“Nghẽn” sàn HOSE: Cơ hội nào cho người Việt làm chủ?
TTCK Việt Nam đã đón nhận một phát ngôn gây sốc, được truyền đi nhanh chóng khi Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng, nếu được giao sửa nghẽn sàn HOSE, Bkav cũng làm được.
Chủ tịch tập đoàn công nghệ Bkav khẳng định năng lực công nghệ trong nước hoàn toàn có thể giải quyết được rắc rối ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Chủ tịch Bkav Nguyễn Tử Quảng khẳng định, năng lực công nghệ trong nước hoàn toàn có thể giải quyết được rắc rối ở Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Chủ tịch Bkav chia sẻ, Chính phủ nên giao các dự án có tính hệ thống của quốc gia, ví dụ như xây dựng phát triển sàn chứng khoán cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Lý do là năng lực của doanh nghiệp trong nước rất tốt. Ngoài ra, doanh nghiệp nhà nước có hạn chế lớn là tính nhiệm kỳ.
Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết không ít lần kiến nghị tại những hội nghị có mặt nhiều lãnh đạo ở các ban ngành rằng cần tin tưởng công ty tư nhân. Đây là lựa chọn tốt nhất.
"Tôi nói Bkav làm được để cho thấy năng lực công nghệ, tổ chức và con người trong nước làm được, chứ không phải Bkav có ý định cạnh tranh với doanh nghiệp khác", ông Quảng nhấn mạnh.
Trong khi chờ “đại phẫu” hệ thống giao dịch HOSE, thì từ thị trường, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch CTCP VNDirect mới đây nêu ra một tư duy mới: nghẽn lệnh là cơ hội để người Việt Nam cùng hợp sức lại, xây một nền tảng công nghệ chủ động cho TTCK Việt.
Là người sáng lập ra VNDirect, hiểu về tài chính và hiểu về công nghệ, hơn ai hết, bà Minh Hương hiểu rõ giá trị của việc làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, ý tưởng của Chủ tịch VNDirect đặt trong môi trường thực tiễn Việt Nam có lẽ sẽ mãi là ý tưởng, nếu thể chế quản lý, vận hành TTCK Việt Nam hiện nay không rạch ròi trả lời những điểm cốt lõi: Cấp nào có thẩm quyền quyết phương án xây hệ thống công nghệ mới do người Việt làm chủ?
Những cấp nào phải chịu trách nhiệm về sự lỗi hẹn nhiều năm của dự án KRX? Những cấp nào phải chịu trách nhiệm nếu dự án KRX - với quy mô đầu tư 44 triệu USD được “để vào kho” vì lạc hậu, vì phụ thuộc nước ngoài… nhường chỗ cho dự án người Việt xây nên cho TTCK Việt Nam?
Người Việt Nam tự tin sửa chữa được, xây mới được hệ thống công nghệ cho TTCK Việt. Đó là điều rất đáng tự hào, nhất là khi TTCK ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nhưng công nghệ chỉ là phần ngọn. Cái gốc xử lý nghẽn lệnh là ai có đủ thẩm quyền ra quyết định và bao giờ quyết làm, thì khi đó, phương án chữa nghẽn lệnh mới có thể chờ đợi ngày xong.
Bàn về cách khắc phục nghẽn lệnh trên thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Vietjet cho rằng, việc thay đổi phần mềm hệ thống của sàn chứng khoán tốn kém, rất lâu và cũng phụ thuộc đối tác nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước hoàn toàn giải quyết được vấn đề này. “Chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng để có thể giải quyết tình trạng nghẽn lệnh của HOSE”, bà Thảo bày tỏ.
Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh bình luận, mô hình quản lý thiếu cơ chế chịu trách nhiệm là một chiếc ô che cho người thiếu năng lực, đồng thời là cái áo quá chật với người có khát vọng tạo ra sự thay đổi.
Trong cơ chế ấy người muốn làm và có khát vọng thì cũng như kẻ lười biếng và trục lợi, ai cũng không công, không tội. Vậy thì làm sao mà phát triển? Mà khi có nghẽn lệnh thì người ta cũng không cần, cũng như không thể làm gì thoát ra khỏi cái áo quá chật hay chiếc ô che đó.
Cái gốc của việc nghẽn lệnh kéo dài của HOSE cũng là từ đó mà ra. Nó xuất phát từ những vấn đề rất nhiều năm tích tụ lại, bao gồm chuyện bổ nhiệm nhân sự có năng lực, từ chuyện quản lý dự án nâng cấp công nghệ cho đến năng lực xử lý khi hệ thống phát sinh lỗi.
Với một cơ chế như vậy thì thuê người nước ngoài về làm cũng thế mà thôi, vì họ có thể làm được gì đâu khi mà cái áo cơ chế quá chật còn nhiều người có liên quan thì lại được che bởi một cái ô của cơ chế.
Quan sát phát biểu của các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, một nhận xét thú vị là của ông Petri Deryng - nhà sáng lập và điều hành quỹ PYN Elite Fund. Ông ví von HOSE như một cậu bé mới lớn hoặc sinh viên đại học, khiến chúng ta liên tưởng tới câu chuyện Thánh Gióng.
Tham vọng trở thành trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam như một giấc mộng của một cậu bé muốn một đêm trở thành Thánh Gióng, nhưng lại không có giáp sắt, ngựa sắt xứng tầm. Muốn làm Thánh Gióng thì cũng phải có chiếc áo vừa người, có công cụ thì mới đánh giặc được, chưa nói chuyện là muốn lớn nhanh thành Thánh Gióng có phải là thực tế hay chỉ là huyền thoại.
Nói cách khác, muốn cậu bé này lớn nhanh, vươn ra biển lớn như tham vọng trung tâm tài chính quốc tế, thì cần phải thay đổi cái áo cơ chế cho cậu bé trước đã.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận