Nghệ An: Bất chấp dịch Covid-19, xuất khẩu hàng hoá tăng mạnh
Bước sang quý II, bất chấp nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, trong 5 tháng đầu năm hoạt động xuất, nhập khẩu ở Nghệ An vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao. Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp tham gia xuất nhập kh
Xuất khẩu bứt phá mạnh mẽ
Theo đánh giá của Sở Công Thương Nghệ An, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, trong tháng 5/2021 kim ngạch xuất khẩu đã đạt 114 triệu USD, tăng 69,2% so với cùng kỳ, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm lên 574,7 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 455 triệu USD, tăng 49,2%; tổng thu ngoại tệ từ dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động đạt 119,7 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An là các sản phẩm linh kiện điện tử, có sự tăng trưởng đột biến với 72,9 triệu USD, so với 344 nghìn USD cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực khác như: Dệt may, dăm gỗ, bột đá, hàng thuỷ sản, hạt phụ gia nhựa cũng tiếp tục đà tăng trưởng. Tiếp đến, mặt hàng như hoa quả chế biến và nước hoa quả 16,2 triệu, tăng 16,8%, xơ sợi dệt các loại đạt 6,5 triệu USD, tăng 46,7%, tăng trưởng khá so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu của Nghệ An trong tháng 5 dự ước đạt 34,6 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu 5 tháng lên 369,2 triệu USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đà tăng của một số hàng hoá, thì mặt hàng nông sản xuất khẩu có chiều hướng giảm mạnh như, hoa quả tươi giảm 88%, gạo giảm 43%... Ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý xuất, nhập khẩu, Sở Công Thương Nghệ An - chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu là do diễn biến dịch trên thế giới vẫn còn phức tạp ảnh hưởng đến nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và sự giao thương. Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hoa quả tươi bị ảnh hưởng do sự kiểm soát dịch Covid 19 tại các cửa khẩu ở Lào, Thái Lan và các cửa khẩu biên giới phía Bắc làm một số mặt hàng có kim ngạch lớn đã dừng hoàn toàn hoạt động xuất nhập khẩu, điển hình như Công ty Hợp Mạnh, Asean HM…
Còn đối với mặt hàng gạo, tuy kim ngạch giảm nhưng giá bán tăng so với cùng kỳ năm 2020. "Nguyên nhân của sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu là do thời điểm tháng 2 đúng vào dịp Tết Nguyên đán, cộng với thời điểm giáp hạt, vụ đông xuân chưa thu hoạch hết nên xuất khẩu gạo giảm về sản lượng, dẫn đến lượng xuất có giảm so với cùng kỳ...", ông Tuấn cho biết thêm.
Khó khăn vẫn còn ở phía trước
Sở Công Thương Nghệ An nhận định, trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế trong khu vực và các thị trường truyền thống. Cùng với đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi một cách đầy đủ và toàn diện hơn, thu hút dòng vốn FDI, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao…Trong đó, các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKFTA sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của các địa phương như Nghệ An thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết về tạo thuận lợi, giảm thiểu các rào cản.
Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Hoá - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, xuất khẩu hàng hóa Nghệ An thời gian tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn, khi diễn biến dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu của Nghệ An sang các thị trường là đối tác truyền thống trên thế giới.
Chia sẻ thêm về vấn đề này ông Hoàng Minh Tuấn cho biết thêm: "Khó khăn trực tiếp của các DN xuất khẩu là giá cước vận tải biển và vỏ container tăng quá cao. Về hạ tầng phục vụ xuất khẩu, logistics, dịch vụ logistics vận tải của các doanh nghiệp chưa thực sự thuận lợi và giảm được chi phí; cảng biển thường xuyên bị bồi lắng hạn chế luồng lạch để tàu container vào ăn hàng. Đơn cử như, giá cước vận tải biển Việt Nam - Mỹ từ 1.500 - 1.800 USD/container trước dịch, thời cao điểm tăng lên 8.000 - 9.000 USD/container, thời điểm hiện nay vẫn khoảng 6.000 USD/container. Chính những điều này đã làm cho cho doanh nghiệp xuất khẩu phải đội thêm nhiều chi phí...".
Một loạt khó khăn trước mắt được ông Tuấn chia sẻ, việc các chuyên gia nước ngoài không nhập cảnh được cũng gây chậm tiến độ sản xuất và thêm chi phí cho DN, khó khăn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu sản xuất, đặc biệt các ngành dệt may, da giày, linh kiện điện thoại... gây chậm tiến độ giao hàng, nguồn nguyên liệu nhập về không đủ số lượng theo kế hoạch dự kiến như đầu năm, khiến việc sản xuất phải giãn tiến độ hoặc cắt giảm. Về xúc tiến thương mại cũng bị hạn chế bởi tổ chức xúc tiến xuất khẩu tại các nước chưa thực hiện được do dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến việc hỗ trợ kết nối giao thương giữa DN trong nước và DN nước ngoài…
Dự ước kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 6/2021: Kim ngạch xuất khẩu dự ước đạt 115,6 triệu USD, tăng 19,9% so với tháng 6/2020, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm lên 690,3 triệu USD, tăng 41,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng dự ước đạt 537 triệu USD, tăng 55,1%; tổng thu ngoại tệ từ dịch vụ du lịch và xuất khẩu lao động đạt 153,3 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận