Nguồn khí đang được điều tiết thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực?
Việc chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn khí đầu vào cho sản xuất điện và phân đạm là rất quan trọng để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Với thực tế các mỏ khí thiên nhiên tại Việt Nam hiện đang trong quá trình suy giảm và hoạt động khai thác phải tuân thủ các quy định về an toàn mỏ, việc chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn khí đầu vào cho sản xuất điện và phân đạm là rất quan trọng để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Điều tiết hợp lý nguồn khí cho sản xuất điện và phân bón
Là nguồn nhiên liệu sạch giúp tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, việc sử dụng khí thiên nhiên để sản xuất điện đang đóng góp hơn 10% sản lượng điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Bên cạnh đó, trong 20 năm qua, với việc sử dụng khí thiên nhiên để sản xuất phân bón, Việt Nam đã chủ động được toàn bộ nguồn phân đạm ure cho sản xuất nông nghiệp với giá thành luôn thấp hơn giá phân bón cùng chủng loại nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cũng như tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu hàng hóa.
Theo thống kê sơ bộ từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trong gần 20 năm qua, PVN đã sản xuất và đưa ra thị trường hơn 25 triệu tấn phân đạm ure, đáp ứng nhu cầu sử dụng phân đạm cho nông nghiệp.
Với vai trò quan trọng của nguồn khí thiên nhiên như vậy, trong những năm qua, PVN đã tập trung đầu tư cho các chuỗi dự án thăm dò, khai thác, vận chuyển khí tự nhiên ở vùng thềm lục địa Việt Nam. Theo đó, khí thiên nhiên được khai thác sẽ được vận chuyển bằng các đường ống dẫn khí về bờ và phân phối đến các khách hàng gồm các nhà máy điện, nhà máy đạm và khách hàng công nghiệp tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn kỹ thuật trong khai thác mỏ khí cũng như đầu tư, sản xuất hiệu quả, các chủ mỏ (có sự tham gia của PVN và các doanh nghiệp nước ngoài) thường xây dựng kế hoạch hàng năm trên cơ sở khả năng khai thác, đảm bảo an toàn hoạt động khai thác mỏ và các cam kết mua khí từ các khách hàng theo hợp đồng dài hạn.
Vì vậy, thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc tăng nhu cầu sử dụng khí thiên nhiên ngoài kế hoạch đã ký sẽ được các chủ mỏ cân nhắc rất kỹ và phụ thuộc vào giới hạn an toàn khai thác.
Theo PVN, hiện hai đơn vị thành viên của PVN là Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (PVFCCo) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) đều ký hợp đồng dài hạn mua khí với các chủ mỏ để đảm bảo nguyên liệu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân đạm do không có nguyên liệu thay thế, với nhu cầu tiêu thụ ổn định khoảng 1,1 tỷ m3/năm.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Phùng Hà, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, việc cung ứng phân bón nói chung và ure nói riêng cần quan tâm tới cả yếu tố ngắn hạn và yếu tố dài hạn. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2022, tổng lượng ure tồn kho của Nhà máy đạm Cà Mau và Nhà máy đạm Phú Mỹ khoảng 400.000 tấn nên có thể đủ cho nhu cầu ngắn hạn.
Tuy nhiên, số liệu báo cáo cập nhật đến ngày 9/5/2023 của PVFCCo và PVCFC về Hiệp hội Phân bón Việt Nam là gần như không còn hàng ure tồn kho. Cụ thể, Đạm Phú Mỹ còn hơn 40.000 tấn, Đạm Cà Mau không còn hàng tồn kho. Vì vậy, với nhu cầu phân bón cho vụ Hè Thu sẽ tăng trong thời gian sắp tới, việc ngừng sản xuất sẽ khiến Việt Nam phải tăng cường nhập khẩu phân ure cho sản xuất nông nghiệp cũng như cho đầu vào sản xuất phân bón NPK.
Xét về dài hạn, ngành sản xuất phân bón từ khí là ngành sử dụng công nghệ cao nên việc dừng máy trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chi phí dừng, chi phí bảo dưỡng, chi phí chạy lại, tuổi thọ của máy móc, thiết bị. Việc dừng máy cũng ảnh hưởng đến các hợp đồng cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, sản phẩm, vận chuyển, thuê kho bãi...
"Ngoài ra, xét tới yếu tố pháp lý khi PVCFC và PVFCCo là công ty cổ phần đại chúng, việc tạm dừng sản xuất sẽ khiến hàng nghìn người lao động phải nghỉ việc nên sẽ kéo theo các hệ lụy khác. Vì vậy, quyết định dừng nhà máy cần phải có đánh giá toàn diện về mọi khía cạnh để vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực", ông Phùng Hà cho biết.
PVN sẽ cấp khí cho sản xuất điện vượt kế hoạch
Ngày 30/12/2022, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 2976/QĐ-BCT về Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia trên toàn quốc năm 2023, trong đó sản lượng điện sản xuất từ khí thiên nhiên chiếm khoảng 10,4% tổng sản lượng điện quốc gia.
Theo kế hoạch này, PVN và các bên trong hệ thống khí khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ sẽ cung cấp khoảng 5,6 tỷ m3 khí (khu vực Đông Nam Bộ khoảng 4,3 tỷ m3 và Tây Nam Bộ khoảng 1,3 tỷ m3) cho sản xuất điện trong năm 2023.
Tuy nhiên, trong quý I/2023 vừa qua, nhu cầu huy động khí thiên nhiên cho sản xuất điện thấp. Tính đến hết tháng 4 vừa qua, lượng khí huy động cho các nhà máy điện chỉ đạt 96% kế hoạch của Bộ Công Thương phân giao.
Trước tình hình phụ tải hệ thống điện tăng cao, PVN và các bên trong hệ thống khí đã thực hiện các giải pháp kỹ thuật để tăng cường tối đa lượng khí thiên nhiên khai thác trong nước. PVN cũng đã thống nhất với Tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia để mua toàn bộ lượng khí khai thác từ cụm mỏ PM3-CAA thuộc vùng chồng lấn giữa hai nước nhằm gia tăng lượng khí cung cấp cho sản xuất điện trong nước.
Với các nỗ lực này, dự kiến trong năm 2023, PVN sẽ cung cấp khoảng 5,87 tỷ m3 khí thiên nhiên cho sản xuất điện (gồm 4,55 tỷ m3 khu vực Đông Nam Bộ và 1,32 tỷ m3 ở khu vực Tây Nam Bộ), vượt 4,8% so với kế hoạch của Bộ Công Thương.
Thực hiện đồng bộ giải pháp đảm bảo điện
Theo ông Phùng Hà, thiếu điện sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế quốc dân, đến xã hội. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, công suất huy động của các nhà máy điện khí chiếm khoảng 12% tổng công suất các nguồn điện được huy động, trong khi đó lượng khí cấp cho sản xuất đạm chỉ bằng khoảng 15-16% lượng khí cấp cho sản xuất điện, nghĩa là một tỷ lệ khá nhỏ.
Vì vậy, để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ngành điện cần thực hiện tổng thể các giải pháp như huy động các nguồn điện đa dạng như nhiệt điện than, điện gió, điện mặt trời bên cạnh nguồn điện khí. “Biện pháp tạm nhường khí từ sản xuất đạm cho sản xuất điện chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng của các biện pháp cuối cùng”, ông Phùng Hà đề xuất.
Đề xuất về giải pháp đảm bảo điện cho hệ thống trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng, việc sớm xây dựng và ban hành quy định cụ thể cho phát triển điện khí LNG nhập khẩu tại Việt Nam như cơ chế về sản lượng điện hợp đồng Qc (hợp đồng bao tiêu) phù hợp với khối lượng khí, cùng các tiêu chuẩn trong xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG là cần thiết để các dự án điện sử dụng khí LNG nhập khẩu như dự án điện Nhơn Trạch 3&4, dự án điện LNG Quảng Ninh sớm đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng cao của hệ thống.
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có quy định vận hành hệ thống điện phù hợp với cơ chế cam kết mua khí thiên nhiên và chính sách giá điện hợp lý để chủ đầu tư các nhà máy điện khí tại Việt Nam có thể yên tâm ký hợp đồng mua khí dài hạn, đảm bảo sản lượng điện ổn định cung cấp cho hệ thống là thực sự cần thiết, nhất là khi các nguồn khí thiên nhiên trong nước ngày càng cạn kiệt, còn giá các nguồn LNG nhập khẩu ngày càng tăng.
Ở góc độ tổng thể, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, việc điều tiết hợp lý trong sử dụng khí để phát điện và sản xuất phân bón cũng giống như bài toán cân đối sử dụng hiệu quả nguồn nước cho phát điện và cho sản xuất nông nghiệp được đặt ra nhiều năm nay.
Theo đó, việc điều tiết cần linh hoạt, hợp lý và hiệu quả để thực hiện được tất các mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo an ninh lương thực. Vì vậy, giải pháp chính là nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, dự báo tăng trưởng kinh tế và dự báo tăng trưởng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội để có kế hoạch huy động nguồn điện hiệu quả.
"Cùng đó, việc xây dựng cơ chế giá điện cần hướng tới việc tính đúng, tính đủ chi phí giá thành sản xuất, minh bạch, tiếp cận thị trường để thu hút đầu tư vào phát triển nguồn điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo đó, Nhà nước chỉ nên hỗ trợ trực tiếp giá điện cho các đối tượng chính sách và khó khăn để tách bạch cơ chế giá bán điện", ông Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thịnh, hiện việc huy động các nguồn điện gió và điện mặt trời vẫn gặp khó khăn do cơ chế giá điện hiện nay. Vì vây, việc sớm xây dựng cơ chế giá mua và bán điện theo thị trường, minh bạch, hài hoà lợi ích giữa các bên chính là mấu chốt để đảm bảo đủ điện cho hệ thống.
Ngoài ra, với đặc thù sản lượng điện cho sản xuất chiếm tỷ trọng lớn, vào cao điểm mùa khô như hiện nay, các doanh nghiệp cần chuyển đổi sản xuất sang giờ thấp điểm để hạn chế căng thẳng cho hệ thống. Cùng đó các giải pháp tiết kiệm điện cần được thực hiện triệt để hơn nữa, nhất là tắt các hệ thống đèn quảng cáo, đèn trang trí và thắp sáng không quá cần thiết tại nhiều cơ quan, trung tâm thương mại, khu giải trí công cộng, nhất là khi hệ thống điện gặp khó khăn như hiện nay. Đây cũng là giải pháp được nhiều nước châu Âu thực hiện triệt để trong năm 2022 để đối phó với việc thiếu điện trên diện rộng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận