Nguyên nhân nào kéo kinh tế TP.HCM lao dốc?
Trong quý I, tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ ở mức 0,7%, nguyên nhân là do những động lực chính như bất động sản, đầu tư công, sản xuất kinh doanh… đều đang gặp vấn đề và cần có giải pháp sớm.
Như đã biết, kinh tế TP.HCM trong quý I ở mức 0,7%. Đây là con số đáng báo động khiến nhiều người bất ngờ, bởi vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước chưa bao giờ đặt dấu hỏi lớn đến như vậy. Thế nhưng, dưới góc nhìn của các chuyên gia, câu chuyện kinh tế TP.HCM đạt mức thấp trong quý vừa qua là điều đã được dự báo từ trước.
Chia sẻ với Nhadautu.vn, Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM đánh giá, thị trường bất động sản ảm đạm đã tác động lớn đến nền kinh tế thành phố. Bởi quy mô thị trường bất động sản lớn nên khi gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn các tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, còn các yếu tố như đầu tư công, vốn FDI, hạ tầng giao thông…
"Kinh tế TP.HCM đi trước, đến nay đã đạt ngưỡng, do đó, giai đoạn này thành phố có mục tiêu, chiến lược khác để tái cấu trúc, phát triển bền vững", vị Giám đốc này nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng, người theo dõi sát sao nền kinh tế TP.HCM trong nhiều năm nhìn nhận, những năm trước tăng trưởng kinh tế của TP.HCM luôn ở mức 9-10% và cao hơn trung bình cả nước, thu nhập bình quân đầu người cũng cao hơn cả nước.
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là 2 năm dịch COVID-19 tốc độ tăng trường của thành phố thấp hơn cả nước (1,39% so với 2,91%), thậm chí còn âm 6,89% ở năm 2021. Còn các tỉnh lân cận, đặc biệt là Bình Dương có mức tăng trưởng tốt hơn, thu nhập bình quân đầu người 2021 còn cao hơn TP.HCM.
"Năm 2022, mức tăng trưởng của TP.HCM là 9,03%. Đây là con số ngất ngưởng nhưng phải hiểu rằng năm 2021 tăng trưởng âm cho nên con số này thực chất là không cao", ông Hoàng nói và cho rằng việc TP.HCM có mức tăng trưởng kinh tế thấp, nhiều chuyên gia đã nhìn thấy từ 2-3 năm trước.
Theo ông Hoàng, khoảng 10 năm trước định hướng các trụ cột kinh tế TP.HCM nghiêng về dịch vụ và công nghệ thay vì tập trung vào sản xuất kiểu như các khu công nghiệp vốn là thế mạnh của thành phố những năm đầu 2000 trở về trước. Cần lưu ý, trong 3 năm trở lại đây, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của cả nước là xuất nhập khẩu, đầu tư công và tiêu dùng nội địa, bao gồm cả dịch vụ và du lịch nội địa.
Cần sẵn sàng cho những động lực mới
Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay, các lĩnh vực đóng góp lớn vào kinh tế TP.HCM như tài chính, dịch vụ, du lịch, xây dựng, bất động sản... đều sụt giảm và đó chính nguyên nhân.
Đầu tiên là về xây dựng và bất động sản, lĩnh vực này đã suy giảm từ năm 2020, trầm trọng từ năm 2021 cho đến nay. Vấn đề này đã được đề cập rất nhiều lần nhưng chưa giải quyết được và sắp tới chính quyền TP.HCM phải vực dậy được thị trường bất động sản.
Thứ hai, về đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông không đạt kế hoạch. Gần như 10 năm qua hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM không có nhiều thay đổi lớn để tạo diện mạo mới.
Đơn cử như tuyến Metro số 1, liên tục lùi thời gian hoàn thành, còn Metro số 2 không biết bao giờ mới khởi động, chưa kể TP.HCM trong kế hoạch còn có các tuyến Metro 3, 4, 5. Hiện nay, các tuyến đường vẫn luôn trong tình trạng ùn tắc mà không có giải pháp. Tình trạng ngập nước mỗi khi mưa lớn, triều cường cũng chưa có lời giải.
Thứ ba, du lịch TP.HCM không đạt so với kỳ vọng. Năm 2022 cả nước đặt mục tiêu 6 triệu khách du lịch quốc tế nhưng chỉ đạt được hơn 3 triệu khách, tức là khoảng hơn 50%. TP.HCM là điểm đến du lịch hàng đầu cả nước cũng không khá hơn nhiều. Mặc dù du lịch nội địa đạt khoảng 100 triệu lượt khách, tăng hơn một chút so với năm 2019. Nhưng vấn đề ở đây là khách du lịch quốc tế ít quay trở lại với Việt Nam, trong đó có TP.HCM.
Thứ tư, nếu như 15 năm trở về trước, sản xuất kinh doanh mới là một trong những động lực phát triển và tăng trưởng kinh tế của TP.HCM thì loại hình này đã và đang dịch chuyển các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại các địa phương này các nhà đầu tư có nhiều lợi thế cạnh tranh về giá cả, quỹ đất, chuỗi cung ứng…
"Từ lâu, TP.HCM cũng không còn mặn mà với hình thức này nữa, chỉ ưu tiên cho công nghệ cao. Vì vậy, đóng góp của lĩnh vực này cho tăng trưởng kinh tế thành phố không còn nhiều", ông Hoàng cho hay.
Thứ năm, về thủ tục hành chính trì trệ. Trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong xây dựng, bất động sản, thủ tục hành chính luôn bị các doanh nghiệp than phiền là yếu tố làm chậm sự phát triển, đặc biệt khoảng 3-4 năm trở lại đây.
Ví dụ điển hình là đa số doanh nghiệp, chủ đầu tư không mặn mà với loại hình nhà ở xã hội vì cùng sự phức tạp thì đầu ư nhà ở thương mại có lợi nhuận tốt hơn. Một minh chứng rõ hơn là những năm gần đây chỉ số cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh của TP.HCM luôn nằm ngoài "top" đầu và ở mức từ 13-15/63 tỉnh thành.
Cuối cùng, TP.HCM chưa sẵn sàng cho những động lực mới. Như đã đề cập, TP.HCM muốn nâng cao tỷ lệ về dịch vụ như tiêu dùng nội địa, tài chính, du lịch, công nghệ … để trở thành những động lực mới.
Tuy nhiên, những yếu tố này 3 năm qua sụt giảm mạnh do nhiều yếu tố khách quan (dịch bệnh, tác động môi trường quốc tế…) và cả chủ quan. Ví dụ như mấy năm gần đây, TP.HCM muốn trở thành một trung tâm tài chính quốc tế của khu vực nhưng chưa thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư tương xứng ở nhiều khía cạnh.
"Khi đã xác định được các nguyên nhân cho sự sụt giảm kinh tế thì TP.HCM cần sớm có những hướng giải pháp để tương xứng với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước", ông Hoàng nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận