Ngăn "làn sóng" rút BHXH một lần: Cần linh hoạt trong đóng - hưởng
Nhiều bạn đọc mong mỏi cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung sao cho thấu tình đạt lý để Luật BHXH sửa đổi thật sự đi vào cuộc sống.
Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) nghe và cho ý kiến về dự luật BHXH (sửa đổi) mới đây, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung trình bày dự luật.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: Sau 7 năm thực hiện Luật BHXH 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần là khoảng 4,5 triệu, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần giai đoạn 2016-2022.
Do đó, Chính phủ đề nghị sửa đổi các quy định về rút BHXH một lần để khuyến khích người tham gia BHXH bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần. Các quy định được sửa đổi có thể kể đến như giảm thời gian hưởng lương hưu xuống còn 15 năm đóng BHXH hay các chính sách tín dụng trong thời gian mất việc.
Có hai phương án được Chính phủ trình cho việc rút BHXH một lần. Phương án 1 là phân nhóm gồm: Người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2 là người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến ngày 1-7-2025) không được nhận BHXH một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật BHXH hiện hành).
Trên diễn đàn của Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc cũng đã thẳng thắn góp ý những bất cập của Luật BHXH hiện hành, xoay quanh 2 vấn đề lương hưu và tuổi nghỉ hưu. Một bạn đọc tên Liêm bày tỏ: "Qua ý kiến trao đổi của nhiều bạn đọc mà báo NLĐ tổng hợp đăng tải cho thấy Luật BHXH hiện hành và những dự thảo sửa đổi chỉ phù hợp với NLĐ trong khu vực nhà nước còn NLĐ ngoài khu vực nhà nước rất khó có cơ hội hưởng lương hưu trong khi số này hiện nay đang chiếm áp đảo, vậy nên rất mong cơ quan soạn thảo hãy xem xét cho thấu tình đạt lý để Luật BHXH sửa đổi thật sự đi vào cuộc sống.
Bạn đọc Hà Hiếu Hạnh chất vấn: "Muốn giữ chân người lao động không rút bảo hiểm 1 lần. Tại sao thời gian người ta bảo lưu lại không trả tiền lãi suất? Thời gian bảo lưu bảo hiểm lấy số tiền đó đầu tư kinh doanh. Thiết nghĩ BHXH nên có phương án trả tiền lãi theo quy định BHXH đưa ra, có như vậy người lao động có mục tiêu để bảo lưu".
Bạn đọc Nguyễn Hữu Hồng dẫn chứng: "Tuổi từ 35 xin việc đã khó huống chi qua tuổi 40. Tền đó là của người lao động đóng và công ty hỗ trợ, do vậy nên để cho họ tự quyết chứ ở tuổi 40 xin việc không được trong 20 năm phải sống như thế nào". Tương tự, một bạn đọc tên Xuân bày tỏ: "Tôi năm nay 54, đi làm từ năm 18 tuổi và đóng BHXH được 36 năm, sức khỏe đã kém, nay muốn nghỉ hưu cũng không được, vốn là NLĐ trực tiếp nên mức đóng BHXH rất thấp, tính đi tính lại nếu bây giờ xin nghỉ hưu sẽ bị trừ phần trăm vì nghỉ hưu trước tuổi thì chắc lương hưu chưa nổi 2 triệu bạc, với 36 năm đóng BHXH, Với 36 năm trực tiếp làm ra của cải cho xã hội, cũng là tham gia một phần nhỏ bé đóng góp cho xã hội thế mà cuối đời được hưởng như thế".
Bạn đọc Đỗ Công Thành góp ý: "Việc tính toán tuổi nghỉ hưu rõ ràng chưa hợp lý với đối tượng NLĐ ngoài nhà nước. Việc tuyên truyền để NLĐ hiểu được cách tính, điều kiện nghỉ được hưởng lương hưu còn yếu kém. Theo bạn đọc Đỗ Lý, cứ đóng đủ năm thì được hưởng lương hưu là phù hợp và công bằng. "Tại sao đã đóng đủ năm lại phải chờ tới 60 tuổi mà không phải là 50 tuổi, mà tại sao cứ mỗi năm chờ lại trừ tỷ lệ hưởng của người lao động đi trong khi họ có rút bớt lại tiền đã đóng đâu? Tại sao cách tính hưởng với lao động ngoài nhà nước lại khác nhau" – bạn đọc này nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận