Ngành điện tử châu Á lội ngược dòng suy thoái kinh tế
Dữ liệu thương mại toàn cầu trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 nhìn chung rất ảm đạm. Nhưng nếu nhìn cận cảnh, ngành điện tử, một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của châu Á, lại có gam màu tươi sáng hơn.
Tại Hàn Quốc, xuất khẩu bán dẫn tăng 6,5% lên mức 8,2 tỉ đô la Mỹ trong tháng 5 và nhập khẩu thiết bị được sử dụng trong sản xuất bán dẫn tăng vọt 168%, theo số liệu của Bộ Thương mại nước này. Xuất khẩu linh kiện điện tử của Đài Loan, bao gồm các sản phẩm chip tăng 13,2% trong tháng 5 lên mức 10,2 tỉ đô la Mỹ, ngay cả khi tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế này giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thiết bị y tế và hàng điện tử công nghệ cao của Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 4 và tháng 5.
Cầm cự tốt trong khủng hoảng
Ngành công nghiệp điện tử cầm cự khá tốt giữa cuộc khủng hoảng Covid-19 khi các công ty chạy đua áp dụng các công nghệ mới, bao gồm các công cụ tự động hóa và thiết bị 5G, để hỗ trợ nhân viên làm việc từ xa. Tính bền vững của cú lội ngược dòng này sẽ phụ thuộc vào việc người tiêu dùng có quay trở lại mua sắm hàng điện tử mạnh hay không và các yếu tố khác như căng thẳng Mỹ-Trung có cản trở nguồn cung cầu sản phẩm hay không.
“Ngành công nghệ dường như tách rời phần nào đó với nền kinh tế tổng thể. Ngành này vẫn tăng trưởng tốt và tương đối miễn nhiễm tương đối với đại dịch Covid-19”, Mark Liu, Chủ tịch Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nói tại đại hội cổ đông của TSMC hôm 9-6.
Ông Liu cho biết TSMC, nhà cung cấp chip chính cho Apple và Huawei, vẫn lên kế hoạch chi tiêu đến 16 tỉ đô la cho phát triển công nghệ và nâng cao công suất trong năm nay và dự kiến đạt mức tăng trưởng doanh thu từ 5 đến 18-19%. Ông nói đại dịch Covid-19 đã giúp thúc đẩy các công nghệ mới nổi liên quan đến làm việc và học hành từ xa trong giai đoạn giãn cách xã hội. Tính đến cuối tuần trước, cổ phiếu TSMC đã tăng 27% từ điểm giá thấp nhất trong năm nay vào ngày 19-3.
Trinh Nguyen, nhà kinh tế cấp cao của chi nhánh ngân hàng Natixis (Pháp) ở Hồng Kông, cho biết một điểm sáng giữa rừng số liệu xuất khẩu ảm đạm từ khu vực châu Á là các sản phẩm bán dẫn. Bà nói: “Điều này phản ánh chu kỳ tăng trưởng của sản phẩm cũng như cho thấy rằng tình trạng phong tỏa đi lại trên toàn cầu ủng hộ xu hướng số hóa các hoạt động kinh tế, thúc đẩy nhu cầu các mặt hàng điện tử như chip bán dẫn”.
Đối với các nền kinh tế như Hàn Quốc và Đài Loan, vốn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu công nghệ, “sự cải thiện về nhu cầu hàng điện tử là một trụ đỡ cho nền kinh tế giữa khủng hoảng Covid-19”, theo nhận định của Lloyd Chan, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Oxford Economics. Tuy nhiên, ông nhận định sự trỗi dậy của hàng công nghệ không thể bù đắp cho nhu cầu suy giảm mạnh ở những mặt hàng xuất khẩu phi điện tử. Ông cũng cho rằng nhu cầu máy tính cá nhân tăng vọt chỉ mang tính ngắn hạn khi nhu cầu làm việc từ xa tăng lên đột ngột trong thời kỳ dịch bệnh.
Kiểm soát tốt Covid-19 tạo lợi thế phục hồi
Một số nền kinh tế châu Á phụ thuộc nhiều nhất vào ngành công nghệ và điện tử như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore đã khống chế dịch Covid-19 tương đối thành công. Đài Loan chỉ ghi nhận 7 ca tử vong vì Covid-19, trong khi đó, Hàn Quốc đã làm phẳng đường cong lây nhiễm khá sớm. Singapore cũng có tỷ lệ tử vong do dịch bệnh này thuộc hàng thấp nhất thế giới dù số ca nhiễm khá cao. Nước này có gần 41.000 ca nhiểm nhưng chỉ có 26 ca tử vong.
Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 tạo động lực cho các nỗ lực tái khởi động cỗ máy tăng trưởng từ ngành hàng công nghệ và điện tử ở châu Á.
Zhao Defa, nhà kinh tế ở Công ty nghiên cứu thị trường tài chính và kinh tế vĩ mô Continuum Economics, nói: “Chúng ta chứng kiến nhiều nước cam kết cải cách kinh tế và nhấn mạnh sự cấp thiết trong nỗ lực thúc đẩy công nghệ mạnh mẽ hơn để dẫn dắt đà hồi phục kinh tế. Là những nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất thế giới, Hàn Quốc và Đài Loan chắc chắn được hưởng lợi”. Một phần của cơn bùng nổ ở ngành điện tử xuất phát cuộc khủng hoảng sức khỏe khi toàn thế giới cuồng cuồng mua sắm thiết bị y tế, công cụ hội nghị trực tuyến và các công nghệ khác để phục vụ nhu cầu làm việc và học hành từ xa tại nhà.
Dù vậy, nhu cầu hàng điện tử tiêu dùng trên toàn cầu vẫn trì trệ. Xuất khẩu các sản phẩm máy tính của Hàn Quốc tăng 83% trong tháng 5, tháng tăng trưởng thứ tám liên tiếp nhưng doanh số xuất khẩu smartphone của nước này giảm 22% và doanh số xuất khẩu hàng điện tử gia dụng giảm 37%. Tính chung toàn cầu, doanh số xuất khẩu smartphone sẽ suy giảm 11,9% trong năm nay, mức suy giảm hàng năm lớn nhất trong lịch sử, theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IDC.
Dù sự cải thiện về nhu cầu trí tuệ nhân tạo và điện toán hiệu năng cao, tốc độ 5G sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng điện tử của Đài Loan, các tác động của dịch Covid-19 và căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung có thể kìm hãm sự tiến triển đó, theo nhận định của Beatrice Tsai, người đứng đầu văn phòng thống kê thuộc Cơ quan Tài chính Đài Loan hôm 8-6
Rajiv Biswas, nhà kinh tế phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của hãng nghiên cứu thị trường at IHS Markit, nhận định đà hồi phục kinh tế trong nửa cuối năm nay của Mỹ và châu Âu cũng như các đơn hàng tăng lên trong mùa
Giáng sinh cuối năm có thể thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa công nghệ và điện tử từ châu Á. Các chính phủ ở châu Á đang nỗ lực tập trung vào tầm nhìn dài hạn để tận dụng lợi thế tương đối của ngành công nghệ trong đại dịch bằng cách cung cấp sự hỗ trợ đặc biệt cho các công nghệ mới và các công ty sản xuất hàng điện tử.
Chẳng hạn hồi tháng trước, Singapore đã cam kết chi 360 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nỗ lực chuyển đổi số hóa của họ, bao gồm áp dụng thanh toán điện tử ở 500 gian hàng ăn uống ở 44 khu ẩm thực đường phố. Singapore cũng đang chi 3,5 tỉ đô la Singapore cho các dự án công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để giảm nhẹ tác động của đại dịch Covid-19. Các dự này này sẽ phát triển các công cụ công nghệ mới để ứng phố Covid-19, phát triển các dịch vụ số hóa phục vụ doanh nghiệp và người dân, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng (ICT) của chính phủ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận