Ngành bán lẻ: Dù sóng cả không ngã tay chèo
Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và giao hàng.
Năm 2019 là năm có nhiều dấu ấn của thị trường bán lẻ Việt Nam với sự gia tăng mạnh mẽ cả về tổng lượng bán lẻ, số lượng và quy mô của các chủ thể gia nhập thị trường bán lẻ, đặc biệt là sự phát triển của các trung tâm thương mại, siêu thị cỡ vừa và nhỏ, cửa hàng tiện lợi, đạt mức tăng trưởng 21,5% so với năm 2018.
Bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã và đang tác động đến hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế Việt Nam, bán lẻ là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất trên cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực.
Trong quý II năm 2020 do lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ khiến hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trong ngành bán lẻ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, tính chung 8 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm nhẹ 0,02%, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5%, trong khi cùng kỳ năm 2019 tăng 9,5%.
Mặc dù doanh thu mua sắm trực tiếp giảm, nhưng ngành bán lẻ Việt Nam vẫn ghi nhận những dấu hiệu tích cực từ thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến và giao hàng.
Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cho thấy: 41,7% doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19; 50,0% doanh nghiệp đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và 8,3% doanh nghiệp bị tác động ít, không đáng kể.
Theo nhận định của một số các chủ doanh nghiệp bán lẻ, sức mua và doanh số sụt giảm; sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng; thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh và đứt gãy chuỗi cung ứng là bốn khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ phải đối mặt dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Khảo sát của Vietnam Report chỉ ra, về mặt dài hạn, trong ít nhất 3 năm tới, bán lẻ vẫn luôn được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng phát triển với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao nhờ kinh tế phát triển ổn định, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, cùng xu hướng mua sắm, tiêu dùng mới.
Đặc biệt khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, được đánh giá sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của EU tiếp cận thị trường Việt Nam được thuận lợi hơn. Hiệp định EVFTA góp phần tạo sức hút cho các doanh nghiệp lớn của EU đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ của Việt Nam, dẫn đến cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này vốn đã gay gắt nay lại trở lên khốc liệt hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ cũng gặp nhiều thách thức khi phải liên tục thích ứng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và nhiều mô hình bán lẻ.
Một số đơn vị đầu ngành đã nhanh chóng nắm bắt hành vi người tiêu dùng, khai thác sâu các kênh trực tuyến, các app bán hàng, tận dụng các kênh giao hàng và thúc đẩy tích hợp đa kênh. Nhờ sự chuyển đổi kịp thời đã giúp cho nhiều doanh nghiệp bán lẻ tăng trưởng doanh số qua kênh online, đặc biệt ở thị trường Hà Nội và TP. HCM.
Tới đây, các nhà bán lẻ cần chủ động tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán dựa trên ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt là việc chủ động tiếp cận nhu cầu của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán ứng dụng nhằm tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng và phù hợp với xu thế thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam được cho là sẽ chứng kiến thêm nhiều các vụ mua bán, sáp nhập (M&A), dòng vốn được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp trong nước, với các thương vụ nổi bật như Saigon Co.op tiếp nhận 18 siêu thị Auchan, Vingroup chuyển quyền vận hành toàn bộ mảng bán lẻ tại Vincommerce cho Tập đoàn Masan.
Hoạt động M&A giúp các bên tham gia đều có lợi, trong đó các doanh nghiệp nước ngoài sẽ nhanh chóng sở hữu thị phần, chuỗi cung ứng bán lẻ và lượng khách hàng hiện có của các doanh nghiệp trong nước. Điều này hứa hẹn M&A trong lĩnh vực bán lẻ sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới.
Các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về tài chính, hệ thống và kinh nghiệm thương trường dễ giành được thị phần thông qua các thương vụ M&A, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công tại thị trường Việt Nam, điển hình như trường hợp của Tập đoàn bán lẻ Auchan rút lui khỏi thị trường Việt Nam năm 2019 do những hạn chế về sự am hiểu văn hóa người tiêu dùng, tiếp cận nguồn hàng, mạng lưới chi nhánh...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận