Nghi vấn Tenma hối lộ công chức Việt Nam: Con số 5,4 tỷ từ đâu ra?
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, trong số 25 triệu Yên (tương đương 5,4 tỷ đồng) nghi vấn Tenma hối lộ công chức Việt Nam, có 10 triệu Yên được công ty này hạch toán không đúng vào kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2017. Năm 2019, Tenma rút tiền mặt 3 tỷ đồng (tương đương 15 triệu Yên) tạm ứng cho Tổng giám đốc Yoshida để...mua đồ.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng gần đây, Thanh tra Bộ Tài chính cũng thông tin kết quả xác minh số tiền 25 triệu Yên (tương đương 5,4 tỷ đồng) được báo chí Nhật Bản phản ánh Cty Tenma Việt Nam đã hối lộ cho công chức Việt Nam.
Cụ thể, ngày 15/6/2020, Đoàn thanh tra Bộ Tài chính đã làm việc với Cty Tenma Việt Nam, đại diện là ông Sato Katsuhiro – Giám đốc nhà máy, theo giấy ủy quyền giữa ông Yoshida Haruhiko và ông Sato Katsuhiro.
Đối với giao dịch liên quan tới 10 triệu Yên (tương đương 2,1 tỷ đồng, phát sinh năm 2017), theo xác minh của Thanh tra Bộ Tài chính, năm 2017, Kế toán trưởng của Tenma Việt Nam đã rút tiền từ ngân hàng về, sau đó lập phiếu kế toán chi tạm ứng cho bà Lê Thị Chinh - bộ phận hành chính công ty ghi "mua vật tư và dụng cụ sửa chữa", lập các phiếu kế toán hoàn ứng, hạch toán vào chi phí sản xuất năm 2017 với số tiền 2,1 tỷ đồng nhưng không có chứng từ gốc (hợp đồng mua bán, hóa đơn...).
Những người ký tên trên chức danh chứng từ này được xác định có: Kế toán, Kế toán trưởng, Thủ quỹ của doanh nghiệp (DN) và người phê duyệt là ông Yoshida Haruhiko (Tổng giám đốc) và ông Amano Kan (Giám đốc bộ phận hành chính).
Ngày 30/3/2020, Tenma Việt Nam nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2017, bổ sung lần 2, loại trừ các khoản chi phí 2,1 tỷ đồng ra khỏi thu nhập chịu thuế năm 2017 và nộp bổ sung thuế TNDN năm 2017 vào ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 159 triệu đồng, tiền chậm nộp hơn 34,8 triệu đồng, lý do không có hóa đơn, chứng từ gốc hợp lệ.
Đối với giao dịch liên quan đến 15 triệu Yên (3 tỷ đồng, phát sinh năm 2019), theo Thanh tra Bộ Tài chính, ngày 30/8/2020, Tenma Việt Nam bán đô-la (USD) cho ngân hàng Vietcombank - chi nhánh Bắc Ninh, đồng thời rút tiền mặt 3 tỷ đồng về tạm ứng cho ông Yoshida (TGĐ) với lý do tạm ứng mua đồ.
Tenma Việt Nam đã thực hiện tất toán số dư nợ tạm ứng 3 tỷ đồng của ông Yoshida bằng cách hạch toán chuyển vào chi phí khác để xác định kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019. Những người thực hiện ký trên các chứng từ kế toán là Kế toán, Kế toán trưởng, Thủ quỹ, Tổng giám đốc Yoshida.
Tuy nhiên, các chứng từ, phiếu kế toán đều không có chứng từ gốc như hóa đơn, hợp đồng kèm theo.
Ngày 30/3/2020, Tenma Việt Nam nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2019 cho Cục Thuế Bắc Ninh. Theo tờ khai và công văn giải trình của DN này, 3 tỷ đồng tạm ứng cho ông Yoshida đã được loại ra khỏi chi phí khi tính thu nhập chịu thuế năm 2019. Lý do là vì các khoản chi này không có chứng từ hợp lý, hợp lệ.
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, việc tạm ứng, thanh toán tạm ứng trong nội bộ của Tenma Việt Nam liên quan trực tiếp đến người của công ty này.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc của Tenma là ông Yoshida Haruhiko về Nhật từ cuối năm 2019 đến thời điểm kết thúc thanh tra chưa sang Việt Nam; ông Amano Kan, Giám đốc bộ phận hành chính trong tháng 10/2019 hết nhiệm kỳ đã rời khỏi Việt Nam.
Do vậy, việc kết luận Tenma Việt Nam có hối lộ Đoàn kiểm tra sau thông quan và Đoàn kiểm tra Thuế hay không, trong quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra Bộ Tài chính đã phối hợp với C03 - Bộ Công an để làm rõ, nhưng đến nay, cũng chưa thể kết luận được.
Theo đơn vị này, kết luận thanh tra đã được Thanh tra Bộ Tài chính gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu C03, Bộ Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ. Bộ Tài chính đã chỉ đạo làm rõ vụ việc, xử nghiêm minh theo pháp luật nếu có.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận