24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Duong Tong Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nghệ thuật kể chuyện trong kinh doanh

Kể chuyện là một kỹ năng giúp con người sinh tồn và leo lên đầu chuỗi tiến hóa mà không phải là nanh vuốt sắc nhọn, sức mạnh vô song hay tốc độ vượt trội. Nó là một quá trình đã bén rễ vào tâm lý tập thể, cá nhân của chúng ta và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Từ quây quần bên đống lửa trại cho đến ngóng chờ loạt phim mới nhất trên Internet, những người kể chuyện dùng câu chuyện để truyền lại kiến thức, kinh nghiệm và cảm hứng cho nhau.

Trên mảnh đất (tưởng chừng) cằn cỗi của kinh doanh, những câu chuyện chính là cách để khách hàng tìm đến và có thiện cảm với sản phẩm, dịch vụ tại doanh nghiệp của bạn như nấm mọc sau mưa. Thế nhưng, kể chuyện là một kỹ năng không dễ để nắm bắt, nên người kể chuyện cần phải liên tục học hỏi và rèn luyện.

Sức mạnh của nghệ thuật kể chuyện:

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Rời quê vào Bình Dương từ năm 2002, điều kiện khó khăn, tôi làm công nhân hai năm để tích lũy tài chính cho việc học. Đây là một giai đoạn rất thử thách với tôi. Công việc vất vả, sức khỏe kém, bệnh tật ập đến và thậm chí là đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng. Trước sự bế tắc ấy, tôi không ít lần nghĩ đến chuyện tự tử.

Nhưng may thay, chưa kịp đưa ra quyết định thì hôm ấy khu trọ tôi cúp điện, vì nóng quá nên tôi đi bộ đến nhà sách gần đó (vì ở đấy có máy lạnh) và cũng muốn xem xem họ có gì hay không. Cơ duyên thế nào, tôi dừng lại ở quầy sách Tâm lý học, đọc câu chuyện “Cho một trái tim dũng cảm” trong bộ “Hạt giống tâm hồn” của Jack Canfield. Cuốn sách với giá 19 nghìn đồng thời điểm đó đã cứu mạng tôi. Và chính câu chuyện ấy đã thay đổi hoàn toàn tư duy của tôi, tôi xé ngay tờ vé số (giá 2 nghìn đồng) trong túi của mình. Vì tôi hiểu rằng, tôi có thể dựa vào chính mình và nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, làm chủ số phận thay vì trông chờ vận may.

Điều này giúp tôi nhận ra sức mạnh của những câu chuyện và học cách áp dụng kỹ thuật storytelling vào kinh doanh. Đây được xem là nghệ thuật truyền đạt ý tưởng bằng từ ngữ, hình ảnh hay video để thuyết phục người nghe tin vào thông điệp mà người kể muốn truyền tải (với động cơ tốt đẹp). Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều đang bơi trong “đại dương đỏ”, vì vậy những câu chuyện truyền cảm hứng sẽ giúp đội ngũ giữ vững tinh thần để vượt qua khó khăn. Đồng thời, kể chuyện là cách biến những điều phức tạp trở nên đơn giản hơn, từ đó giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp, sứ mệnh và tầm nhìn tới đội ngũ nhân sự một cách rõ ràng.

Song, chúng tôi không chỉ kể câu chuyện cá nhân, câu chuyện thương hiệu mà còn kể câu chuyện của khách hàng. Bằng cách để những khách hàng đã được phục vụ kể lại trải nghiệm của họ một cách chân thật nhất, chúng tôi tạo được sự tin tưởng cho những khách hàng mới. Khi những câu chuyện vừa thực tế, vừa tốt đẹp được lan tỏa, doanh nghiệp sẽ gây dựng được những hệ giá trị tích cực cho xã hội.

Sức mạnh của câu chuyện còn ở chỗ nó là tài sản quý báu nhất của loài người chúng ta. Và ý nghĩa của nghệ thuật kể chuyện là tạo ra cảm xúc cho người nghe (người đọc), khiến họ đồng cảm với câu chuyện. Nên tôi tin rằng, có bao nhiêu cuộc cách mạng công nghiệp sẽ diễn ra, bao nhiêu dạng trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial intelligence) được phát triển thì kỹ năng kể chuyện của con người là không thể thay thế.

nghệ thuật kể chuyện trong kinh doanh

Kể chuyện là cách thuyết phục hữu hiệu nhất mà không cần phải nỗ lực thuyết phục

Não chúng ta thường ghi nhớ rất tốt những câu chuyện (đặc biệt là khi nó hài hước hoặc khiến chúng ta bất ngờ), đồng thời chúng ta sẽ quan sát thấy những phản ứng thể chất khi được nghe những câu chuyện (mở to mắt, cảm thấy sởn gai ốc hay lạnh sống lưng…). Vì những câu chuyện khiến não của người kể và người nghe nhanh chóng kết nối và đồng bộ với nhau.

Không những thế, những điều này xảy ra trong tâm trí người nghe có tác động đáng kể: các chất hóa học thần kinh, oxytocin và dopamine được giải phóng. Những hormone này đóng vai trò liên kết xã hội. Nó được sản sinh khi người ta nghe được một câu chuyện hay và cảm thấy đồng cảm. Đổi lại, sự đồng cảm này sẽ khiến người nghe sẵn sàng hành động và thúc đẩy sự hợp tác tự nguyện hơn.

Đồng thời, những câu chuyện cũng là cách thuyết phục khách hàng trong việc doanh nghiệp tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, marketing bằng câu chuyện là một cách tối ưu chi phí nhưng lại vô cùng hiệu quả. Ai đó đã nói rằng: “Facts tell stories sell” (tạm dịch: dữ kiện dùng để nói, còn câu chuyện dùng để bán hàng). Có thể hình dung như thế này:

Đây là “fact”: Chúng tôi cung cấp dịch vụ thiết kế và thi công nội thất trọn gói tại Bình Dương.

Đây là “story”: Công ty chúng tôi thấu hiểu những trở ngại khi khách hàng phải tự tìm kiếm một đơn vị thiết kế và thi công nội thất trọn gói. Vì vậy, chúng tôi luôn rất tâm huyết và nỗ lực để đồng hành và hỗ trợ khách hàng một cách chu đáo nhất. Không những thế, công ty chúng tôi luôn hướng tới sự cá nhân hóa và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Bằng việc chăm chút cho không gian sống, chúng tôi truyền cảm hứng cho bạn sống một cuộc đời hạnh phúc!

Cách kể một câu chuyện truyền cảm hứng:

Để những câu chuyện của bạn có giá trị và phát huy hết tác dụng của nó, bạn cần kể những câu chuyện chân thật, tạo ra cảm xúc và truyền được cảm hứng cho người nghe, giúp họ có được những thay đổi (tích cực). Đặc biệt, những câu chuyện sẽ khơi gợi sự tò mò và tạo được dấu ấn hơn khi kết hợp được yếu tố bất ngờ và hài hước.

Kể chuyện là một kỹ thuật đòi hỏi sự rèn luyện và không ngừng trau dồi vốn sống cá nhân, vì vậy cách để tạo nên một câu chuyện hay phụ thuộc rất nhiều vào thế giới quan mỗi người. Tuy nhiên, có một cấu trúc cơ bản giúp xây dựng câu chuyện như sau:

1. Mở đầu, các bạn nên gợi mở để độc giả (hoặc thính giả) biết câu chuyện có gì hay để họ tiếp tục theo dõi. Tốt nhất là nắm bắt những biến động thời sự mới nhất, những sự kiện đang chiếm nhiều sự chú ý của cộng đồng.

2. Nhân vật (character) nên có tên và vài đặc điểm cụ thể khác như ngoại hình, tuổi tác, nghề nghiệp… Lý tưởng nhất là có những đặc điểm của khách hàng mục tiêu (buyer’s persona). Bạn có thể nhớ lại những khách hàng mà bạn đã từng phục vụ (hoặc thảo luận với team Marketing). Sau đó, hãy mang những đặc điểm ấy “cấy” cho nhân vật trong câu chuyện của bạn và cố gắng khiến chúng tự nhiên, phù hợp với mạch truyện.

3. Bối cảnh (context) chính là lúc mà nhân vật của chúng ta sẽ gặp các chướng ngại vật sau đó. Đây có thể là tình huống lúc nhân vật đi làm, đi chơi, đi du lịch và gặp gỡ một nhân vật khác, hoặc một tình huống dẫn dắt nào đó.

4. Biến cố (conflict) là yếu tố xuất hiện bất ngờ trong câu chuyện, khiến nhân vật phải đối mặt, vượt qua, và sau đó là thay đổi (tương tự như cấu trúc thắt – mở nút trong các truyện ngắn văn học). Tây Du Ký (Ngô Thừa Ân) trở thành câu chuyện kinh điển vì 81 kiếp nạn mà thầy trò Đường Tăng phải vượt qua. Có thể nói, biến cố càng lớn thì sự vượt qua của nhân vật càng đáng nhớ.

5. Phần kết, cần kết nối các USP (Unique Selling Proposition – ưu điểm) sản phẩm với nhu cầu khách hàng. Tức là, tôi đặt ra một tiền giả định nếu nhân vật sử dụng sản phẩm trước đó thì đã không gặp những rủi ro như vừa kể. Và những người đọc câu chuyện này, sẽ đánh giá cao các USP hơn một bài chào hàng bình thường. Đồng thời, để làm tăng hiệu quả cho câu chuyện, tôi khẽ tạo cú xoắn (twist). Nghĩa là kết nối qua sản phẩm một cách bất ngờ, và có hơi trái khoáy. Khiến người đọc ngạc nhiên và cười vui vẻ.

Kết:

Nếu kinh doanh là một cái biển lớn mà con cá nào cũng (đang) lao vào, thậm chí là phải xâu xé lẫn nhau để sinh tồn. Tôi cho rằng, nghệ thuật kể chuyện có thể được xem như là một loại “vũ khí” đắc lực giúp bạn trở nên đáng gờm hơn rất nhiều.

Nguồn: https://homenext.edu.vn/lanh-dao/nghe-thuat-ke-chuyen-trong-kinh-doanh/

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả