Ngân hàng từ chối hồ sơ vay dù du lịch 'kiệt sức" vì Covid-19
Rất nhiều doanh nghiệp du lịch đang vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của chính phủ vì ngân hàng từ chối hồ sơ vay do quan ngại khả năng trả nợ.
Trước tình trạng đó, Hội đồng Tư vấn Du lịch đề xuất gói tín dụng 150.000 tỉ đồng, được Chính phủ bảo lãnh dành cho doanh nghiệp du lịch và lữ hành. Doanh nghiệp sẽ được vay tối đa bằng tổng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội đã đóng trong năm 2019.
Những nội dung trên có trong lá thư thứ ba của Hội đồng Tư vấn Du lịch gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị gói hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch vượt qua Covid-19.
Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng, ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu và các biện pháp hạn chế đi lại trong nước và từ nước ngoài vào Việt Nam để ngăn dịch bệnh lây lan đã mang lại tác động mang tính hủy diệt với lĩnh vực lữ hành và lưu trú du lịch.
Lượng khách quốc tế đến bằng không, du lịch nội địa cũng gần như không còn gì. Điều đáng lo ngại nhất là số lao động mất việc ngày càng nhiều.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp lại đang rất vất vả tìm cơ hội vay vốn lãi suất thấp theo gói hỗ trợ tín dụng của chính phủ. Các ngân hàng từ chối hồ sơ vay vốn do quan ngại về khả năng trả nợ hoặc do người vay không thể chứng minh được sẽ có dòng tiền dương.
TAB cho rằng, sẽ rất khó khăn nếu chính phủ hỗ trợ tiền mặt cho doanh nghiệp nên đề xuất chính phủ chính sách tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỉ đồng, tương đương 25% doanh thu của ngành du lịch trong năm 2019 nhằm giúp doanh nghiệp trong ngành.
Với gói này, người vay phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện là doanh nghiệp du lịch, lữ hành; có vốn điều lệ tối thiểu 3 tỉ đồng; có tối thiểu 10 lao động toàn thời gian; có bằng chứng đã đóng bảo hiểm xã hội, nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT.
Mức vay tối đa của từng doanh nghiệp bằng tổng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và bảo hiểm xã hội đã đóng trong năm 2019. Lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay +0,5%, cố định trong sáu tháng và điều chỉnh theo lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm + 0,5%.
Doanh nghiệp sẽ được giải ngân theo quí, bắt đầu từ tháng 4 này và sẽ trả nợ trong hai lần, vào thời điểm 11 tháng sau mỗi lần rút vốn vay từ năm 2021.
Theo TAB, hỗ trợ bằng gói bảo lãnh tín dụng như thế này sẽ giúp doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp và chuyên nghiệp duy trì hoạt động. Phía ngân hàng cũng dễ thực hiện việc cho vay.
Trong hai lá thư gửi Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến Covid-19 trước đây, TAB đã đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, giảm tiền thuê đất... cùng một số chính sách khác giúp du lịch hồi phục sau dịch bệnh.
Doanh nghiệp ngành dịch vụ nói gì trong khảo sát của TAB?
Theo kết quả khảo sát do một số đơn vị như Hội đồng Tư vấn du lịch, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Grant Thornton (Việt Nam) LTD hợp tác thực hiện từ ngày 13 đến ngày 17-4 vừa qua.
Có gần 71% số doanh nghiệp cho biết doanh thu trong quí 1 vừa qua giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái; gần 50% số doanh nghiệp dự kiến không có doanh thu trong quí 2 này.
Có 18% số doanh nghiệp đã cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc, 48% số doanh nghiệp cho nghỉ hơn 50% số nhân viên.
Hơn 88% số doanh nghiệp phản hồi rằng cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.
Theo TAB, 92% số doanh nghiệp tham gia khảo sát là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có số lượng nhân viên dưới 100 người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận