Nguy cơ hụt dòng vốn tỷ USD vào điện sạch
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện gió và điện mặt trời rất lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy vậy, nếu cơ chế không thông thoáng, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài có thể chuyển sang nước khác.
Theo Quy hoạch điện VIII được Chính phủ ban hành, giai đoạn 2021 - 2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD.
Đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay chậm
Giai đoạn 2031-2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2 - 523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364,4 - 511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8 - 38,6 tỷ USD.
Các chuyên gia nhận định, đây là số vốn rất lớn, đòi hỏi phải huy động nguồn vốn xã hội hóa, trong đó có thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.
Theo đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng điện gió và điện mặt trời rất lớn. Số liệu từ tổng sơ đồ điện trong Quy hoạch điện VIII cho thấy, điện gió của Việt Nam có tổng tiềm năng kỹ thuật hơn 820.000 MW; điện mặt trời, tiềm năng của Việt Nam khoảng 963.000 MW. Trong khi đó, số liệu của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác. Vì vậy, đây là tiềm năng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, thực tế những rào cản về cơ chế vẫn đang khiến dòng vốn này bị chững lại. Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam thông tin, các nhà đầu tư châu Âu đánh giá đầu tư năng lượng tái tạo Việt Nam hiện nay chậm, ví dụ dự án điện gió ngoài khơi, nếu năm 2024, nhà đầu tư chưa bắt đầu đi khảo sát, chọn địa điểm khảo sát, thì khó đạt được mục tiêu đã đề ra vào 2030.
Theo EuroCham, quy hoạch phát triển điện lực VIII đặt mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi đạt 6GW vào năm 2030. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng vì ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và các cơ chế pháp lý liên quan cần thiết để hỗ trợ phát triển điện gió ngoài khơi (chẳng hạn như sửa đổi Nghị định 114, thuộc thẩm quyền của Bộ TN&MT để cho phép khảo sát ngoài khơi) vẫn chưa được hoàn thiện.
"Bộ Công Thương nên xem xét tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nguồn điện gió ngoài khơi bằng cách xây dựng Hợp đồng mua bán điện (PPA) có hiệu lực quốc tế và kết hợp các cơ quan có chức năng cấp phép và quy hoạch tổng thể thành một cơ quan duy nhất, lý tưởng nhất là với các quy trình minh bạch và các mốc thời gian pháp định để cho phép các nhà phát triển đầu tư trên quy mô lớn trong một môi trường nơi rủi ro có thể quản lý được", EuroCham kiến nghị.
Cùng với đó, EuroCham cũng cho rằng, ngành điện mặt trời tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng, và nên được cơ cấu để đảm bảo thiết lập một cơ chế quản lý và kiểm soát hiệu quả hơn để giảm bớt lo ngại của Chính phủ. Cần phải thiết lập các quy định để có thể cấp điện từ các dự án điện mặt trời trực tiếp đến người dùng cuối (thay vì thông qua EVN và lưới điện), với việc bao tiêu trực tiếp dưới hình thức Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA), trong đó lợi ích và khả năng cung cấp năng lượng sạch có thể được thảo luận và thực hiện giữa nhà phát triển và người tiêu thụ điện dựa trên các yêu cầu kỹ thuật và pháp lý cần thiết.
Không nhanh sẽ lỡ cơ hội
Theo ông Lê Mạnh Cường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), huy động các doanh nghiệp điện gió lớn ngoài khơi lớn vào Việt Nam là rất quan trọng, những dự án tỷ USD, thậm chí hàng chục tỷ USD là những nhà đầu tư lớn có tác động lan toả và thay đổi cả ngành, Việt Nam không thể thiếu được.
Nguồn lực từ gió, mặt trời là vô hạn, nhưng nguồn lực vốn là hữu hạn. “Nếu chúng ta chậm một ngày là chúng ta thiệt một ngày. Một dự án năng lượng ngoài khơi tối thiểu cần 6-8 năm mới vận hành và phát điện được. Nếu mục tiêu năm 2030, Việt Nam muốn có điện gió 6 GW, chúng ta phải bắt đầu vào từng việc từ ngay bây giờ”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo PGS. TS. Phạm Hoàng Lương, chuyên gia năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội: Các dự án tỷ USD của điện tái tạo như điện gió ngoài khơi cung ứng điện cho Việt Nam mà còn cung ứng điện cho các nước khu vực, như Singapore.
Ông Lương nhìn nhận: Việt Nam phải đặt mình vào chuỗi tính toán của các nhà đầu tư, của khu vực, bởi tương lai, chúng ta có kết nối năng lượng ASEAN, nếu một doanh nghiệp điện gió lớn của quốc tế đầu tư tại Ấn Độ, Singapore thì sẽ không đầu tư ở Việt Nam nữa và ngược lại. Do đó, cần nhanh chân có chính sách, cơ chế để kéo luồng vốn này vào đầu tư ở Việt Nam, bởi chúng ta có điều kiện lý tưởng, nhưng cái chúng ta thiếu là vốn, công nghệ.
Từ bài học mất điện cục bộ xảy ra trong năm 2023, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Việt Nam phải nghĩ ngay các giải pháp để ngành điện thay đổi toàn diện rồi mới tính đến khả năng thay thế, chuyển đổi sang năng lượng xanh, phát thải 0%. Trước mắt là giá điện cần vận hành theo cơ chế thị trường sẽ giúp ngành điện thu hút nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.
Ông Thiên cho rằng, nếu ngành điện vẫn giữ cơ chế cũ trong khi thế giới đang khai thác tốt tiềm năng hàng ngày, hàng giờ về điện gió, điện mặt trời và thậm chí chuyển sang dạng năng lượng mới là hydrogen, khiến Việt Nam sẽ không bắt kịp sự phát triển bởi tốc độ tăng trưởng của ngành năng lượng Việt Nam cần phải gấp rưỡi tốc độ tăng trưởng GDP.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận