Nghị định 132 chỉ thay đổi mang tính hình thức
Nghị định 132 không có nhiều điều chỉnh, về cơ bản chỉ là những thay đổi hình thức, còn nội dung vẫn giữ nguyên và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước, luật sư Trương Thanh Đức đánh giá.
Ngày 5/11 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP (“Nghị định 132”) thay thế Nghị định 20/2017 và Nghị định 68. Nghị định 132 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2020.
Theo đó, Nghị định 132 kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 20, sửa đổi và bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi một số điều để đảm bảo rõ ràng, minh bạch. Nghị định bao gồm 4 chương, 23 điều, với một số điểm mới như sau:
Đánh giá về những điểm mới này, luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng: Nghị định 132 không có nhiều điều chỉnh, về cơ bản chỉ là những thay đổi hình thức, còn nội dung vẫn giữ nguyên và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.
"Theo tôi, điều quan trọng không phải là có gì mới ở nội dung sửa đổi, mà vấn đề là cần có căn cứ pháp lý rõ ràng để đánh thuế. Về nội dung nghị định, thay vì mục đích ban đầu là nhằm chống chuyển giá đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết, thì nay đối tượng hướng đến lại là doanh nghiệp trong nước", luật sư Đức bày tỏ quan điểm.
Một thống kê được công bố mới đây cho hay, đến thời điểm trung tuần tháng 9/2020, có tới trên 80% doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Doanh thu của doanh nghiệp giảm mạnh, trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ giảm nhiều nhất, tiếp đến là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn.
Có thể thấy, trong bối cảnh nền kinh tế chung đang chịu những tác động nặng nề từ thiên tai, dịch bệnh thì những điều chỉnh mang tính chất siết chặt hơn của cơ quan quản lý đang tiếp tục đẩy doanh nghiệp vào thế khó.
Luật sư Đức nêu ra 3 vấn đề được cho là đang bị "nhầm lẫn" tại Nghị định chống chuyển giá ngay từ khi hình thành: Thứ nhất là về khái niệm giao dịch liên kết, thứ hai là về tỷ lệ khống chế và thứ và là yếu tố chuyển giá. Theo vị chuyên gia này, các khái niệm trên đang chưa rõ ràng và bị hiểu sai, và quan trọng nhất là yếu tố chuyển giá: "Nghị định 20 mục đích là chống chuyển giá, tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, áp dụng cho các giao dịch liên kết. Nhưng nhiều công ty mẹ - con ở Việt Nam không phải là đối tượng của chống chuyển giá, vì nhiều công ty mẹ - con có mức thuế suất bằng nhau, không có động cơ chuyển giá".
Bên cạnh đó, quy định "tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần" và nay được đẩy lên 30% tại Nghị định 132 không phù hợp với một số doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhiều tập đoàn, công ty con do năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn và phân bổ xuống các công ty con. Vì vậy, theo luật sư Đức, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, hợp lý, hợp lệ thì cũng nên được chấp nhận.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: Tỷ lệ 20 - 30% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.
VẪN LÀ CÂU CHUYỆN "BẮT NHẦM CÒN HƠN BỎ SÓT"!
Chiều 9/11 vừa qua, tại cuộc họp báo giới thiệu nội dung mới của Nghị định 132/2020/NĐ-CP, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị có nêu: Nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, chuyển giá”; “Hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế... để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá”.
Phản biện về quan điểm khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, câu chuyện huy động vốn là quyền của doanh nghiệp, tùy khả năng của mỗi doanh nghiệp mà họ vay được nhiều hay ít, doanh nghiệp lên sàn, có uy tín, được chấm điểm cao thì huy động vốn nhiều, có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Còn, nếu nói siết thuế để hạn chế doanh nghiệp vốn mỏng là không hợp lý.
"Doanh nghiệp có thể vay các tổ chức tài chính, ngân hàng tùy mức mong muốn, xét duyệt cho vay hay không là trách nhiệm của bên cho vay, còn khi doanh nghiệp không có khả năng chi trả thì phải chịu phạt. Ở đây, câu chuyện kiểm soát vốn không thuộc về quyền hạn của cơ quan thuế", luật sư Đức nhấn mạnh.
Vấn đề mấu chốt đặt ra theo ông Đức là có dấu hiệu chuyển giá ở các doanh nghiệp nước ngoài với giao dịch liên kết, nhưng cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Tài chính không chứng minh được, không kiểm soát được đầu ra, đầu vào, và không khống chế được hoạt động này nên đã đặt ra giới hạn 20% và áp đặt lên giao dịch liên kết. Và dù ở Nghị định 132 mới ban hành có những điều chỉnh, thay đổi nhưng theo góc độ pháp lý, vị luật sư này nhìn nhận: Về bản chất vẫn là nhầm lẫn, sai lầm và gây khó cho doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp thiếu vốn, cần phát triển, cần đóng góp cho nền kinh tế; trong bối cảnh khó khăn hiện tại mà vẫn tiếp tục áp dụng thì là một điều "tụt lùi", và
Một vấn đề đặt ra nhiều băn khoăn cho doanh nghiệp là thời gian bù trừ số tiền thuế thu sai: "phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2020 đến hết năm 2024, kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết". Với bối cảnh hiện tại, sau những tác động của dịch bệnh cũng như thiên tai, thì e rằng còn nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khăn, lợi nhuận nhiều doanh nghiệp bằng 0 hoặc về âm thì không có lợi nhuận để bù trừ thuế, và hệ quả là dù hồi tố nhưng cũng như không.
"Doanh nghiệp mất vài năm để hồi sức, còn cơ quan quản lý vẫn siết 'vòng kim cô', điều này sẽ khiến không ít doanh nghiệp “chết oan”, vì doanh nghiệp không trốn thuế, không gian lận nhưng lại bị ‘đánh’. Còn nếu doanh nghiệp thực sự chuyển giá thì không phải là 30% mà có lẽ nên để ở mức 20%", luật sư Đức nhấn mạnh.
Mới đây, tại phiên chất vấn thuộc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XIV, đại biểu Bùi Thanh Tùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng cũng đã đặt ra những băn khoăn xoay quanh nội dung Nghị định 20/2017.
Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng: Nội dung quy định tại khoản 3 điều 8 của Nghị định 20 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty mẹ con. Quy định tại Nghị định này ấn định trần của tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần.
Mức trần 20% là tính gộp chung các khoản vay giữa công ty liên kết và các tổ chức độc lập như vay ngân hàng… Như vậy, nếu các đơn vị độc lập thì không bị khống chế chi phí lãi vay tính trong giá thành nhưng các đơn vị hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con thì lại bị khống chế.
"Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép chi phí lãi vay được tính khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo chi phí thực tế, nhưng Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì lại khống chế. Như vậy, đối với các đơn vị độc lập thì không bị khống chế chi phí lãi vay tính trong giá thành nhưng các đơn vị hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con thì lại bị khống chế. Đó là sự không bình đẳng", đại diện một doanh nghiệp cho ý kiến.
Sự bất cập của Nghị định 20 là điều đã thấy rõ, được phản ánh từ doanh nghiệp tới giới chuyên gia, và Thủ tướng cũng đã 3 lần đề nghị Bộ Tài chính xem xét quy định khống chế lãi vay.
Chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2020, Bộ Tài chính đã sửa đổi quy định này bằng cách nâng từ 20% lên 30% tại Nghị định 68/2020 và mới đây là sự ra đời của Nghị định 132. Tuy nhiên, những vướng mắc vẫn còn đó khi các doanh nghiệp trong nước tiếp tục chịu lực siết ngày càng mạnh của chiếc "vòng kim cô" chống chuyển giá nhầm.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận