Nhà đầu tư cần tỉnh táo với cổ phiếu DTE
Chào sàn UPCoM vào ngày cuối cùng của năm 2020, cổ phiếu DTE đã có tốc độ tăng giá chóng mặt. Song, nhìn sâu vào nội tại doanh nghiệp, có rất nhiều vấn đề.
97,68% cổ phần trong tay 7 cổ đông lớn
Ngày 31/12/2020, Công ty đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với mã DTE. Cổ phiếu đã tăng trần liên tục, từ mức giá khởi điểm 11.200 đồng/cổ phiếu lên 23.500 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần qua, với thanh khoản ít ỏi.
Từ năm 2019 đến nay, DTT Holdings đã đầu tư vào hai công ty con để đặt chân vào lĩnh vực sản xuất và bán điện thành phẩm, xây dựng công trình và dịch vụ thương mại.
Cụ thể, năm 2019, DTT Holdings đầu tư vào Công ty cổ phần Tấn Phát, với tỷ lệ sở hữu 89,59% vốn điều lệ. Hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp này là sản xuất, truyền tải, phân phối điện và thi công các công trình thủy điện.
Tấn Phát đã từng tham gia xây dựng các công trình thủy điện như Đắk Grét, Plei Kần, Thượng Nhật, Đắk Ne…
Năm 2020, DTT Holdings đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư thủy điện Miền Trung Việt Nam, với tỷ lệ nắm giữ 95,96%. Công ty này là đơn vị thi công dự án nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Trong cơ cấu cổ đông của DTT Holdings, tại thời điểm 1/12/2020, có 7 cổ đông lớn nắm giữ tổng cộng 97,68% vốn. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Tưởng (sinh năm 1973), Chủ tịch Hội đồng quản trị DTT Holdings đang sở hữu 15,79% cổ phần.
Đáng chú ý, ông Tưởng từng là thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (mã TTE) giai đoạn từ 4/2014 đến 12/2019.
Một cổ đông lớn khác của DTT Holdings là ông Lê Văn Khoa cũng từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị TTE từ tháng 8/2017 đến 12/2019.
Với tỷ lệ nắm giữ gần 98% của cổ đông lớn, lượng cổ phiếu lưu hành tự do ngoài thị trường thực tế rất nhỏ.
Dấu hỏi về tiềm lực tài chính
Cùng với quá trình tăng vốn nhanh, DTT Holdings cũng đề ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng. Theo đó, doanh nghiệp cho biết sẽ duy trì dòng tiền từ doanh thu xây dựng công trình và bán điện thương phẩm từ Công ty cổ phần Tấn Phát. Kế hoạch doanh thu 2020 là 268,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 28,4 tỷ đồng.
Ba quý đầu năm, doanh nghiệp đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 219 tỷ đồng và 22,9 tỷ đồng.
DTT Holdings dự kiến năm 2020 sẽ thu về 313 tỷ đồng doanh thu thuần và 33 tỷ đồng lãi sau thuế. Năm 2021, Công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần tăng 5,7 lần, lên gần 1.774 tỷ đồng, lãi sau thuế gấp 4,6 lần, lên 152 tỷ đồng. Năm 2022, các chỉ tiêu này lần lượt đạt 1.778 tỷ đồng và 191 tỷ đồng.
Kế hoạch tham vọng là thế, song tiềm lực tài chính của DTT Holdings vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Tổng tài sản của Công ty tính đến 30/6/2020 đạt 1.627 tỷ đồng, nợ phải trả là 1.005 tỷ đồng. Hai chỉ số này hồi đầu năm 2020 lần lượt là xấp xỉ 15 tỷ đồng và 150 triệu đồng.
Công ty vay và nợ thuê tài chính tổng cộng gần 665 tỷ đồng, trong khi chỉ có 2,6 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền.
Ngoài ra, Công ty cũng đang vay cá nhân Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tưởng hơn 95 tỷ đồng. Tính tới thời điểm hết quý II/2020, Công ty cũng chưa chi trả cổ tức lần nào.
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận tăng đột biến, Công ty còn “ấp ủ” kế hoạch tiếp tục tăng vốn mạnh.
Theo đó, trong năm 2021, DTT Holdings sẽ tăng vốn để đầu tư cho Công ty cổ phần Tấn Phát thực hiện giai đoạn 1 dự án điện gió với công suất 350 MW, tổng mức đầu tư 16.100 tỷ đồng (!).
Theo DTT Holdings, với các dự án đầu tư này, ngân hàng cho vay vốn tối đa là 75% tổng mức đầu tư, phần còn lại là vốn tự có của Công ty.
Vốn điều lệ của Tấn Phát hiện tại là 421 tỷ đồng, không đủ để đầu tư thực hiện dự án điện gió nên Hội đồng quản trị Công ty đang có kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2021 thêm 1.380 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Nói thêm về Công ty cổ phần Tấn Phát, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục suy giảm trong các năm qua. Doanh thu thuần trong năm 2019 là 147 tỷ đồng, giảm năm thứ 4 liên tiếp và thua xa mức 399 tỷ đồng năm 2016. Lãi thuần theo đó giảm từ 17 tỷ đồng năm 2016 về vẻn vẹn 453 triệu đồng trong năm 2019.
Dự án thủy điện dính sai phạm
Thời điểm chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM, nhiều nhà máy thủy điện đang vận hành bởi các công ty con của DTT Holdings đang vướng nhiều sai phạm trong quá trình xây dựng và vận hành.
Đây đều là những nhà máy dự kiến sẽ mang về nguồn thu chính cho Công ty.
Trong đó, đáng chú ý là Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Nhà máy này do Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện Miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11 MW. Mặc dù hồ chứa thủy điện chưa được cho phép tích nước vận hành, nhưng đơn vị quản lý dự án này tích nước trái phép, không chấp hành công điện khẩn chống bão số 13 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Cuối tháng 11/2020, Bộ Công thương đã ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Cuối tháng 11/2020, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) đã ra quyết định thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam đối với hoạt động phát điện Nhà máy thủy điện Thượng Nhật. Doanh nghiệp cũng bị phạt hành chính tổng số tiền là 130 triệu đồng.
Cùng thời điểm này, một thủy điện khác là Plei Kần tại Kon Tum cũng bị xử lý với lỗi tương tự. Theo đó, vào hồi tháng 11, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo đánh giá toàn diện việc đầu tư thủy điện Plei Kần, yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước trái phép và chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn tính mạng, tài sản của người dân do việc ngang nhiên tích nước trái phép gây ra.
Trước đó, dự án này từng gặp sự cố khiến 3 người thiệt mạng và 3 người bị thương.
Nhà máy Thủy điện Plei Kần được khởi công xây dựng từ tháng 4/2018 và dự kiến sẽ đưa vào vận hành từ tháng 2/2021, tổng mức đầu tư 633 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận