Ngành phân bón sẽ có một năm tăng trưởng âm do “tác động kép”?
Dự báo cả năm 2023, ngành phân bón sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do tác động kép từ việc giảm giá và không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp phân bón lỗ trở lại
Năm 2022, các doanh nghiệp phân bón ghi nhận thắng lớn do hưởng lợi về giá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay, giá phân bón đảo chiều. Giá Urê thế giới liên tục giảm mạnh. Thậm chí vào đầu tháng 4, giá Urê xuống mức 307,5 USD/tấn, mức thấp nhất trong 27 tháng kể từ đầu năm 2021. So với đỉnh hồi giữa tháng 4 năm ngoái, giá loại hàng hoá này đã giảm đến 70% và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nguyên nhân chủ yếu do các nhà sản xuất ở châu Âu mở rộng sản xuất nhờ giá nguyên, nhiên liệu đầu vào giảm khi nguồn khí đốt tự nhiên tăng lên và nhập khẩu LNG dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu cũng ảnh hưởng đến diễn biến giá các loại phân bón.
Quý I năm nay, nhiều đơn vị phân bón lớn trong nước ghi nhận mục tiêu lợi nhuận tụt dốc. Đơn cử như phân bón Bình Điền, lần đầu tiên kể từ 2008 đến nay, đơn vị này ghi nhận doanh thu âm, lỗ trong quý I/2023. Hai doanh nghiệp lớn là Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu, lợi nhuận giảm sâu so với quý I/2022. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế và hợp nhất của Công ty mẹ Phân bón Cà Mau giảm hơn 84%; lợi nhuận trước thuế của Phân bón Phú Mỹ cũng ước giảm đến 88% so với cùng kỳ năm trước. Quý I/2023, Đạm Hà Bắc cũng lỗ sau 6 quý lãi liên tiếp.
Cụ thể, trong quý I, doanh thu thuần của Đạm Hà Bắc đạt 1.185 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 29% khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh 93% về 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước ghi nhận tới 1.089 tỷ đồng lãi gộp.
Doanh thu tài chính cũng giảm mạnh 79% xuống còn 6 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 25% còn 153 tỷ đồng, trái lại chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên lần lượt 26 tỷ và 38 tỷ đồng.
Trừ các chi phí, Đạm Hà Bắc báo lỗ sau thuế 129 tỷ đồng trong khi quý 1/2022 lãi 868 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên sau 6 quý có lãi trở lại của doanh nghiệp này. Theo Đạm Hà Bắc, nguồn than khan hiếm và giá than thế giới vẫn ở mức cao, giá trong nước dự báo sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, giá Urê và NH3 thế giới đã giảm rất sâu so với giá bình quân năm 2022.
Mục tiêu kế hoạch cả năm 2023 cũng được các đơn vị đề ra thấp hơn. Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (Đạm Phú Mỹ) đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.670 tỷ. So với kết quả đột biến năm 2022, kế hoạch kinh doanh năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm 13% về doanh thu và giảm 60% về lợi nhuận.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau) cũng lên kế hoạch cho năm 2023 với các chỉ tiêu kinh doanh sụt giảm mạnh. Theo đó, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu doanh thu đạt 13.459 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.461 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 68% so với thực hiện năm trước.
CTCP Phân bón Bình Điền đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 7.476 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 220 tỷ đồng, lần lượt giảm 14,3% và 6% so với cùng kỳ.
Tương tự, Đạm Hà Bắc đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Công ty lên kế hoạch thận trọng với mục tiêu tổng doanh thu đạt 6.129 tỷ đồng, giảm 4% và lợi nhuận trước thuế 683 tỷ đồng, giảm đến 61% so với kết quả đạt được của năm 2022.
Con số mới nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho thấy: riêng với nhóm ngành phân bón, trong quý I, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 6.587 tỷ đồng, bằng 70% so với cùng kỳ năm 2022; Doanh thu đạt 6.762 tỷ đồng, bằng 65% so với cùng kỳ năm 2022; Tổng sản lượng các đơn vị đã sản xuất trong quý I năm 2023 đạt 680 nghìn tấn phân bón các loại; bằng 83% so với cùng kỳ năm 2022; đạt 22% kế hoạch cả năm 2023. Xuất khẩu phân bón đạt 51,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2022, giá trị xuất khẩu tăng 29%.
Ngành phân bón sẽ có một năm tăng trưởng âm do “tác động kép”?
Dự báo về thị trường phân bón 2023, chứng khoán BSC nhận định các doanh nghiệp phân bón sẽ đối mặt với áp lực tăng trưởng âm do nền so sánh cao trong năm 2022. Giá Urê năm 2023 sẽ chịu áp lực giảm do nguồn cung tăng đến từ việc Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu và nhu cầu nhập khẩu Urê từ Ấn Độ giảm do quốc gia này tăng cường sản xuất Urê nội địa. Sau cùng, biên lợi nhuận các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có thể sẽ thu hẹp so với mức nền cao của 2022.
SSI Research cũng đánh giá không khả quan đối với ngành phân bón trong năm nay. Vì giá phân bón phụ thuộc nhiều vào giá dầu, trong khi hiện giá dầu có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, việc Nga, Trung Quốc nới lỏng xuất khẩu Urê toàn cầu sẽ giảm áp lực về nguồn cung, việc giá phân bón giảm sẽ có thể tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Ngoài những khó khăn khách quan của thị trường thì doanh nghiệp phân bón trong nước đang còn gánh chịu những khó khăn, bất lợi khác đến từ chính sách Thuế giá trị gia tăng phân bón trong Luật Thuế 71.
Luật Thuế 71 quy định phân bón là đối tượng không chịu thuế VAT khiến không chỉ doanh nghiệp phân bón chịu thiệt vì toàn bộ thuế giá trị gia tăng đầu vào không được khấu trừ hàng năm mà nông nghiệp, người nông dân cũng bị ảnh hưởng do phải mua phân bón với giá thành cao hơn 5-8% do doanh nghiệp phải hạch toán một phần thuế không được khấu trừ vào chi phí sản xuất.
Ước tính, với quy mô ngành công nghiệp phân bón trên 100.000 tỉ đồng mỗi năm, với số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ ở mức 5%, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phân bón phải gánh chịu 3.000-4.000 tỉ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu xem xét đến lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong trung bình nhiều năm qua.
Nghiêm trọng hơn là chính sách thuế hiện nay khiến phân bón Việt thua ngay trên sân nhà vì không có lợi thế cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại vào Việt Nam, nhất là Urê đã tăng khoảng 3 lần và con số này liên tục tăng trong những năm qua.
Có thể thấy trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phân bón trong nước đang phải chịu “tác động kép” khi vừa nỗ lực vượt qua những bất lợi của thị trường vừa phải gánh chịu thiệt và cả những hệ luỵ từ các chính sách thuế không phù hợp.
Tiến sĩ Phùng Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, mục tiêu lâu dài và mang tính chiến lược để tháo gỡ khó khăn cho ngành phân bón, cũng như hài hòa lợi ích với người nông dân, những sửa đổi quy định của Luật Thuế 71, đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mong muốn tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Và cũng từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho nông nghiệp, cho người nông dân. Việc này đã được Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận