Ngành logistics Việt Nam cần khoảng 2 triệu lao động
Từ nay tới năm 2030, mỗi năm cả nước cần khoảng 20.000 lao động chất lượng cao ngành logistics. Tới 2030, ngành logistics sẽ cần khoảng 2 triệu lao động.
Cần khoảng 20.000 lao động chất lượng cao
Ngày 22/4, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Toạ đàm: Logistics và nhu cầu nhân lực tại Việt Nam trong môi trường kinh doanh số.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Vũ Tuấn Lâm, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, Việt Nam hiện được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho sự phát triển của ngành logistics.
Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngành logistics phát triển giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, giảm chi phí lưu thông và phân phối hàng hóa, mở rộng thị trường kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài; đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ngoại thương và đầu tư ra nước ngoài.
Từ nay tới năm 2030, mỗi năm cả nước cần khoảng 20.000 lao động chất lượng cao ngành logistics. Tới 2030, cả nước cần khoảng 2 triệu lao động ngành logistics. Trước nhu cầu nhân lực của ngành logistics Việt Nam, các chương trình đào tạo về logistics đang có xu hướng phát triển nhanh trong những năm gần đây.
TS. Vũ Tuấn Lâm dẫn chứng, theo số liệu thống kê tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2022, nước ta hiện có gần 50 trường đại học có đào tạo ngành logistics ở các mức độ khác nhau. Tại một số trường, điểm chuẩn của ngành logistics thường ở mức cao như ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, trường Đại học Thương mại…
Điều này phản ánh nhu cầu của xã hội nói chung, nhu cầu của các doanh nghiệp nói riêng về cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực logistics. Nhu cầu thực tiễn của xã hội, của thị trường lao động và doanh nghiệp chính là động lực thúc đẩy các cơ sở đào tạo phát triển chuyên ngành hoặc ngành đào tạo logistics.
Trong xu hướng chung đó, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành Logistics cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh. “Học viện chúng tôi xác định, để quá trình đào tạo nhân lực logistics đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, việc tăng cường hợp tác, kết nối Học viện với VALOMA và với các doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết” - TS. Vũ Tuấn Lâm nhấn mạnh.
Hoạt động đào tạo trong lĩnh vực logistics sẽ theo hướng tăng cường kỹ năng, kiến thức thực tiễn cho người học để có khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh đầy biến động. Các em sinh viên cần phải xác định định hướng nghề nghiệp dài hạn, đam mê với công việc và có sự chuẩn bị từ trước. Cùng với đó, nhà trường cần phải đảm bảo giảng dạy đạt chuẩn đầu ra để sinh viên không phải lo lắng trước nhu cầu thị trường và sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
Phân tích về cơ hội đối với ngành logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho hay, trong ngành logistics, có thể nói đến 3 yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”.
Về “thiên thời”, theo ông Trần Thanh Hải, bối cảnh hiện nay về phát triển kinh tế, nhất là từ khi thực hiện chính sách mở cửa năm 1986, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do và tăng trưởng sản xuất rất nhanh.
Dẫn chứng số liệu xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải nêu, năm 2022, Việt Nam đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732 tỷ USD, nổi lên là một trong 20 quốc gia có tổng kim ngạch trao đổi thương mại quốc tế lớn. Điều đó tạo ra thuận lợi cho ngành logistics, bởi logistics bản chất là sự lưu thông của hàng hóa, nếu không có hàng hóa chúng ta rất khó có logistics.
Về “địa lợi”, ông Trần Thanh Hải cho rằng, Việt Nam đang nằm ở vị trí thuận lợi cho việc phát triển logistics. Khu vực Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đến khu vực Đông Nam Á, Australia, New Zealand đang là động lực phát triển kinh tế của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển đường biển, đường hàng không so với các quốc gia khác.
Còn về “nhân hòa” - con người, ông Trần Thanh Hải bày tỏ, với các thể chế, chính sách trong thời gian qua, các cơ quan, ban ngành đã cố gắng tạo ra hỗ trợ cho ngành logistics Việt Nam phát triển. Ngoài việc tạo ra nguồn hàng, ký kết các hiệp định FTA, mở cửa thị trường, để giúp hàng hóa của nước ta ra thế giới nhiều hơn, chúng ta còn tạo ra các chính sách, quyết định, kế hoạch hành động thúc đẩy cho ngành logitiscs, đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng hạ tầng logistics. Đây là những việc chúng ta đang cố gắng tạo nên động lực về mặt con người cho ngành logistics phát triển hơn, nhất là vấn đề đào tạo nhân lực.
Tại buổi toạ đàm, các bạn sinh viên đã đặt nhiều câu hỏi đầy tính thực tế cho các vị diễn giả. Đối với câu hỏi của sinh viên về sức ảnh hưởng của việc bùng phát lại Covid-19 đối với thực trạng ngành logistics trong tương lai, ông Nguyễn Khánh Thành - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần ALP Logistics cho rằng, Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với Covid-19, vì vậy việc đại dịch có thể quay trở lại trong thời gian tới không gây ra ảnh hưởng quá nhiều đối với nền kinh tế nói chung và ngành logistics nói riêng.
Đối với câu hỏi băn khoăn về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với việc làm trong ngành logistics, ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Sea Logistics Partners (SLP VN) chia sẻ, con người vẫn đóng vai trò chủ chốt, hiểu được dịch vụ, văn hoá doanh nghiệp để truyền tải đến khách hàng.
Tuy nhiên, bà Phạm Lan Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội logistics Hà Nội, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực logistics tích hợp cho biết, về năng lực chung, 100% các vị trí đều cần được doanh nghiệp đào tạo lại, tuy nhiên, mức độ thích ứng sau đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng kiến thức và kỹ năng của các bạn sinh viên.
PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó chủ tịch VALOMA thông tin, một khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam vào năm 2021 cho thấy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đánh giá rất cao về ý thức trách nhiệm xã hội của nhân sự logistics nhưng điểm hạn chế là kỹ năng sáng tạo cũng như kỹ năng chuyển đổi số của nhân lực logsistics.
Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2021 do Bộ Công Thương thực hiện và công bố cũng đưa ra khảo sát, đánh giá về các cơ sở đào tạo, chất lượng nhân lực logistics về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm… đối với nhân sự logistics.
Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành đánh giá cao chất lượng đào tạo nhân lực logistics ở bậc trung cấp và cao đẳng hơn so với các trường đại học. “Điều này có thể hiểu bởi ở cơ sở đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng, các bạn sinh viên được giảng dạy theo mô hình đào tạo nghề, cầm tay chỉ việc” - PGS. TS. Trịnh Thị Thu Hương nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận