menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thiên Anh

Nghị quyết số 128/NQ-CP: Chính sách "bước ngoặt" trong phòng chống dịch COVID-19

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết số 128/NQ-CP: Chính sách "bước ngoặt" trong phòng chống dịch COVID-19
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: MPI

Tại tọa đàm "Nhìn lại 2021 - những chuyển hướng chiến lược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/1, tại Hà Nội, các khách mời phân tích, đánh giá về những chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là suy nghĩ và nhận định về triển vọng năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.

Nhận định về việc tác động của Nghị quyết 128 đến nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 có ý nghĩa rất quan trọng cả trong chống dịch và phát triển kinh tế. Có thể nói, Nghị quyết 128 đã làm xoay chuyển cả cục diện, cả trong chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian cả năm 2020 và 2021, từ đợt dịch đầu tiên đến đợt dịch thứ 3, thứ 4 bùng phát, những chiến lược chống dịch mà Chính phủ đưa ra phù hợp và hiệu quả với từng giai đoạn chống dịch.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho rằng, Nghị quyết 128 ra đời rất phù hợp, không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn vì phụ thuộc vào mức độ tiêm chủng, mức độ bao phủ vaccine trên toàn quốc; đồng thời đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân khi họ phải trải qua quãng thời gian rất dài giãn cách xã hội do đợt dịch lần thứ 4 bùng phát.

“Nghị quyết 128 có ý nghĩa then chốt trong việc đảo chiều kết quả kinh tế năm 2021. Nhờ có Nghị quyết 128 chúng ta mới có sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc Chính phủ ban hành rất kịp thời Nghị quyết 128 đã đánh dấu chuyển trạng thái rất phù hợp với xu hướng ngày càng phổ biến trên thế giới. Đa số các nước phải chấp nhận sống chung với đại dịch, vừa sản xuất, vừa xây dựng kinh tế, vừa chống dịch. Đây là những quyết sách dựa trên cơ sở thực tiễn khi chúng ta đã có tỉ lệ phủ vaccine nhất định.

Theo kinh nghiệm quốc tế, nước nào có tỉ lệ phủ vaccine trên 60% thì có thể mở cửa từng bước theo giai đoạn và cách chống dịch trong điều kiện đã có đủ vaccine cũng sẽ khác. Nếu phát hiện F0 thì chúng ta chỉ cách ly diện hẹp. Chúng ta đã tham khảo, thích ứng và tiếp thu theo kinh nghiệm quốc tế nhưng vẫn tôn trọng kinh nghiệm thực tế của Việt Nam.

“Chúng ta chuyển trạng thái qua Nghị quyết 128 là một sự thay đổi và là quyết định thay đổi khó khăn. Tôi cho rằng quản lý sự thay đổi đó cũng là một thách thức lớn, chúng ta mở ra cũng xác định, chấp nhận có rủi ro nhất định, khi giao lưu, tiếp xúc nhiều. Quá trình hiện nay là quản lý sự thay đổi ấy, chúng ta phải làm tốt để đảm bảo nội dung, mục đích của Nghị quyết 128 được thực hiện nhất quán. Nghị quyết 128 là một nghị quyết mở cho các địa phương, doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng là một nghị quyết tiếp tục điều chỉnh theo thực tế cuộc sống đặt ra”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết thêm, ngay từ năm 2020 và năm 2021, rất nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã đề cập đến mô hình phục hồi theo hình chữ V hay hình chữ U để mô tả khả năng một nền kinh tế có thể quay lại sau khi chịu tác động của dịch COVID-19.

“Phải nói rằng, nhờ việc ban hành Nghị quyết 128, qua rà soát về số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V. Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, hơn -6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế Việt Nam rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho biết, một số động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2021; thứ nhất đó là lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2020 và năm 2021, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ. Thực tế trong cả quá trình chịu tác động của đại dịch COVID-19, lĩnh vực nông nghiệp luôn cố gắng duy trì ở mức hợp lý, tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế.

Thứ hai là lĩnh vực công nghiệp. Công nghiệp là lĩnh vực chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đợt dịch đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trung tâm công nghiệp phía bắc như: tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên đến đợt dịch thứ 4, khu vực trọng tâm nhất về công nghiệp đã bị COVID-19 xâm nhập, chủng Delta tàn phá khiến động lực tăng trưởng công nghiệp quý III giảm rất sâu. Tuy nhiên, quý IV/2021, có sự phục hồi rõ nét.

Thứ ba là dịch vụ. Đây là lĩnh vực gặp khó khăn, lĩnh vực chịu tác động lâu nhất và sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng. Qua rà soát thấy rằng, cuối năm 2020 cũng như các tháng đầu năm 2021, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý âm. Lý do rất nhiều ngành dịch vụ chúng ta không triển khai được do ảnh hưởng của COVID-19. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc và tăng trưởng khu vực này trong quý III đã đạt 5,42%.

“Qua đó cho thấy ý nghĩa rất quan trọng và tích cực của Nghị quyết 128 tác động đến phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Cụ thể, trong cái mũ chung là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" hay nói cách khác, khi chúng ta có một mô hình kiểm soát dịch bệnh tốt và hiệu quả thì tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân đều tức khắc có điều kiện để phục hồi, thậm chí phục hồi một cách mạnh mẽ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Nghị quyết số 128/NQ-CP: Chính sách "bước ngoặt" trong phòng chống dịch COVID-19
Tọa đàm "Nhìn lại 2021 - những chuyển hướng chiến lược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Ảnh: MPI

Năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành, nhất là đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 tại Việt Nam với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm, buộc chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch chưa từng có tiền lệ để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận gần 1,7 triệu ca mắc COVID-19; hơn 31.000 người tử vong. Do nhiều địa phương trọng điểm phải giãn cách xã hội, nền kinh tế bị “ngấm đòn COVID-19”, GDP năm 2021 chỉ đạt 2,58%, mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại