Nguy cơ dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường châu Á khi Fed báo hiệu nâng lãi suất sớm hơn
Dòng vốn bắt đầu tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi châu Á khi đại dịch Covid-19 bắt đầu kìm hãm đà hồi phục kinh tế ở khu vực này. Trong khi đó, nhà đầu tư đang xem xét khả năng nâng lãi suất tại Mỹ và châu Âu.
Nhà đầu tư quốc tế bán ròng 500 triệu USD cổ phiếu và trái phiếu ở các thị trường mới nổi châu Á trong tháng 5/2021, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Tháng 5 cũng đánh dấu đợt rút ròng đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Khi loại trừ Trung Quốc (nền kinh tế nhanh chóng phục hồi từ đại dịch Covid-19), dòng vốn rút ra lên tới 10.8 tỷ USD.
Chênh lệch lãi suất có thể là yếu tố lớn tác động tới sự dịch chuyển của dòng vốn trong thời gian tới, nhất là khi Fed vừa báo hiệu nâng lãi suất trở lại vào năm 2023.
Đại dịch phủ màu ảm đạm lên triển vọng tăng trưởng
Lý giải cho trạng thái rút ròng một phần đến từ triển vọng ảm đạm về tăng trưởng kinh tế. Tại Malaysia, đợt phong tỏa toàn quốc đã được gia hạn tới cuối tháng 6/2021 và hầu hết doanh nghiệp đều tạm ngưng hoạt động. Thái Lan giới hạn giờ hoạt động của nhà hàng cũng như việc nhập cảnh của du khách nước ngoài, dù rằng Thủ tướng Thái Lan muốn tái mở cửa kinh tế “trong vòng 120 ngày”. Tháng trước, Chính phủ nước này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 xuống 1.5-2.5%, so với dự báo trước đó là 2.5-3.5%.
Nhà đầu tư cũng phải đối mặt với triển vọng về chính sách tiền tệ.
Nếu Fed thông báo bắt đầu bàn về chuyện giảm bớt nhịp độ mua trái phiếu vào cuối năm nay, điều này có thể thúc đẩy làn sóng tháo chạy ra khỏi các nền kinh tế mới nổi châu Á mạnh hơn – vì ở đây lãi suất còn tương đối thấp. Đồng tiền của các quốc gia này có thể tiếp tục mất giá.
Điều này đòi hỏi các ngân hàng trung ương châu Á phải đưa ra động thái cân bằng tinh tế. Họ phải nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, nhưng cũng phải kìm chế rủi ro tháo chạy của dòng vốn.
Thách thức quan trọng nhất đối với các NHTW ở thị trường mới nổi sẽ là duy trì sự tín nhiệm khi đối mặt với mối lo ngại lạm phát, đồng thời không được hành động chậm hơn so với ngân hàng trung ương các nước phát triển khác và không để bị bất ngờ bởi hiện tượng kiểu như “taper tantrum”, ông Jonathan Fortun - chuyên gia kinh tế thuộc IIF, nhận định.
Trong tháng 5/2021, Ravi Menon, Giám đốc quản lý Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS), cảnh báo, các thị trường mới nổi cần theo dõi chặt chẽ tác động của đồng USD mạnh lên.
"Một nghiên cứu gần đây của MAS phát hiện ra cứ mỗi khi đồng bạc xanh tăng giá thêm 1%, dòng vốn rút ròng khoảng 0.3% GDP (của các thị trường mới nổi) ngay trong quý tiếp đó", ông Menon nói.
So với cuối năm 2020, phần lớn đồng nội tệ của các nước này, như đồng Rupiah của Indonesia hay đồng Bath Thái đã giảm giá so với USD. Đặc biệt, cần phải quan tâm đến sự điều chỉnh tỷ giá này khi dòng vốn vẫn tiếp tục được chuyển sang các thị trường mới nổi khác bên ngoài châu Á.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ngày càng tăng đã trở thành nguồn cơn gây lo ngại. Tại Philippines, lạm phát hiện tại đã vượt 4%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ. Ở Malaysia, lạm phát ở mức 4.7% trong tháng 4/2021 vì đà tăng của giá nhiên liệu và có khả năng tăng thêm trong tháng 5/2021.
Teppei Ino, Chuyên viên phân tích thị trường toàn cầu cấp cao tại Mitsubishi UFJ Financial Group, lưu ý đồng Rupiah của Indonesia giảm giá sau khi giảm lãi suất trong tháng 2/2021.
“Các NHTW châu Á cảm thấy khó mà giảm lãi suất thêm”, ông Ino cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận