Nhà cao tầng bóp nghẹt giao thông TPHCM: Phải thực hiện đánh giá tác động giao thông
Những năm gần đây, TPHCM có hàng loạt dự án bất động sản, nhà cao tầng… ồ ạt mọc lên làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông dẫn đến tình trạng quá tải, gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Hàng chục cao ốc san sát trên một tuyến đường
Sinh sống ở huyện Nhà Bè, anh Huỳnh Ngọc Quý (28 tuổi) hằng ngày phải đi qua cầu Kênh Tẻ (quận 7) để vào trung tâm quận 1 làm việc. Để đến nơi làm việc đúng giờ, anh Quý phải đi từ sớm vì tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (nối Nhà Bè - quận 7 và quận 4) thường xuyên ùn ứ vào giờ cao điểm do dọc tuyến đường này hiện có gần trăm chung cư, tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại.
Tình trạng ùn ứ nhất phải kể đến đoạn cầu Kênh Tẻ (nối quận 7 và quận 4). Buổi sáng vào giờ cao điểm, đoạn chân cầu Kênh Tẻ thường bị ùn ứ theo hướng từ quận 7 đi quận 4, buổi chiều ùn ứ ở hướng ngược lại. Khu vực đường Nguyễn Hữu Thọ, đoạn dưới chân cầu Kênh Tẻ đến điểm giao đường Nguyễn Thị Thập, cũng thường xuyên ùn ứ trong giờ cao điểm.
Cùng chung nỗi ám ảnh kẹt xe như anh Quý, anh Lê Văn Phong (quê Phú Yên, trọ tại quận 7) cho hay, hằng ngày, anh phải đi qua cầu Kênh Tẻ để vào trung tâm quận 3 làm việc.
“Cầu Kênh Tẻ là nỗi ám ảnh của người dân vì tình trạng ùn ứ giao thông vào giờ cao điểm. Vậy mà ở cách chân cầu chưa đến 500m, mới đây, một công trình chung cư cao tầng nữa mọc lên” - anh Phong băn khoăn.
Theo ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động, đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh có rất nhiều chung cư, trung tâm thương mại và hàng loạt trường đại học “mọc” lên. Do đó, vào giờ cao điểm sáng sớm và chiều tối, đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ ở khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) - cho rằng, áp lực dân số lớn sẽ tác động và ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng xã hội, trong đó trực tiếp là cơ sở hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, xử lý nước thải và đồng thời kéo theo nhu cầu về hạ tầng xã hội là trường học, y tế... Khi các dự án khu dân cư, chung cư, cao ốc, trung tâm thương mại... hình thành thì bắt buộc thực hiện đánh giá tác động môi trường, hạ tầng đô thị, giao thông... đồng thời, phải được hội đồng thẩm định do các sở ngành liên quan thẩm định và cấp phép.
Để giải quyết tình trạng này, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM cũng vừa kiến nghị UBND TPHCM về việc các công trình (khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng…) thuộc phạm vi địa bàn thành phố phải thực hiện công tác đánh giá tác động giao thông.
Theo kiến nghị, sau khi có đánh giá tác động giao thông của công trình, Sở GTVT sẽ có góp ý và báo cáo với cơ quan thẩm định cấp phép dự án như Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc.
Trong báo cáo tác động giao thông, Sở GTVT sẽ đưa ra cảnh báo hoặc đánh giá về giao thông của dự án, nếu dự án không đảm bảo thì phải có giải pháp để đảm bảo giao thông.
Cần cơ chế để doanh nghiệp làm đường giao thông
Ông Lê Hoàng Châu nói rằng, nên khuyến khích các doanh nghiệp (DN), chủ đầu tư dự án nhà cao tầng, chung cư, trung tâm thương mại phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực dự án của mình.
“Có nhiều DN đã đề xuất được phát triển đường sá đi qua dự án của mình, nhưng hiện nay vẫn chưa có cơ chế để DN tham gia xây dựng hạ tầng giao thông” - ông Châu nêu vấn đề. Và ông cho biết thêm, cách đây 15 năm, TPHCM đã có thí điểm cho phép DN làm đường giao thông.
Trong đó, nhóm DN có dự án ở quận 7 đã làm Đường 15b góp phần kết nối giao thông và phát triển kinh tế khu vực. Tuy nhiên, việc thí điểm sau đó đã bị dừng vì thiếu cơ chế và chính sách.
“Việc khuyến khích DN làm hạ tầng giao thông sẽ mang nhiều lợi ích. Có 2 hướng để DN tham gia phát triển hạ tầng giao thông đi qua dự án của mình” - ông Lê Hoàng Châu đề xuất.
Hạn chế phát triển nhà cao tầng ở trung tâm TPHCM
Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đã trình UBND TP đề án “Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021-2030”. Trong đề án, đến năm 2025, các quận trung tâm thành phố sẽ hạn chế phát triển các dự án nhà ở cao tầng mới nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.
Cụ thể, đối với khu vực trung tâm quận 1, quận 3, thành phố không chấp thuận chủ trương đầu tư dự án phát triển nhà ở nếu không có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng; ưu tiên tăng chỉ tiêu dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng…
Đối với các quận 4, 5, 6, 11, Phú Nhuận sẽ hạn chế chấp thuận chủ trương thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp. Bên cạnh đó, các quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân sẽ ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn như tuyến metro số 1, các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng, ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận