‘Nghịch lý’ thị trường xăng dầu
Cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu, nhưng ai cũng thừa nhận chuyện cây xăng kêu hết hàng, ngừng bán.
Cung vượt, tồn kho còn nhiều?
Báo cáo tại cuộc họp chiều nay 9.2 với Bộ Công thương, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cho biết trong tháng 1, nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất bán ra đã cao hơn 18% so với hợp đồng đã ký, và cả tháng qua đã luôn chạy từ 103 - 105% công suất; dự kiến tới đây sẽ chạy tới 108% công suất.
Tương tự, dù có những trục trặc nội bộ, nhưng sản lượng xăng dầu bán ra của Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn thông qua đơn vị bao tiêu sản phẩm là PVNDB cũng vượt 12% so với các hợp đồng đã ký.
Cần nói thêm rằng, hiện nay, 70 - 75% lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước là từ 2 nhà máy kể trên. Cho nên, việc 2 nhà máy nói bán ra tăng còn các cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành treo biển hết hàng quả là có điều gì đó bất thường!
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay hiện nhu cầu mỗi tháng cả nước dùng khoảng 1,8 - 2 triệu m3. Trong khi đó, tổng hợp của vụ này cho thấy đến cuối tháng 1, các doanh nghiệp đầu mối còn tồn trong khi 1,3 triệu m3 (trong đó xăng còn 620.000 m3 và dầu diesel là 650.000 m3). Đó là chưa kể tồn kho trong các thương nhân phân phối, đại lý. Cho nên, ông Đông khẳng định, nguồn cung xăng dầu cơ bản đáp ứng thị trường trong tháng 2.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc phụ trách Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, cho hay dù nhập hàng không đủ từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn theo hợp đồng đã ký, đặc biệt như dầu diesel chỉ nhận được 31% theo giao kèo, nhưng tập đoàn vẫn tranh thủ tìm nguồn thay thế. Và thực tế bán ra trong 2 ngày qua lên tới hơn 60.000 m3, trong khi ngày bình thường chỉ bán khoảng 22.000 m3.
"Không được chủ quan"
Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm cho biết, qua kiểm tra phát hiện trên địa bàn tỉnh có 25 cửa hàng xăng dầu nghỉ bán từ mùng 1 đến mùng 5 tết với các lý do nhân viên nghỉ tết, chiết khấu thấp, nguồn cung chưa ổn định…
Còn theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, trên địa bàn tỉnh này hiện có 340 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và có 457 cửa hàng xăng dầu. Thời điểm hiện nay có 19 cửa hàng đang tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động với lý do hết xăng dầu, không còn nguồn để bán.
Trước thực tế này, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu, nói thẳng tổng nguồn không hề thiếu nhưng rõ ràng có sự không đồng đều. Đặc biệt là mạng lưới thuộc các doanh nghiệp đầu mối nhỏ có hiện tượng đứt gãy, găm hàng. Cho nên, quan trọng là phải rất rõ ràng, làm rõ đứt ở đâu, khan ở đâu, và đề nghị cơ quan quản lý cần mạnh tay với người không tuân thủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, hiện tượng này “đang chỉ rải rác ở một số địa phương” nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết để loại bỏ và yêu cầu "truy đến cùng" xem khan hàng là do cửa hàng không bán hay do không được cấp hàng đầy đủ từ hệ thống phân phối, doanh nghiệp đầu mối.
“Không được chủ quan dù đây mới chỉ là hiện tượng. Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm, đúng luật. Bởi vì, tình trạng này sẽ khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế”, ông Diên yêu cầu.
Kết luận cuộc họp, ông Diên chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công thương tiến hành tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ. Trong đó, Tổng cục Quản lý thị trường được giao chủ trì kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất dày 1 - 2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm.
Vụ Thị trường trong nước cùng Thanh tra Bộ được yêu cầu tham mưu cho lãnh đạo bộ thành lập đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối, nếu phát hiện không nhập khẩu như giấy phép thì sẽ bị tước giấy này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận