Nghịch lý doanh nghiệp khát vốn ngân hàng lại thừa tiền
Nhiều doanh nghiệp muốn được vay vốn nhưng sức khỏe tài chính lại yếu kém, do đó, các ngân hàng rất thận trọng khi cho vay vốn để tránh nợ xấu...
Nhiều doanh nghiệp muốn được vay vốn nhưng sức khỏe tài chính lại yếu kém, do đó, các ngân hàng rất thận trọng khi cho vay vốn để tránh nợ xấu...
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 5 vừa qua, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp hơn nhiều so với con số 5,74% cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm, các ngân hàng mong muốn tìm được khách hàng để cho vay, nhưng nhu cầu vay mới chưa nhiều.
Ở chiều ngược lại, huy động vốn vẫn tăng trưởng cao hơn. Tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày. Trong khi cho vay, chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương 773 tỷ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.
Nguyên nhân của tình trạng này là do đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới việc làm, thất nghiệp gia tăng, thu nhập giảm sút, khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu vay tiêu dùng.
Cùng với đó, một loạt các ngành nghề như: đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, giáo dục, nông - lâm nghiệp, thủy sản, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm…vẫn đang phải vật lộn với suy thoái.
Trên thế giới, nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật... dịch bệnh vẫn bùng phát và diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu sang các thị trường này giảm mạnh. Do đó, dự báo nhu cầu về vốn của doanh nghiệp sẽ còn chững lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tín dụng sẽ còn tăng trưởng ở mức thấp trong thời gian tới.
Từ những thực tế trên, hiện nay đang tồn tại một nghịch lý, người dân và doanh nghiệp thì “khát” vốn trong khi ngân hàng lại thừa tiền. Bởi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ trong bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng. Để vay được vốn, doanh nghiệp phải có lịch sử tín dụng tốt, có dự án tốt, có tài sản đảm bảo và phải là khách hàng lâu năm.
Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Cấn Văn Lực, hậu đại dịch, kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn nên nhu cầu hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn rất yếu ớt. Mặc dù lãi suất cũng đã giảm tương đối mạnh so với những năm trước nhưng đến thời điểm hiện tại, tín dụng mới vẫn chỉ tăng trưởng ở mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Hệ thống ngân hàng luôn luôn sẵn sàng vốn, thậm chí là thừa vốn. Tuy nhiên, các ngân hàng đang muốn tìm khách hàng tốt, khách hàng có dự án kinh doanh khả thi để sẵn sàng cho vay vốn mà không cho vay được. Có những khách hàng “sức khỏe” quá yếu, khả năng vực dậy rất mong manh, do đó, ngân hàng cũng không thể hoặc không dám bỏ tiền cho vay vì rủi ro rất cao.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho hay, hiện, các ngân hàng rất thận trọng trong vấn đề cho vay vốn. Cách đây ít ngày, NHNN đã đưa ra thông cáo, các ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng được, bởi tại thời điểm này, rất nhiều doanh nghiệp muốn được vay vốn nhưng sức khỏe tài chính lại yếu kém. Cho vay lúc này là nguy hiểm, trong tương lai có thể trở thành nợ xấu...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng tăng trưởng thấp trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, các doanh nghiệp bị tác động nhiều nên nhu cầu vay vốn không lớn. Khó khăn của doanh nghiệp và người dân là dòng tiền nên ưu tiên hàng đầu của ngành ngân hàng là tái cơ cấu, giãn nợ... Với những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn, các ngân hàng thương mại sẵn sàng đáp ứng.
Một trong những vấn đề được lãnh đạo NHNN và các ngân hàng thương mại đồng thuận là, dù vốn tín dụng đang thừa nhưng không hạ chuẩn cho vay. Yêu cầu hàng đầu, khách hàng phải đủ khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn hệ thống và tránh tăng nợ xấu. Dòng vốn cũng được hướng vào các lĩnh vực ưu tiên./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận