế nhưng, chị Ngọc Nga - một nhà đầu tư ở TP HCM đang "ôm" cổ phiếu này ở vùng giá 45.000 đồng/cổ phiếu - cho biết vẫn lưỡng lự, chưa dám mua thêm.
"Cuối năm ngoái, khi thông tin đấu giá đất ở Thủ Thiêm từng làm dậy sóng cổ phiếu dòng bất động sản, trong đó có CII, NBB…, tôi nhảy vào mua cổ phiếu này ở vùng giá tới 59.000 đồng/cổ phiếu. Sau vài lần mua thêm, đến nay tôi vẫn đang lỗ hơn 60% với mã cổ phiếu này. Nhân viên môi giới khuyên mua thêm để bớt lỗ nhưng tôi vẫn sợ quá khứ lặp lại, mà không mua thì mất cơ hội" - chị Nga băn khoăn.
Thị trường chứng khoán tăng điểm liên tục khiến nhiều nhà đầu tư sốt ruột vì sợ bỏ lỡ cơ hội Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, dù thị trường chứng khoán đã tăng trưởng liên tục từ cuối tháng 4-2023 đến nay, nhiều giá mã cổ phiếu phục hồi 50%-70% từ đáy, thậm chí vài mã tăng giá gấp 2-3 lần, nhưng nhiều nhà đầu tư trải qua giai đoạn thị trường "sụp đổ" năm 2022 vẫn bị ám ảnh. Những nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) thời điểm đó đến giờ có người vẫn lỗ 60%-70% tài khoản, những người khác đã "cắt lỗ" rồi cầm tiền đứng ngoài chứ chưa dám mạnh tay giao dịch trở lại.
"Sau cú lao dốc từ đỉnh 1.500 điểm của VN-Index, đến giờ đã gần 2 năm nhưng tôi vẫn chưa dám đổ hết tiền vào chứng khoán trở lại. Những cổ phiếu lỗ tôi vẫn để nguyên, chỉ dùng một nửa tiền trong tài khoản đến "lướt sóng" trở lại nhằm hạ giá vốn, sớm thu hồi khoản lỗ" - anh Đình Đức (ngụ TP HCM, nhà đầu tư có gần chục năm tham gia thị trường chứng khoán) cho biết.
Có dấu hiệu tăng nóng
Theo các công ty chứng khoán, thị trường diễn biến khởi sắc với 5 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần qua nhờ số liệu lạm phát tích cực tại Mỹ và áp lực tỉ giá hạ nhiệt. Những thông tin tích cực đang thúc đẩy dòng tiền "đang còn lưỡng lự trước đó" gia nhập thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định việc VN-Index tăng vượt lên trên đường trung bình 50 tháng, dòng tiền cải thiện tích cực hơn và chỉ báo tâm lý trung hạn tăng dần cho thấy nhà đầu tư đang dần lạc quan hơn với xu hướng trung hạn. "Chỉ số có thể sẽ hướng về mức 1.200 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn có thể chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn khi thị trường đang vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II" - ông Thế Minh nhìn nhận.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Việt Duy - Trưởng nhóm chiến lược thị trường, khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect - nhận xét thị trường đang trong xu hướng tăng tốt nhưng có phần "hơi nóng" khi 5 phiên giao dịch liên tiếp tăng điểm, bất chấp những đồn đoán không tốt về một ngân hàng và một công ty hàng không. Diễn biến này cho thấy tâm lý thị trường khá mạnh được hỗ trợ bởi những thông tin kinh tế tích cực.
"Xu hướng nhà đầu tư fomo (sợ mất cơ hội) sẽ liên quan nhiều đến việc sử dụng margin (tiền vay), số tài khoản mở mới... Hiện tại sự fomo của nhà đầu tư chỉ mới bắt đầu khi dư địa margin tại các công ty chứng khoán còn lớn, số tài khoản mở mới cải thiện khi đạt 146.000 tài khoản trong tháng 6" - ông Phạm Việt Duy nêu.
Phân tích kỹ hơn, ông Võ Kim Phụng, Phó trưởng Phòng Phân tích Công ty chứng khoán BETA, cho biết so với giai đoạn cuối năm 2022, những tháng vừa qua, kinh tế trong nước đã có sự thay đổi lớn về mặt chính sách từ chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định tỉ giá…, Việt Nam đã chủ động chuyển sang chính sách tiền tệ dần nới lỏng. Điều này giúp cho lãi suất giảm sớm và nhanh hơn kỳ vọng, cùng với chính sách tài khóa mở rộng, thúc đẩy đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dù nền kinh tế hiện còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng khi mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm sẽ giúp DN và người dân tự tin hơn trong tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng. Những khoản tiết kiệm gửi kỳ hạn 9-12 tháng vào giai đoạn cuối năm 2022 với lãi suất cao đang dần đáo hạn sẽ giúp giảm chi phí đầu vào của ngân hàng, từ đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp hơn, một phần dòng tiền này cũng sẽ tìm kiếm những cơ hội khác có tiềm năng sinh lợi cao hơn, trong đó có chứng khoán, bằng chứng là số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong 2 tháng gần đây tăng khá mạnh, cao nhất trong 10 tháng qua.
"VN-Index vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.140 - 1.150 điểm đã kích thích dòng tiền chảy mạnh vào chứng khoán, thị trường bước vào nhịp tăng khá nóng khiến không ít nhà đầu tư có tâm lý fomo. Trong những giai đoạn có dấu hiệu tăng nóng, nhà đầu tư cần cái đầu lạnh để kiểm soát cảm xúc, tránh hưng phấn quá đà và tâm lý fomo khi quyết định đầu tư" - chuyên gia của Công ty Chứng khoán BETA khuyến nghị.
Theo các chuyên gia tài chính, với những nhà đầu tư có tỉ trọng tiền mặt cao có thể cân nhắc xem xét cơ hội giải ngân tại cổ phiếu của những DN có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II khả quan nhưng chưa tăng quá xa vùng tích lũy hoặc mua tích lũy cổ phiếu của những DN có triển vọng kinh doanh hồi phục trong 6 tháng cuối năm. "Nhà đầu tư cũng không nên bán hết và luôn giữ một tỉ trọng cổ phiếu nhất định trong xu hướng thị trường tăng. Hạn chế mua các cổ phiếu đã tăng hơn 20% và chưa tích lũy trở lại" - ông Phạm Việt Duy nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận