24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Ngọc Mai
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nguy cơ tái bùng phát lạm phát từ "chảo lửa" Biển Đỏ

Chi phí vận tải bị thổi bùng lên do khủng hoảng ở Biển Đỏ khiến các nỗ lực kiềm chế lạm phát của thế giới trở nên mong manh.

Chi phí logistics “phi mã” theo đà khủng hoảng

Chi phí logistics của thế giới đã tăng vọt kể từ khi lực lượng Houthi tấn công một tàu chở hàng vào ngày 19/11. Giá cước vận chuyển hiện đã tăng khoảng 80% trong tuần trước, chưa kể lương và bảo hiểm cho các thủy thủ đã trở nên cao hơn.

Chỉ số vận chuyển hàng hóa container Thượng Hải (SCFI)- thước đo chi phí vận chuyển hàng hóa được sử dụng rộng rãi nhất - đã tăng lên 2.694 USD mỗi container, gần gấp đôi so với mức 1.497 USD vào ngày 22/12, theo dữ liệu của công ty dịch vụ hậu cần toàn cầu DSV.

Giá cước vận chuyển cao đột biến không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, mà còn tiềm ẩn tác động lạm phát khi hàng hóa không chỉ đắt đỏ hơn mà thời gian vận chuyển của chúng cũng lâu hơn.

Cho tới nay, nhiều công ty đang buộc phải cho tàu đi vòng quanh mũi Hảo Vọng phía Nam châu Phi, kéo dài hành trình thêm khoảng 9 ngày và tăng chi phí ít nhất là 15%. Khoảng từ 12 công ty vận tải biển đã đình chỉ hoạt động qua Biển Đỏ, trong đó có các hãng lớn nhất thế giới như MSC (Italy), CMA CGM (Pháp) hay Maersk (Đan Mạch).

Cùng với đó, nhiều biện pháp bảo vệ hơn đã được yêu cầu cho những thủy thủ đi biển, đồng nghĩa với các hóa đơn bảo hiểm cao hơn dành cho các nhà khai thác.

Mới đây, Ủy ban Khu vực Chiến sự của Vương quốc Anh (WOAC) - bao gồm các công đoàn trong ngành và Phòng Vận chuyển Vương quốc Anh - đã gia hạn quy định về vận chuyển qua Biển Đỏ. Trước đó, các tàu có liên quan tới Israel kể từ ngày 21/6/2023 phải trả lương cao hơn cho các thủy thủ và cho họ quyền từ chối hành trình đến Biển Đỏ mà không bị sa thải.

Kể từ vụ tấn công ngày 19/11, phiến quân Houthi cũng đã tấn công nhiều tàu đi qua eo biển Bab al-Mandeb, một lối đi hẹp dẫn vào Biển Đỏ và dẫn tới kênh đào Suez ở xa hơn. Cần nhớ rằng, đây là tuyến đường được sử dụng bởi 30% tàu container trên thế giới.

Nguy cơ tái bùng phát lạm phát từ "chảo lửa" Biển Đỏ
Các tuyến đường thay thế Biển Đỏ khiến chi phí vận tải hàng hóa tăng vọt và thêm thời gian chờ (Minh họa: Reuters)

Trong số các hàng hóa bị ảnh hưởng, dầu chiếm phần lớn. Khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandeb, chủ yếu hướng tới châu Âu. "Các mặt hàng khác chịu chi phí tăng sẽ là ngũ cốc, dầu cọ và hàng công nghiệp", các chuyên gia cảnh báo.

Judah Levine, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của Freightos cho biết giá vận chuyển hàng không đã tăng 13% trong tuần cuối của tháng 12: “Tuần này, họ đã tăng 13% từ 3,95 USD/kg lên 4,45 USD/kg kể từ khi các hãng vận tải biển đưa ra thông báo chuyển hướng rộng rãi, phản ánh sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ đường biển sang đường hàng không”.

Cảnh báo lạm phát toàn cầu

Sự tăng vọt đột ngột cước vận tải đường biển và các chi phí khác làm các nhà phân tích cảnh báo nguy cơ lạm phát hàng hóa quay trở lại. Theo CNBC, các công ty logistics cảnh báo áp lực lạm phát sẽ được người tiêu dùng cảm nhận sau một tháng kể từ khi giá cước trở nên đắt đỏ.

Jon Gold, Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn bán lẻ Mỹ, cho rằng: “Những sự gián đoạn này đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên, dẫn đến giá cước tăng lên. Khi chuỗi cung ứng bắt đầu bình thường hóa trở lại, áp lực gia tăng từ những chi phí bổ sung và sự chậm trễ này có thể có tác động đáng kể.”

Simon Heaney, Giám đốc cấp cao của công ty tư vấn hàng hải Drewry, cho biết: “Tác động sẽ là thời gian vận chuyển kéo dài hơn, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn, cần nhiều tàu hơn, có thể bị gián đoạn và chậm trễ - ít nhất là đối với những chuyến hàng đến châu Âu đầu tiên”. Theo đó, vị chuyên gia này dự kiến sẽ thấy một số mức tăng giá đối với người tiêu dùng trong thời gian ngắn nhưng điều đó phụ thuộc vào mối đe dọa an ninh kéo dài bao lâu.

Theo ước tính từ nền tảng vận chuyển hàng hóa Xeneta, hành trình dài hơn sẽ tốn thêm tới 1 triệu USD nhiên liệu cho mỗi chuyến khứ hồi giữa châu Á và Bắc Âu. Nhiều khả năng các nhà bán lẻ và công ty sản xuất sẽ chuyển chi phí cao hơn sang người tiêu dùng, qua đó làm lu mờ các nỗ lực chống lạm phát tại châu Âu hay Mỹ hai năm qua.

Nếu không thể giải quyết ách tắc tại Biển Đỏ trong thời gian sớm, đó sẽ là đòn đánh nặng nề vào nỗ lực của FED hay ECB. Trong 2 năm qua, các ngân hàng này đã duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, qua đó giúp lạm phát giảm đáng kể từ mức đỉnh năm 2022 và giúp các nhà đầu tư lạc quan hơn về một cuộc đảo chiều lãi suất trong năm 2024. Thế nhưng, những “điểm nghẽn” hiện tại ở Biển Đỏ đang khiến triển vọng này dần trở nên xa vời.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả