24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thúy An
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành sản xuất Mỹ lún sâu vào suy thoái

Theo dữ liệu mới công bố, hoạt động sản xuất của Mỹ suy giảm về mức thấp nhất trong một thập kỷ, một dấu hiệu cho thấy tổn thất kinh tế từ cuộc chiến thương mại, do Tổng thống Donald Trump phát động, vẫn dai dẳng dù Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký kết thỏa thuận giai đoạn một.

Hôm 3-1, Viện Cung ứng Quản lý (ISM), có trụ sở ở bang Arizona, cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 12-2019 rơi về mức 47,2 điểm, mức thấp nhất chưa từng thấy kể từ tháng 6-2009. Đây là tháng thứ năm liên tiếp chỉ số PMI ngành sản xuất Mỹ, do ISM khảo sát, suy giảm. Chỉ số này dưới ngưỡng 50 là biểu hiện suy giảm của ngành sản xuất.

Dữ liệu sản xuất yếu ớt được công bố giữa lúc có nhiều ý kiến lo ngại rằng động thái hòa hoãn thương mại mới đây của ông Trump với Trung Quốc chỉ có thể giúp giảm nhẹ một phần tổn thất kinh tế từ cuộc chiến tranh thương mại kéo dài.

Hôm 31-12, Tổng thống Trump thông báo Mỹ và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một tại Nhà Trắng vào ngày 15-1 tới và sau đó, hai bên sẽ bước vào đàm phán giai đoạn hai của thỏa thuận này.

Thỏa thuận mới đạt được sẽ giúp các nhà sản xuất và các doanh nghiệp khác ở Mỹ cảm thấy nhẹ nhõm phần nào vì trong thời gian qua, họ chịu áp lực nặng nề trước do cuộc chiến thuế Mỹ-Trung . Nhưng trong thỏa thuận này, Mỹ chỉ đồng ý giảm mức thuế 15% đối với 120 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc về mức 7,5% và sẽ giữ nguyên mức thuế 25% đối với 250 tỉ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc, chủ yếu là hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu vào.
Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất và doanh nghiệp khác ở Mỹ tiếp tục gánh mức chi phí thuế cao nếu nhập khẩu linh kiện và thiết bị từ Trung Quốc.

Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics, nhận định bất ổn thương mại chưa biến mất vì các mức thuế cao áp vào 2/3 hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu hàng năm vẫn được duy trì, hoạt động thương mại toàn cầu vẫn yếu ớt và đồng đô la Mỹ còn mạnh.

Ông nói: “Những cản lực này tiếp tục kìm hãm sản lượng ngành sản xuất Mỹ trong năm 2020”.

Tổng thống Donald Trump xem khôi phục ngành sản xuất của Mỹ là sứ mệnh kinh tế trọng tâm của ông. Ông đã phát động chiến tranh thương mại với nhiều đối tác trên toàn cầu để tìm cách sửa lại các thỏa thuận thương mại mà ông cho rằng đang đặt giới công nhân Mỹ vào tình thế bất lợi.

Trong hai năm qua, ông đã áp thuế với 360 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc cũng như áp thuế với các sản phẩm nhôm thép, máy giặt và tấm pin năng lượng mặt trời của nước ngoài.

Nhưng hoạt động sản xuất ở Mỹ vẫn trì trệ vì chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại, mức tăng trưởng yếu của nền kinh tế toàn cầu và đồng đô la mạnh (khiến hàng hóa Mỹ đắt hơn khi bán ra nước ngoài).

Kể từ cuối năm 2018, sản lượng nhà máy ở Mỹ bắt đầu giảm từ và số việc làm mới trong ngành sản xuất cũng ngừng tăng.

Sự sa sút trong hoạt động sản xuất của các nhà máy khiến tăng trưởng tổng thể của Mỹ chậm lại, rơi về mức 1,9% trong quí 3-2019. Tăng trưởng của Mỹ không suy giảm sâu chủ yếu là nhờ sức mua của người tiêu dùng Mỹ vẫn mạnh mẽ.

Ngành sản xuất Mỹ lún sâu vào suy thoái
Viện Cung ứng Quản lý (ISM) , có trụ sở ở bang Arizona, cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 12-2019 rơi về mức 47,2 điểm, mức thấp nhất chưa từng thấy kể từ tháng 6-2009. Ảnh: Market Watch

Các nhà kinh tế hy vọng ngành sản xuất Mỹ có thể phục hồi sau khi Mỹ đình chiến thương mại với Trung Quốc.
Nhưng kết quả khảo sát ý kiến của các nhà sản xuất của Mỹ do ISM thực hiện cho thấy đơn hàng xuất khẩu của Mỹ vẫn yếu ớt vào tháng trước. Các nhà sản xuất cũng cho biết họ không dám đẩy mạnh sản xuất do bất ổn thương mại.

Viết trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 1-3, Ian Shepherdson, nhà kinh tế trưởng ở Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics, nhận định: “Ngành sản xuất Mỹ sẽ tiếp tục suy thoái. Chiến tranh thương mại là lời giải thích duy nhất cho thực tế này”.

Ông cho biết dù đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc, Mỹ vẫn duy trì mức thuế 25% mà Mỹ đang áp vào hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu vào từ Trung Quốc. Ông nói có rất ít triển vọng hai nước đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện để giúp dỡ bỏ mức thuế này trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020.

Tổng thống Trump một mực cho rằng duy trì mức thuế 25% đó là cần thiết để bảo vệ ngành sản xuất Mỹ trước những thực hành thương mại bất công của Trung Quốc bao gồm chính sách cưỡng ép công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ và chính sách trợ cấp cho các công ty trong nước.

Song nhiều nhà kinh tế lập luận rằng lợi ích bảo hộ từ “cây gậy” thuế ít hơn nhiều so với tác động tiêu cực mà nó tạo ra. Chẳng hạn, các biện pháp áp thuế cao khiến các nhà sản xuất Mỹ phải tốn kém hơn khi mua hàng hóa nước ngoài, đẩy tăng chi phí sản xuất của họ, do vậy hàng hóa thành phẩm của Mỹ sẽ kém cạnh tranh hơn ở thị trường nước ngoài.

Theo một báo cáo nghiên cứu của hai nhà kinh tế Aaron Flaaen và Justin Pierce ở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố hôm 23-12, “cây gậy” thuế của ông Trump giúp bảo vệ phần nào các nhà sản xuất của Mỹ trước hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc, cho phép họ gia tăng thị phần ở Mỹ.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý hiệu ứng tích cực của thuế không đủ để bù đắp tác động tiêu cực của chiến tranh thương mại vì các công ty Mỹ phải trả giá cao hơn để mua linh kiện và thiết bị từ Trung Quốc đồng thời hàng hóa của Mỹ cũng bị Bắc Kinh áp thuế trả đũa.

Hai nhà kinh tế này kết luận: “Dù tác động trong dài hạn của các đòn thuế (áp vào hàng hóa Trung Quốc) có thể khác so với những gì chúng tôi thẩm định nhưng cho đến nay, chúng không giúp gia tăng sản lượng trong ngành sản xuất của Mỹ”.

Theo New York Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả