Nghề mới trong lĩnh vực fintech: tech chuyển sang làm finance sẽ có lợi thế hay ngược lại?
Để mình mở đầu với một vài câu chuyện hồi xửa hồi xưa giai đoạn 1998-2004. Đây là giai đoạn mình lên đại học, vừa đi học vừa đi theo một số anh chị trong các CLB đội nhóm của trường ĐH Kinh Tế TP.HCM để được đi học hỏi coi cách các ngân hàng làm, rồi sau đó đi thực tập và rồi đi làm ngân hàng.
Trong giai đoạn này mình chứng kiến một giai đoạn "chuyển đổi số" then chốt trong hệ thống tài chính ở Việt Nam, chuyển từ các dữ liệu giấy tờ hoặc các dữ liệu rời rạc trong các file Excel thậm chí là các phần mềm xưa hơn sang nền tảng ngân hàng lõi, core bank.
Để bạn dễ hình dung, thì ngày xưa nhiều ngân hàng còn kết nối giữa hội sở với chi nhánh với nhiều hình thức, trong đó không ít ngân hàng vẫn quản lý qua hệ thống giấy tờ, fax thông tin, trong khi hiện đại hơn tí thì dùng một số phần mềm kết nối màn hình xanh chữ vàng như mấy phần mềm học gõ tiếng Việt đầu những năm 1990.
Bây giờ bạn đi bất kỳ chi nhanh ngân hàng nào, người ta gõ vào hệ thống một cái là ra tất tần tật về bạn, tiền gửi ở đâu, bao nhiêu, khi nào đáo hạn, v.v. và tất cả thông tin tích hợp vào hệ thống để làm báo cáo cho ngân hàng biết được dữ liệu là hệ thống hiện đang có trạng thái âm, dương cái gì, cần điều chuyển gì, v.v.
So với hiện tại thì hồi xưa có những thông tin chỉ có chi nhánh nắm số khách chi nhánh mình, khách hàng của mình là ai. Nhiều thông tin quan trọng về thanh khoản, nguồn vốn phải mất cả mấy ngày thậm chí cả tuần để tổng hợp, cho nên có những ngân hàng có phòng kế hoạch và tổng hợp.
"Chuyển đổi công nghệ ngân hàng" là từ khóa thời thượng thời kỳ 2000 đó của dân ngân hàng giống như "digitalization" thời này vậy. Và thời kỳ đó tạo ra nhu cầu cho một loạt nhân sự mới có thể làm được chuyển đổi số, đào tạo lại nhân sự và ra sản phẩm mới (bao gồm các loại thẻ thanh toán).
Đó cũng là thời kỳ mà thị trường chứng khoán bắt đầu phát triển, phải ghi lệnh bằng giấy, chuyển lệnh vào cho oker nhập lệnh, mỗi lần sửa, hủy lệnh là giống như thi đấu vật để giành chỗ ở công ty chứng khoán (nếu cho sửa và hủy). Thông tin liên quan đến cổ phiếu, thị trường ngoại hối khi đó là các bản tin bằng giấy mỏng 1-2 trang được cung cấp mỗi cuối giờ trưa mà giành nhau lấy.
Cho đến giờ các bạn ngồi một chỗ trade trên các app giao dịch, tin nhảy ting ting vào các app tin tức thì quả là thiên đường.
Đằng sau những thay đổi có tính cách mạng đó là cả một dòng chảy dịch chuyển nhân sự khổng lồ, trong đó những người có kỹ năng làm việc, thích ứng nhanh với công nghệ nổi lên thay thế những người làm giỏi với công nghệ sổ sách cũ nhưng bị mất lợi thế sau khi công nghệ thay đổi.
Những người nhập lệnh nhanh ở công ty chứng khoán trong hệ thống cũ bị thay thế bởi các bạn có thể tạo ra các thuật toán có thể chuyển lệnh nhanh hơn đối thủ vài phần trăm giây. Những người giỏi nhớ số liệu các chi nhánh ngân hàng và có sổ quản lý số rõ ràng bị thay thế bởi những người có thể sử dụng dữ liệu từ các phần mềm quản lý thanh khoản (liquidity management) để giúp quản lý vốn ngân hàng hiệu quả hơn.
Và nay mình lại nhìn thấy một sự chuyển đổi có tính cách mạng nữa sau 2 thập niên. Mà giờ các bạn quen với các thuật ngữ digitalization, fintech hay là "AI in finance".
Nói nôm na, xu thế này là một sự kết hợp giữa những data mới, độc, lạ trước nay chưa có (như các dòng chat Facebook, Twitter, những gì bạn nói trên Youtube, các khuôn mặt nhiều biểu cảm của bạn trên các mạng xã hội), data có frequency cao hơn (tạo thành dạng big data), với khả năng xử lý data, đào bới, tra tấn nó để nó kể ra cho ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán những câu chuyện về bạn.
Một vài ví dụ đã phổ biến: các con bot có thể dự đoán được tỷ lệ vỡ nợ thẻ tín dụng, nợ Buy Now Pay Later, dự đoán hàng bạn định mua tiếp theo trên Amazon, số tiền bạn dự định chi trong tuần này trên Paypal.
Những thứ ít phổ biến hơn với số đông, nhưng cũng phổ biến với dân trong nghề: những con bot đi đặt lệnh trước khi một loạt lệnh mua lên cái app trên điện thoại đến được máy chủ, con bot đề xuất danh mục đầu tư cho bạn.
Những thứ không mấy vui vẻ cho khách hàng là các con bot đề xuất hợp đồng bảo hiểm, và bom bạn liên tục không mệt mỏi và không thể chặn được về những hợp đồng bảo hiểm mà nó cho là phù hợp với bạn (giống một bạn bán bảo hiểm mà bám bạn 24/24 trên mọi nền tảng) cũng là một ví dụ.
Lĩnh vực Insurtech là một trong những lĩnh vực được đầu tư khá mạnh trong giai đoạn dịch Covid-19 và có một vài công ty niêm yết trên sàn của Mỹ ví dụ như cổ phiếu công ty mang thương hiệu nước chanh Lemonade, giá từ 50 đồng lên đến 175 đồng hồi 2021, và giờ đang giao dịch ở giá ... 29 đồng.
Hoặc một số con bot gắn trên drone giúp các bạn kiểm toán không cần kiểm mẫu (sample) mà kiểm toàn bộ hàng hóa tồn kho.
Thế hệ tiếp theo sẽ là những con bot dự đoán con bot của đối thủ sẽ làm gì, triển khai trên nền tảng game theory.
Một số ngân hàng như Citigroup còn dùng big data trong cả một lĩnh vực được cho là bot không thể xâm nhập là tư vấn tài chính doanh nghiệp và làm deal, nơi mà những thông tin mềm (soft information) và khó số hóa chiếm ưu thế.
Với triển vọng như vậy, số việc làm trong lĩnh vực fintech mới mẻ này cũng bùng nổ và có thể nói là cầu vượt xa cung, và người có thể làm được việc vô cùng thiếu. Nhưng đồng thời sự xuất hiện của những con bot tự động hóa nhiều khâu cũng sẽ khiến nhiều công việc đơn giản trong lĩnh vực tài chính và kế toán biến mất.
Nói nôm na là khi người ta có thể tự động hóa một số khâu trong hoạt động kế toán, xuất hóa đơn, ghi nhận giao dịch, hoặc trong bán hàng, xử lý yêu cầu đơn giản của khách hàng bảo hiểm và ngân hàng, thì nhân sự tương ứng của các bộ phận sẽ không cần quá đông nữa.
Vì vậy, nhiều cơ hội đang mở ra với các bạn có kỹ năng làm digital. Và nhiều trường đại học, ví dụ như đại học Bristol ở Anh nơi mình đang làm việc, cũng mở ra nhiều chương trình tập trung đào tạo nhân lực cho mảng Fintech. Nhưng cũng như thị trường lao động, câu hỏi được đặt ra cho các chương trình mới này sẽ là nên lấy các bạn có hiểu biết về finance rồi đào tạo kỹ năng lập trình, hiểu biết cơ bản về dữ liệu hay ngược lại lấy những bạn đã lập trình tốt, hiểu biết về Data Mining, Data Analytics, Machine Learning, AI, rồi đào tạo kỹ năng finance.
Hai hướng đi sẽ rất là khác biệt, và do đó định hướng nghề nghiệp của 2 nhóm bạn sẽ rất khác nhau. Fin chuyển sang tech, hay tech chuyển sang fin. Doanh nghiệp và trường đại học nên nhắm vào hướng nào? Ưu và nhược điểm của từng nhóm như thế nào?
Và với các bạn đang tìm kiếm định hướng nghề nghiệp trước khi vào đại học, nên chọn fin hay chọn tech? Và với người đã được đào tạo một trong hai nhóm ngành, thì đâu là những cơ hội?
Trong webinar mình sẽ nói một chút kinh nghiệm của mình về vấn đề này trong vai trò là người đang tham gia xây dựng chương trình fintech cho một trường đại học ở Anh, cũng như trực tiếp tuyển các bạn vào học PhD làm các dự án fintech với mình, và tham gia cố vấn tuyển dụng và trực tiếp ngồi hội đồng tuyển dụng của một vài quỹ đầu tư cho vị trí fintech.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận