Ngày tết mạn đàm về kinh tế số
Kinh tế số là tương lai của Việt Nam, vì, thứ nhất, nó là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất. Nếu đi con đường cũ thì GDP Việt Nam cũng chỉ tăng 5%, 6% hay 7% thôi. Tất nhiên có nhiều ngành kinh tế tăng thấp hơn, có nhiều ngành kinh tế tăng trưởng cao hơn một chút. Còn ngành kinh tế số thì cả thế giới đều tăng trưởng cao.
Theo thống kê thì kinh tế số tăng trưởng khoảng 15%, 16%, 17% thậm chí 20% một năm. Với một lĩnh vực tăng trưởng cao hơn thì theo logic mỗi cá nhân và cả đất nước sẽ đặt cược vào lĩnh vực tăng trưởng cao đó.
Thứ hai hiệu suất hoặc giá trị gia tăng cao hơn. Ví dụ làm phần mềm như FPT Software hiện trung bình là 35.000 USD/người/năm. Trong khi GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt khoảng 3.500 USD, như vậy gấp hơn 10 lần. Giả sử chúng ta làm gia công, giày da, túi xách ước tính khoảng 5.000-6.000 USD, nếu làm điện tử thì 7.000 USD (cao gấp đôi GDP), còn lĩnh vực phần mềm là 35.000 USD, và thậm chí còn cao hơn nếu làm giỏi, làm tốt, vì có công ty đã lên tới 50.000 USD/người/năm. Chưa nói Sky Mavis (công ty sở hữu game nổi tiếng Axie Infinity), những công ty làm game online, tiền số làm tốt còn cao hơn thế nhiều. Như vậy hiệu suất của ngành kinh tế số cao hơn rất nhiều lần so với các ngành nghề khác.
Thứ ba nó không có biên giới. Ngồi ở Việt Nam có thể nhận hợp đồng từ Âu, Mỹ, Nhật Bản, tuyển nhân viên ở nước ngoài cũng được. Nhất là trong đại dịch Covid, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số vẫn chỉ đạo, điều hành online, tuyển dụng nhân viên, giao việc, nhận việc online, bán hàng khắp nơi trên thế giới, dễ dàng toàn cầu hóa qua Internet.
Ví như FPT, trước đây đối tác yêu cầu “phải bay”, phải gặp gỡ thì mới ra việc, nhưng giờ tất cả không bay được thì họ chấp nhận trao đổi online (họp hành, đàm phán hợp đồng, trình bày giải pháp). FPT vẫn bán hàng được, bán tốt. Như vậy là không biên giới, lại là thị trường toàn cầu lớn không giới hạn, nó quá lớn so với Việt Nam. Nếu Việt Nam là 350 tỷ USD (GDP) thì thế giới là trên 80.000 tỷ USD, nó lớn đến mức không có sức để làm nếu làm tốt.
Một điểm nữa, trong ngành này có nhiều lĩnh vực mà người Việt mình có tiềm năng. Cụ thể, người Việt có tố chất làm phần mềm, thứ hai giỏi toán. Ngày trước làm phần mềm đơn thuần không có toán mấy, nhưng giờ Blockchain, AI thì cần nhiều đến toán. Vừa phần mềm, vừa toán, thì là tố chất của người Việt.
Rồi ngày xưa làm dự án lớn, quy mô lớn, có tính hệ thống, quy củ thì người Việt không giỏi nhưng làm ở một team nhỏ thì người Việt lại giỏi. Làm Blockchain, AI, tiền số hay game online chỉ cần team nhỏ mấy chục người, không cần team lớn. Ở quy mô đấy người Việt lại giỏi. Quy mô nhỏ, làm phần mềm và giỏi toán, ba điều này cộng lại là tố chất của người Việt. Bởi thế mà người Việt làm game online, tiền số đều dẫn đầu Đông Nam Á.
Thêm một yếu tố nữa là đại dịch Covid toàn cầu buộc phải làm việc online, càng khẳng định kinh tế số có ưu thế. Trong đại dịch này công ty nào đã chuyển đổi số, dùng công nghệ số để quản trị và điều hành thì đều có kết quả tốt hơn những công ty chưa chuyển đổi số, không hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số.
Tóm lại, cộng tất cả các yếu tố như: tăng trưởng cao hơn, giá trị tăng cao hơn, thị trường toàn cầu lớn không giới hạn, không biên giới, không ảnh hưởng đại dịch, phù hợp với tố chất của người Việt, thì rõ ràng cơ hội để Việt Nam tăng trưởng về kinh tế số cao hơn, và kinh tế số sẽ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn trong nền kinh tế. Kinh tế số như vậy hiển nhiên phải là tương lai.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận