Nguyên nhân TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh?
TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 là vì một số lý do chính như: Xu hướng chung về điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng; Rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gia tăng...
TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam với tiêu đề "Thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh: Nguyên nhân, triển vọng và giải pháp".
Theo nhóm nghiên cứu, TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 là vì một số lý do chính như:
- Xu hướng chung về điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng
- Rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gia tăng
- Dòng tiền vào TTCK sụt giảm
- Áp lực giải chấp lớn
- Tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng trong bối cảnh rủi ro gia tăng và nhất là sau những sai phạm trên thị trường bị khởi tố vừa qua
- Yếu tố tâm lý đám đông ảnh hưởng tới hành vi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân
Do đó, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi (lạm phát tăng cùng rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu), thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu có xu hướng thắt chặt, lãi suất và tỷ giá tăng, nhà đầu tư điều chỉnh lại đánh giá, kỳ vọng của mình, việc TTCK toàn cầu (trong đó có Việt Nam) điều chỉnh mạnh là tất yếu, nhất là từ tháng 4/2022 đến nay (Hình 1).
Đối với nền kinh tế Việt Nam, như TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã nêu trong một báo cáo đã công bố gần đây, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với 5 rủi ro, thách thức chính đến cuối năm 2022 và năm 2023; đó là: (i) từ bên ngoài, NHTW các nước tiếp tục tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, khiến mặt bằng lãi suất còn tăng, rủi ro tỷ giá, nghĩa vụ nợ tiếp tục tăng, áp lực thanh khoản lớn hơn; xung đột Nga – Ukraine còn ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu, năng lượng, lương thực – thực phẩm; Trung Quốc tăng trưởng thấp do mở cửa thận trọng và tập trung cơ cấu lại,…; khả năng suy thoái nhẹ kinh tế toàn cầu năm 2023 là hiện hữu, thu hẹp thị trường xuất khẩu, đầu tư và du lịch quốc tế; ở trong nước, (ii) áp lực lạm phát, lãi suất, tỷ giá tăng còn lớn trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ bị thu hẹp, doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền, nghĩa vụ trả nợ, thị trường đầu ra; (iii) giải ngân đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi dù được thúc đẩy song còn chậm; (iv) nợ xấu tiềm ẩn tăng vẫn là thách thức trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhiều bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn; (v) thị trường chứng khoán, bất động sản…đang điều chỉnh giảm và lành mạnh hóa. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, khoảng 6-6,5% trong khi lạm phát còn xu hướng tăng (CPI tăng khoảng 4-4,5%).
Ở trong nước, khối ngoại trong xu hướng bán ròng với số lượng lần lượt là 3.500 tỷ VND trong tháng 9 và 1.300 tỷ VND trong tháng 10/2022. Tính chung 10 tháng năm 2022, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.000 tỷ VND (dù mức này còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực). Bên cạnh đó, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước cũng bị hạn chế trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng do năng lực tài chính suy giảm, hạn mức tăng trưởng tín dụng kiểm soát chặt chẽ; phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) khó khăn hơn sau những vụ việc vi phạm vừa qua và qui định luật pháp theo hướng chặt chẽ hơn. Ngoài ra, áp lực đáo hạn TPDN đang gia tăng (quý 4/2022 khoảng 85.000 tỷ VND, năm 2023 là 271.000 tỷ VND và năm 2024 khoảng 330.000 tỷ VND, theo Bộ Tài chính), việc mua lại TPDN diễn ra nhiều hơn (trong 10 tháng đầu năm 2022, đã có khoảng 170 nghìn tỷ VND được mua lại trước hạn, tăng 70% so với cùng kỳ), một phần là do các doanh nghiệp phát hành phải thực hiện nghĩa vụ này khi vi phạm phương án phát hành), cộng thêm giải ngân đầu tư công còn chậm, vòng quay vốn chậm, chi phí đầu vào tăng và doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau khiến một số doanh nghiệp phải: (i) tăng sử dụng vốn tự có, (ii) bán cổ phiếu để cân đối dòng tiền mua lại TPDN đã phát hành, để duy trì sản xuất, kinh doanh, bù đắp phần chi phí tăng thêm…v.v. Nhà đầu tư cá nhân cũng hạn chế vay ký quỹ để đầu tư chứng khoán (tính chung 9 tháng đầu năm 2022, dư nợ cho vay margin ở mức 153.000 tỷ VND, giảm 18% so với cuối năm 2021), một phần là do các TCTD kiểm soát cho vay, đầu tư chứng khoán chặt chẽ hơn và lãi suất cho vay ký quỹ tăng. Các dòng tiền khác như tiền lãi từ kinh doanh BĐS, đầu tư chứng khoán… cũng suy giảm. Điều này cũng phần nào giải thích lý do vì sao mà huy động vốn của hệ thống TCTD tăng khá thấp (khoảng 4,6% từ đầu năm đến nay so với mức tăng 5,5% cùng kỳ năm 2021 và 8% cùng kỳ năm 2020).
Tâm lý thận trọng, ngại rủi ro gia tăng, dẫn đến nhiều nhà đầu tư lựa chọn những kênh đầu tư ít rủi ro hơn, an toàn hơn. Việc này dẫn đến hiện tượng thị trường "ngủ đông" với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HOSE trong 6 tháng gần nhất chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ VND, riêng tháng 10/2022 chỉ đạt 10.200 tỷ VND/phiên (giảm 40-50% so với mức bình quân hơn 21.000 tỷ VND/phiên năm 2021). Việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu (lo không bán được), sẵn sàng bán bằng mọi giá, từ đó kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận