Ngành logistics: Phục hồi sau cú sốc Covid-19?
Dù còn không ít khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, song những tín hiệu tích cực của kinh tế thế giới cũng như cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã khiến nhiều chuyên gia tin tưởng về sự phục hồi của ngành logistics.
Ông Lưu Quang Phục - Giám đốc chi nhánh Bắc Ninh, Công ty TNHH quốc tế Delta - cho biết: Đơn vị đang duy trì hoạt động đội xe tải khoảng 30 chiếc trọng tải trên 10 tấn/xe và khoảng 20 xe đầu kéo container. Trong gần 3 tháng đầu năm 2021, bình quân mỗi ngày, đơn vị thực hiện vận chuyển khoảng 150 chuyến hàng xuất nhập khẩu và hàng hóa khác. Đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương, xe hàng của công ty phải đi vòng từ Bắc Ninh về Hưng Yên mới ra được Hải Phòng và ngược lại, phát sinh tăng chi phí bất thường khoảng 1,6 triệu đồng/chuyến xe hàng container, 800.000 đồng/chuyến hàng xe tải, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.
Mặc dù vậy, ông Trần Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta - vẫn lạc quan về cơ hội phát triển năm 2021. Lý do, triển vọng của nền kinh đang khả quan hơn năm 2020, GDP tiếp tục tăng trưởng dương, cán cân thương mại giữa Việt Nam với thế giới tiếp tục thặng dư... Đây là nền tảng cơ bản cho thấy, sản xuất, kinh doanh, thương mại đang hồi phục, DN logistics có thể tận dụng cơ hội để tăng tốc sau thời gian suy giảm do tác động của dịch Covid-19. Theo ông Trần Đức Nghĩa, điểm mấu chốt có thể giúp cho ngành logistics hồi phục tăng trưởng thời điểm hiện nay và cả năm 2021, đó là khả năng kiểm soát dịch bệnh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đại diện Hiệp hội DN Logistics Việt Nam (VLA), cho biết, hiện tại, các DN logistics Việt Nam đang cung cấp khoảng 17 dịch vụ khác nhau tập trung vào các loại hình kinh doanh giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan... Tốc độ phát triển chung ngành logistics Việt Nam những năm gần đây bình quân tăng trưởng 14 - 16%/năm, với quy mô giá trị đạt khoảng trên 40 tỷ USD/năm. Trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp logistics Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, khai thác khá hiệu quả phương thức vận hành e-logistics (hậu cần trực tuyến).
Ông Lê Duy Hiệp - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Transimex - nhận định, dù dịch bệnh còn phức tạp, Chính phủ vẫn quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao (GDP tăng 6% năm 2021). Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có hiệu lực đã và sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây là những yếu tố có thể giúp ngành logistics Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như khi chưa có đại dịch Covid-19.
Trong 3 quý còn lại của năm 2021, dự báo, ngành logistics vẫn sẽ gặp một số khó khăn do tác động bởi dịch Covid-19, vận tải đường biển thiếu hụt container rỗng phục vụ xuất khẩu (do ảnh hưởng giãn cách xã hội toàn cầu), giá cước vận tải có xu hướng tăng... Để vượt qua khó khăn, VLA cho rằng, DN logistics Việt Nam cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số... Nếu làm tốt điều này, DN logistics sẽ có cơ hội tăng tốc phát triển trong 6 tháng cuối năm.
Các chuyên gia phân tích thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, triển vọng ngành logistics Việt Nam năm 2021 tích cực nhờ phục hồi toàn cầu và tín hiệu khả quan hồi phục kinh tế trong nước. Dự báo, doanh thu ngành logistics năm 2021 sẽ tăng trưởng khoảng 10% (năm 2020, nhiều DN suy giảm 20 - 30% doanh thu), lợi nhuận tăng ở mức dưới 10%. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận