Nghị sĩ Ukraine và Bộ trưởng Quốc phòng Anh thảo luận việc phá hủy cầu Crimea
Một nghị sĩ Ukraine cho biết ông đã thảo luận về việc “phá hủy” cây cầu dài nhất châu Âu với Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hồi tháng 6.
Nghị sĩ Aleksey Goncharenko đăng tải lên Telegram bức ảnh ông chụp chung với Bộ trưởng Wallace và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong một cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Bức ảnh có chú thích: “Nói với họ rằng Ben Wallace và tôi đã thảo luận về kế hoạch phá hủy cầu Crimea hồi tháng 6".
Trước đó, chuyên gia quân sự Nga Igor Konashenko trong một chương trình truyền hình đã tiết lộ “theo một số nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh phụ trách xây dựng kế hoạch tấn công cây cầu nối bán đảo Crimea với lục địa Nga qua Eo biển Kerch”.
Cầu Crimea được Nga xây dựng sau khi bán đảo tách khỏi Ukraine và bỏ phiếu sáp nhập Nga vào năm 2014.
Chính phủ Ukraine từng bác bỏ cáo buộc Kiev kêu gọi phá hủy cầu Crimea. Nhưng quân đội Ukraine hiện coi cây cầu dài nhất châu Âu này là mục tiêu quân sự chính cần phải phá hủy ngay khi Kiev nhận được những vũ khí hiện đại của phương Tây.
Anh là nhà cung cấp chính những vũ khí hạng nặng tiên tiến cho Kiev, đáng chú ý nhất là bệ phóng loạt M270.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bình luận về lời đe dọa của Ukraine, nói rằng thông tin này không mới. “Chúng tôi chắc chắn nhận thức được những mối đe dọa như vậy và sẽ xem xét chúng," ông nói vào thời điểm đó. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bày tỏ tin tưởng rằng mọi kế hoạch tấn công cây cầu sẽ thất bại.
Cầu Crimea dài 19 km là cây cầu dài nhất châu Âu. Bà Olga Kovitidi – Thượng nghị sĩ Nga gọi đây là “cây cầu được bảo vệ tốt nhất thế giới, với nhiều lớp phòng thủ”.
Theo bà Kovitidi, Nga biết từ đầu rằng cây cầu có thể bị quân đội Ukraine nhắm mục tiêu, nên đã thực hiện một số biện pháp cần thiết để tăng cường phòng thủ.
Cụ thể, cầu được bảo vệ khỏi các cuộc tấn công từ trên không bằng 2 tổ hợp S-400, có thể bắn hạ tên lửa đang bay tới từ khoảng cách 400km.
Đối với các cuộc tấn công tầm ngắn, quân đội Nga sử dụng các hệ thống bổ sung, chẳng hạn như Pantsir-S1.
“Do đó, cây cầu không thể bị tấn công âm thầm bằng đường không”, bà Kovitidi nói.
Về đường thủy, cầu được bảo vệ bởi lực lượng Hải quân Nga. Ngoài ra, trên cầu còn gắn hệ thống sonar tinh vi giúp phát hiện các mối đe dọa dưới nước, ví dụ như tàu ngầm.
Thượng nghị sĩ Kovitidi cho biết thêm rằng các bộ phận chính của cầu được kiểm tra hằng ngày. “Vì vậy, chúng tôi khuyên các bạn không nên nghĩ đến ý định tấn công công trình này”.
Theo RT
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận