menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Chín

Ngân sách Trung ương cần 36.000 - 40.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch

Thời gian tới, nguồn huy động từ xã hội giảm dần, do đó ngân sách nhà nước vẫn sẽ là nguồn lực chính chi cho phòng, chống dịch COVID-19.

Trong bối cảnh tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường và có xu hướng kéo dài, nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương chi cho phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới được ước tính phải cần khoảng 36.000 - 40.000 tỷ đồng.

Đây là ước tính của cơ quan được giao thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ngày 18/10/2021 thì kinh phí ngân sách nhà nước và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 đã dành 30.489 tỷ đồng, trong đó cho các Bộ, cơ quan Trung ương là 25.335 tỷ đồng. Riêng Bộ Y tế 21.188 tỷ đồng, trong đó đã chi 14.673 tỷ đồng cho mua, vận chuyển, bảo quản vắc xin, thiết bị, vật tư tiêm chủng và kinh phí hoạt động của các bệnh viện, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bộ Y tế; kinh phí còn lại, đang tiếp tục triển khai để mua vắc xin, chi cho các hoạt động điều trị và các hoạt động phòng, chống dịch.

Bộ Công an 1.440 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng 2.707 tỷ đồng); hỗ trợ các địa phương là 5.154 tỷ đồng (hỗ trợ chế độ đặc thù cho 32 địa phương là 1.884 tỷ đồng , hỗ trợ đặc thù riêng cho một số địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và lan rộng: Hải Dương 270 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh 2.000 tỷ đồng, Đồng Nai 500 tỷ đồng, Bình Dương 500 tỷ đồng).

Các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước đã có đóng góp lớn bằng tiền và hiện vật với tổng giá trị ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch: 1.774 máy thở chức năng cao; 3.700 máy thở sản xuất trong nước, 2.150 hệ thống ô xy dòng cao (HFNC); hơn 30 triệu sinh phẩm kháng nguyên nhanh và RT-PCR; hơn 200 triệu bơm kim tiêm; 15 triệu viên thuốc và hàng nghìn túi thuốc F0; 146 xe ô tô xét nghiệm, tiêm chủng lưu động; hỗ trợ việc thiết lập và vận hành các bệnh viện dã chiến và hỗ trợ cho nhiều hoạt động phòng, chống dịch khác tại các địa phương.

Về đảm bảo, huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch theo nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vắc xin phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Chính phủ cũng đã trình ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn cắt giảm tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 là 14,62 nghìn tỷ đồng đế bổ sung dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nghị quyết về nội dung này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

Theo nhận định của cơ quan thẩm tra thì thời gian tới, nguồn huy động từ xã hội giảm dần, do đó, ngân sách nhà nước vẫn sẽ là nguồn lực chính chi cho phòng, chống dịch COVID-19, trong khi tổng số nguồn lực Trung ương hiện còn thấp.

Tại báo cáo, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội tiếp tục ban hành chính sách về đầu tư nguồn lực, phân bổ ngân sách, tăng chi cho công tác phòng, chống dịch, trong đó chú trọng dành ngân sách đầu tư cho công tác nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo thu hút nguồn nhân lực và chế độ chính sách cho y tế cơ sở.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội sẽ là một nội dung được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội trong kỳ họp thứ hai, khai mạc sáng 20/10.

Về thực hiện nghị quyết 30, Chính phủ không nêu hạn chế nào, song về công tác phòng chống dịch Covid-19 nói chung, Chính phủ nhận định, trong thời gian đầu của đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta, công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động; chỉ đạo thực hiện một số biện pháp cụ thể có lúc nóng vội, thiếu nhất quán, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi; bộc lộ nhiều điểm yếu của hệ thống quản lý, năng lực quản lý các cấp. Công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn.

Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao quát được hết các tình huống ứng phó với bùng phát của dịch bệnh; nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành; một số văn bản chưa sát thực tiễn, thiếu khả thi. Khi ban hành văn bản có phạm vi ảnh hưởng lớn đến nhiều đối tượng, một số nơi chưa làm tốt việc đánh giá tác động, công tác truyền thông nên khó thực hiện; một số quy định mâu thuẫn, thay đổi nhanh, gây bức xúc trong xã hội (như quy định về giấy đi đường, lưu thông hàng hóa, hàng hóa thiết yếu...).

Theo Chính phủ, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền. Một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc, thiếu thiện cảm của người dân với chính quyền.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Bình luận
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại