24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thành Chung
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngành công nghiệp ô tô: Sẽ “cất cánh” nếu tiếp tục được hỗ trợ

Cần những lực đẩy mạnh mẽ hơn nữa từ chính sách và quản lý Nhà nước để lĩnh vực này phát triển.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn đang phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Đó là nội dung chính được trao đổi tại tọa đàm “Chính sách thuế và vai trò Hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam” do Báo Hải quan kết hợp với Hiệp hội doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tổ chức.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhận định: Trong những năm qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Cụ thể, trước bối cảnh thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ATIGA đối với mặt hàng ô tô giảm xuống 0% từ ngày 1/1/2018, để phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017/NĐ-CP, bổ sung Điều 7a quy định về thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế.

Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, sau quá trình thực hiện, cho đến nay đã có 13 doanh nghiệp tham gia chương trình sản xuất lắp ráp đủ điều kiện để hưởng ưu đãi. Số thuế mà các doanh nghiệp đã được hoàn từ ngày 16/11/2017 đến hết năm 2019 là 9.500 tỷ đồng.

Đồng thời, trong năm 2020, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa sổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Nghị định này đã tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện từ Nghị định 125/2017/NĐ-CP đồng thời có những điều chỉnh cho phù hợp. Cụ thể, đã mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, thông qua việc điều chỉnh yêu cầu về sản lượng chung và sản lượng riêng.

Ngoài ra, Nghị định 57/2020/NĐ-CP cũng bổ sung quy định các nguyên liệu tồn của kì trước cũng được hưởng ưu đãi hoàn thuế vào kì sau, áp dụng từ kì 1/1/2020. Chính nhờ những thay đổi này, từ đầu năm 2020 đến nay, số thuế hoàn cho doanh nghiệp là hơn 2.800 tỷ đồng, tăng so với kì trước, chứng tỏ được hiệu quả của chính sách.

Dù có nhiều hỗ trợ tích cực từ phía chính sách nhưng thực tế cho thấy ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dẫn chứng, so sánh với ngành công nghiệp ô tô của một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillipines… có thể nhận thấy ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ. Ở thị trường xe dưới 9 chỗ, số liệu thống kê năm 2018 cho thấy nếu Thái Lan tiêu thụ khoảng 1 triệu xe/năm, Indonesia tiêu thụ khoảng 1 triệu xe/năm, Malaysia là 593 nghìn xe/năm thì Việt Nam chỉ tiêu thụ khoảng 254 nghìn xe/năm. Về quy mô sản lượng sản xuất, Thái Lan sản xuất khoảng hơn 2 triệu xe/năm thì Việt Nam chỉ sản xuất được 184 nghìn xe/năm. Về số lượng nhà cung ứng linh kiện, Thái Lan có hơn 2 nghìn nhà cung ứng trong khi Việt Nam chỉ có 276 nhà cung ứng.

Mặc dù Việt Nam là nước có lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, chi phí thấp, ngoài ra còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển so với linh kiện nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, hai lợi thế này chỉ giúp chúng ta trong khâu sản xuất linh kiện cồng kềnh. Thực tế ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như quy mô thị trường nhỏ; thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu như thép, nhựa; trình độ kĩ thuật sản xuất thấp và thiếu kinh nghiệm do phát triển ngành này chậm 30 năm so với các nước.

Nhận định về tiềm năng sắp tới của ngành công nghiệp ô tô, theo bà Nguyễn Thu Trang, Phó trưởng phòng Chính sách thuế xuất nhập khẩu, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, thị trường ô tô nói chung và đặc biệt là phân khúc xe du lịch nói riêng đang có những sự tăng trưởng vượt bậc tương ứng với giai đoạn ô tô hóa đang cận kề khi GDP bình quân đầu người tăng nhanh và nhu cầu sở hữu, chuyển đổi từ xe máy sang ô tô ngày càng lớn. Dự báo đến năm 2025, thị trường sẽ nhanh chóng tiệm cận với con số 1 triệu xe bán ra/năm. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển công nghiệp phụ trợ và ngược lại, nếu không tận dụng tốt cơ hội này thì công nghiệp hỗ trợ ô tô của Việt Nam sẽ tiếp tục đi sau các nước trong khu vực và chỉ dừng lại ở lắp ráp hoặc sản xuất với quy mô nhỏ lẻ.

Để có thể thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ ô tô và ngành công nghiệp ô tô phát triển, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách VAMA nhận định: Muốn phát triển thì cần khắc phục những điểm yếu về quy mô thị trường nhỏ, thiếu ngành công nghiệp nguyên vật liệu. Đồng thời nâng cao trình độ kĩ thuật sản xuất và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nước.

Để làm được điều này, theo ông Hiếu, cần nhiều lực đẩy hơn nữa từ nhà nước để ngành công nghiệp ô tô Việt Nam theo kịp các nước, rút ngắn quá trình cạnh tranh chi phí, thông qua việc hỗ trợ về thuế suất để giảm chi phí khấu hao. “Số thuế đã được hoàn cho các doanh nghiệp là tương đối lớn, tuy nhiên vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách từ 10-20% chênh lệch về chi phí với xe nhập khẩu, vì vậy cần sự nỗ lực của Chính phủ trong việc rút khoảng cách này. Tin rằng thời gian tới đây, ngành công nghiệp ô tô có thể xây dựng nền tảng và cất cánh nếu có chính sách hỗ trợ”, ông Hiếu cho biết thêm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả