Người giàu phải đối mặt với những vấn đề tâm lý nào?
Tiền có mua được hạnh phúc không? Mức lương hàng triệu USD không nhất thiết đi kèm với một “tấm vé hạnh phúc” miễn phí.
Cảm giác cô đơn
Vấn đề hàng đầu mà các “bệnh nhân siêu giàu” của ông Hokemeyer gặp phải là sự cô đơn. Người sáng lập phòng khám Drayson Mews cho biết, những người siêu giàu thường không thể hoàn toàn chắc chắn mọi người thích họ vì con người họ hay là những gì họ có. Mối quan hệ của những người này thường được xác định dựa trên những gì họ có thể cung cấp cho người khác.
Bà Amanda Falkson, một nhà trị liệu tâm lý cho những người giàu có tại Psychotherapy City, cho biết: “Mọi người có xu hướng coi những người giàu là người may mắn và hạnh phúc. Điều này không nhất thiết chính xác”. Bà nhấn mạnh rằng, họ cũng phải đối mặt với nhiều loại cảm xúc khác nhau như: đau buồn, tổn thương, mất mát và các mối quan hệ đầy thử thách. “Sự giàu có có thể khiến con người ta rơi vào cảm giác cô đơn. Đôi khi mọi con mắt đều đổ dồn vào bạn để xem bạn làm gì với số tiền của mình”, bà Amanda Falkson nói. Bà đã khuyên một số bệnh nhân của mình rằng họ nên tìm đến các hoặc động từ thiện hoặc đóng góp di sản để tìm sự kết nối khi phải đối mặt với cảm giác bị cô lập.
Mất lòng tin vì bị lợi dụng
Ông Hokemeyer nhận xét sự giàu có có thể khiến những người siêu giàu bị người khác lợi dụng, nhờ vả. “Vì họ có địa vị xã hội cao nên thường sẽ thu hút sự chú ý của những người có quyền lực thấp hơn họ. Họ bị xem như một bàn đạp hay nấc thang để tiến đến những vị trí quyền lực hơn”, ông nói.
Nhà trị liệu tâm lý cũng chia sẻ rằng “bệnh nhân” của ông thường bị tấn công bởi các dòng yêu cầu, đòi hỏi không ngừng nghỉ. Vì vậy, trong bối cảnh đó, những người siêu giàu có xu hướng trở nên nghi ngờ về động cơ của những người tiếp cận, kết giao với họ trong lần đầu tiên.
Trong mối quan hệ tình cảm, những người giàu có và đối tác của họ có thể không có tài sản hoặc thu nhập ngang nhau. Thông thường, người phối ngẫu khá giả hơn có thể cảm thấy họ đang “bị lợi dụng”, còn người có ít khả năng tài chính hơn đôi khi có thể bị coi là “kẻ đào mỏ” hoặc bị nhìn nhận một cách tiêu cực.
Mất định hướng nếu giàu lên đột ngột
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng có sự khác biệt giữa những người tự kiếm được của cải so với những người được thừa kế hoặc đột nhiên kiếm được một khoản tiền lớn. Những người trở nên giàu có nhờ chính khả năng của mình sẽ dễ tự kiểm soát bản thân. Họ có thể chịu trách nhiệm về quỹ đạo cuộc đời mình. Nếu mất đi tài sản, họ có vẫn có thể kiếm lại được.
Ngược lại, theo nhiều chuyên gia tâm lý những người đột nhiên trở nên giàu có thông qua thừa kế hoặc trúng số, có thể khó điều chỉnh khả năng chi tiêu. Họ cũng kém tự tin trong việc xử lý và duy trì khối tài sản của mình.
Chuyên gia tâm lý Amanda Falkson cho biết, việc giàu lên đột ngột có thể dẫn đến những vấn đề liên quan đến sự hiện sinh. Con người không biết sống với mục đích gì khi họ bỗng trở nên quá… giàu.
“Khi không cần phải làm việc, bạn lấy đâu ra ý nghĩa, mục đích sống? Bạn sẽ tự hỏi mình sẽ ở đâu trong một thế giới mới, thế giới của sự xa hoa mà trước đây mình chưa bao giờ trải qua”, bà Amanda Falkson chia sẻ về những băn khoăn từ “bệnh nhân” của mình.
“Sự giàu có sẽ cho chúng ta nhiều thứ. Nhưng việc có mục đích trong cuộc sống và biết mình sống vì cái gì cũng rất quan trọng”, bà Amanda nói thêm.
Có thể bạn quan tâm:
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận