Người "đứng sau" các công trình xây dựng không phép
Tại Q.Thủ Đức (TP.HCM), các khu đất nằm trong quy hoạch được đầu nậu phân lô, xây dựng không phép bán cho người dân. Khi chính quyền địa phương cưỡng chế thì bị 'can thiệp'.
Trong số 168 công trình xây dựng không phép, tính đến 9 tháng đầu năm 2019) tại Q.Thủ Đức, các cơ quan chức năng đã xử lý 25 trường hợp; còn 143 trường hợp chưa xử lý. Các phường có số lượng công trình xây dựng không phép nhiều là: P.Hiệp Bình Chánh (82 công trình), P.Linh Trung (38 công trình), P.Tam Phú (27 công trình)…
Công trình không phép ngang nhiên tồn tại
Cụ thể, công trình xây dựng nhà trái phép tại khu đất có diện tích gần 4.000 m2 thuộc thửa đất số 61, 62, 63 tờ bản đồ số 14 tại đường 40, P.Hiệp Bình Chánh. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, công trình này do ông Lê Tấn Tài làm chủ đầu tư. Khu đất này trồng cây lâu năm và nằm trong quy hoạch làm công viên cây xanh. Nhưng từ năm 2015, ông Tài đã phân lô và xây dựng nhà để bán cho dân.
Phát hiện vụ việc, UBND P.Hiệp Bình Chánh đã lập biên bản vi phạm và thực hiện cưỡng chế. Các năm 2016, 2017, ông Tài tiếp tục lén lút xây dựng nhà không phép trên khu đất nói trên nhưng đều bị UBND P.Hiệp Bình Chánh phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Thế nhưng, năm 2018 và đầu năm 2019 ông Tài lại xây dựng 28 căn nhà không phép trên khu đất này. Khi UBND P.Hiệp Bình Chánh đến làm việc, ông Tài đóng cửa, không hợp tác gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Hiện 28 căn nhà này chưa thể xử lý được.
Tương tự, khu đất có diện tích 750 m2 tại đường số 42 tổ 54A, KP.8, P.Hiệp Bình Chánh nằm trong quy hoạch công viên cây xanh, từ năm 2017 đã được phân thành 13 lô và đã xây dựng được 4 căn nhà cấp 4, bán cho người dân với giá 870 triệu đồng/căn. Phát hiện vụ việc, UBND P.Hiệp Bình Chánh đã lập biên bản xử phạt và cưỡng chế. Tuy nhiên đến nay, các căn nhà này đã được xây dựng lại và có người ở.
Bốn người dân mua nhà xây dựng không phép đã nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư đòi lại tiền nhưng bất thành. Các nạn nhân này đến UBND P.Hiệp Bình Chánh trình bày hoàn cảnh và xin tồn tại căn nhà để ở. Theo chị P.T.Th (1 trong 4 nạn nhân mua nhà xây dựng không phép - PV), do kinh tế khó khăn, cần chỗ ở cho cả nhà, dù chưa tìm hiểu kỹ, chị đã mua căn nhà này của ông Trần Ngọc A. (49 tuổi). Việc mua bán giữa chị Th. và ông Ngọc A. được lập vi bằng. Chị Th. cho biết sau khi nhà bị cơ quan chức năng cưỡng chế, chị mới biết quyết định cưỡng chế ngôi nhà có trước thời điểm mua bán giữa chị và ông Ngọc A. nhưng ông A. vẫn cố tình bán căn nhà cho chị với giá 870 triệu đồng.
Tại P.Tam Phú hiện vẫn tồn tại nhiều công trình xây dựng không phép. Điển hình như công trình tại các hẻm: 56, 79, 104 Tam Bình, KP.2; công trình nhà xưởng tại số 27/4, 27/6 Bình Phú thuộc thửa đất 855, tờ bản đồ số 6; công trình số 388 Tô Ngọc Vân, KP.4…
Nguyên chánh thanh tra quận can thiệp việc cưỡng chế ?
Trong quá trình xử lý các công trình xây dựng không phép, lãnh đạo P.Hiệp Bình Chánh thường xuyên nhận được các cuộc gọi, tin nhắn của một số cán bộ Q.Thủ Đức. Theo đó, trong khi thực hiện cưỡng chế 4 căn nhà XDKP ở đường số 42 tổ 54A, KP.8, P.Hiệp Bình Chánh vào ngày 20.9.2018, ông Lê Ngọc Quí (nguyên Chánh thanh tra Q.Thủ Đức) gọi điện cho ông Trần Minh Tú (nguyên Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh) hỏi tình hình vì sao có lực lượng xuống cưỡng chế nhà em của ông.
Sau đó ông Tú nhận được tin nhắn từ số điện thoại 090338... (qua xác minh là số của ông Lê Ngọc Quí - PV) với nội dung “Tú ơi, chỗ nhà của đứa em ở đường 42 ra quyết định cưỡng chế hả em?”. Ông Tú nhắn lại: “Anh Xuân Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã kiểm tra trực tiếp và lấy hồ sơ về Thành ủy để báo cáo. Anh D. cũng đang chỉ đạo làm, hiện nay đơn khiếu nại về căn này đang gửi Quận ủy. Em chưa biết làm sao, mới gửi thông báo thôi anh. Em xin ý kiến anh ạ”. Ông Quí nhắn lại: “Để anh trao đổi với Xuân ủy ban kiểm tra, anh làm việc với Xuân”... Sau đó, ông Quí nhắn cho ông Tú: “Anh Xuân nói em điện thoại cho anh trao đổi nha. Xuân nói không có chỉ đạo xử lý gì hết. Xuân thống nhất rồi không đưa vào báo cáo công trình đó rồi nha em. Xuân OK rồi”...
Liên quan đến các tin nhắn nói trên với ông Tú, trả lời PV Thanh Niên (qua điện thoại), ông Quí cho biết “cái này ủy ban quận có báo cáo lên TP.HCM rồi, có gì trao đổi với ủy ban quận, tôi không có quyền phát ngôn”. Ông Quí nói thêm “không liên quan gì” và cúp máy.
PV Thanh Niên liên hệ với ông Trần Lê Xuân để hỏi rõ vụ việc và được ông Xuân hẹn đến 127 Trương Định, P.7, Q.3 (trụ sở Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM). Ông Xuân cho biết, ông đang công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và được phân công phụ trách địa bàn Q.Thủ Đức. Chúng tôi hỏi ông Xuân có mối quan hệ gì với ông Lê Ngọc Quí và ông Trần Minh Tú. Ông Xuân nói “quen biết qua công tác phối hợp”. Khi chúng tôi hỏi, những cuộc điện thoại gặp riêng ông Tú hoặc ngồi nhậu tại nhà ông Lê Ngọc Quí gọi điện kêu ông Tú tới làm gì. Ông Xuân giải thích “là gặp vì việc chung”.
PV Thanh Niên đưa cho ông Xuân xem những tin nhắn ông Quí nhắn cho ông Tú có nhắc tới ông Xuân về việc can thiệp việc cưỡng chế 4 căn nhà tại đường 42, P.Hiệp Bình Chánh, và hỏi ông có liên quan gì không? Ông Xuân nói: “Tôi không biết, không liên quan gì việc này, người ta bịa đặt hãm hại tôi”. Sau đó, ông Xuân từ chối trả lời tiếp. Ông bảo “đi công việc”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận