Nguồn cung đá xây dựng chính cho dự án sân bay Long Thành đến từ đâu?
Những mỏ đá nằm gần sân bay Long Thành sẽ được ưu tiên huy động nhờ có lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
Nhu cầu đá xây dựng của sân bay Long Thành lên đến 18 triệu m3
Phát triển cơ sở hạ tầng đang là trọng tâm trong kế hoạch đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ năm 2023 với hàng loạt dự án quy mô lớn được triển khai. Trong khi đó, nguồn cung bất động sản dân dụng cũng được kỳ vọng sẽ tăng 32% so với cùng kỳ trong năm 2024. Đây sẽ là những yếu tố thúc đẩy nhu cầu đá xây dựng bứt phá trong những quý tới.
Theo ước tính của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu đá xây dựng cho thi công dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng lần lượt là 4,4 triệu m3 và 3,4 triệu m3. Tuy nhiên, trữ lượng và công suất khai thác đá xây dựng tại Đồng bằng sông Cửu Long khá hạn chế và cần phải huy động từ các khu vực lân cận.
Trong khi đó, nhu cầu đá xây dựng cho việc thi công sân bay Long Thành giai đoạn 1 lên tới 18 triệu m3, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hàng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, công ty chứng khoán này cho rằng những mỏ đá tại 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai sẽ được hưởng lợi này nhờ vị trí thuận lợi và trữ lượng khai thác đá lớn.
Dự án sân bay Long Thành dự kiến thi công từ tháng 8/2023 khi gói thầu lớn nhất - xây dựng nhà ga hành khách tìm được nhà thầu.
Cụm mỏ đá nào sẽ được hưởng lợi?
Năm 2023, VNDirect dự báo nhu cầu đá xây dựng sẽ tăng từ quý 4 trở đi nhờ giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ và thị trường bất động sản dân dụng dần ấm trở lại.
Với ngành đá xây dựng, đặc thù của ngành này là chi phí vận chuyển thường chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành thành phẩm. Tùy thuộc vào khoảng cách và loại hình vận chuyển, giá đá xây dựng giao đến công trường có thể cao gấp đôi giá đá tại mỏ.
Do đó, những mỏ đá nằm gần các công trình xây dựng (giao thông, khu công nghiệp, dân cư) hoặc gần sông (thuận tiện vận chuyển đường thủy – có chi phí thấp hơn vận chuyển đường bộ) sẽ được ưu tiên huy động nhờ lợi thế về giá bán và thời gian vận chuyển.
Dựa trên những đặc thù trên, cụm mỏ Tân Cang có thể là nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành và Vành đai 3 - TP.HCM nhờ vị trí gần công trường nhất. Đồng thời, cụm mỏ Thạnh Phúc và Thiên Tân sẽ là nguồn cung cho các dự án tại Đồng bằng sông Cửu Long nhờ nằm gần sông Đồng Nai, thuận tiện cho vận chuyển đường thuỷ.
Dù vậy, VNDirect cũng chỉ ra mặt hạn chế hiện nay là việc cấp phép khai thác cho các mỏ đá xây dựng đang gặp khó khăn ở cả việc gia hạn thời gian, tăng công suất khai thác và đặc biệt là cấp phép khai thác mỏ đá mới.
Do đó, các doanh nghiệp đá xây dựng niêm yết đang sở hữu các mỏ đá có thời gian khai thác dài, công suất khai thác lớn như Công ty CP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương, Công ty CP Hóa An... sẽ có nhiều lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh và được hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng hạ tầng giao thông rất lớn của Việt Nam trong giai đoạn 2022-2030, theo quan điểm của VNDirect.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận