Ngân hàng Trung ương Ấn Độ giữ nguyên lãi suất
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) quyết định giữ tỷ lệ repo chuẩn ở mức 4%. Kể từ tháng 1/2020, RBI đã giảm tỷ lệ đó 115 điểm cơ bản.
Tháng 3/2020, RBI đã quyết định cắt giảm lãi suất cho vay tiêu chuẩn 75 điểm cơ bản, từ 5,15% xuống 4,4% và cắt giảm lãi suất huy động 90 điểm cơ bản xuống còn 4%. Đồng thời RBI còn đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế như bơm thêm 3.740 tỷ Rupee (khoảng 52 tỷ USD) cho các ngân hàng bổ sung thanh khoản và cho phép hầu hết tất cả những người vay được trì hoãn trả nợ trong ba tháng.
Thống đốc ngân hàng Shaktikanta Das cho biết, trong một tuyên bố gần đây với Ủy ban Chính sách Tiền tệ rằng RBI đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách thích ứng của chính sách tiền tệ miễn là cần thiết, ít nhất là trong năm tài chính hiện tại và có thể trong cả năm tới. Quan điểm của NHTW là phục hồi tăng trưởng trên cơ sở lâu dài và giảm thiểu tác động của Covid-19, đồng thời đảm bảo rằng lạm phát vẫn giữ mục tiêu trong tương lai. Đồng Rupee Ấn Độ hầu như không thay đổi sau quyết định này, tỷ giá có tăng lên một chút so với đồng USD và đang được giao dịch ở mức 73,78 Rupee/1 USD so với mức đóng cửa trước đó là 73,86 Rupee/1 USD .
Ấn Độ bước vào cuộc suy thoái kỹ thuật vào tuần trước và đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế lớn nhất Nam Á chứng kiến hai quý sụt giảm liên tiếp. Đại dịch coronavirus đã gây ra một đợt đóng cửa tầm quốc gia từ cuối tháng 3 đến tháng 5, dẫn đến sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Nó cũng gây ra tình trạng mất việc làm đáng kể đồng thời làm giảm chi tiêu.
Cho đến nay, các chuyên gia kinh tế vẫn không có nhiều ấn tượng lắm với các biện pháp chính sách tài khóa của NHTW Ấn Độ. Một số chuyên gia cho rằng RBI sẽ phải thực hiện những biện pháp mạnh hơn nữa trong ngắn hạn nhằm đưa việc tăng trưởng trở lại theo đúng hướng.
Nhưng lạm phát gia tăng có thể hạn chế khả năng của NHTW trong việc thực hiện các chính sách nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, theo báo cáo của Reuters, tỷ lệ lạm phát bán lẻ hàng năm của Ấn độ vẫn trên 7% và nó vẫn tiếp tục duy trì ở mức này trong tháng 11 do giá rau tăng. Trong khi đó, phạm vi mục tiêu lạm phát của RBI đặt ra là chỉ từ 2% - 6%.
Thống đốc Das cho biết thêm, lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao, tuy nhiên, nó sẽ có thể giảm nhẹ trong những tháng mùa đông do giá cả của các loại hàng hóa dễ hỏng và các loại cây trồng giảm nhờ đạt được bội thu. Tuy nhiên, các dấu hiệu phục hồi kinh tế có thể còn lâu mới xuất hiện trên diện rộng và nó phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗ trợ của một chính sách phát triển bền vững.
Theo bà Radhika Rao, chuyên gia phân tích kinh tế tại Tập đoàn DBS của Singapore, ở Ấn Độ hiện nay, lạm phát luôn cao hơn mức mục tiêu trong năm nay trừ tháng 3, trong khi giá thực phẩm tăng cao đã làm tăng phần lớn con số lạm phát, nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất gây áp lực về giá.
“Những cú sốc mang phong cách riêng” do đại dịch coronavirus gây ra cũng đã góp phần tạo thêm áp lực về giá trong phân khúc phi thực phẩm. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng dự kiến ở Ấn độ sẽ chậm được cải thiện theo thời gian và tốc độ phục hồi của nó có thể cũng sẽ bị chậm lại do áp lực giá trong các lĩnh vực như viễn thông, dịch vụ tổng hợp và hàng hóa, bà Radhika Rao cho biết thêm.
RBI muốn giải quyết tình trạng này theo quan điểm là cố định lãi suất thông qua chính sách ôn hòa, điều này chứng minh rằng RBI sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài nữa.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng RBI có thể sẽ vẫn phải thận trọng bất chấp các dấu hiệu tích cực của hoạt động kinh tế đang dần trở lại trong thời gian gần đây. Tính bền vững của mức cầu được thấy trong những tháng gần đây vẫn chưa đủ chắc chắn và vẫn có những rủi ro do các vụ đóng cửa vì đại dịch gây ra có thể vẫn tiếp tục được thực hiện ở nhiều vùng của Ấn Độ.
Theo bà Charu Chanana, chuyên gia kinh tế hàng đầu về châu Á tại Continuum Economics, nếu các cuộc biểu tình của nông dân đang diễn ra ở Ấn Độ tiếp tục kéo dài, nó có thể cản trở sự phục hồi kinh tế vì nông nghiệp vẫn là một phần quan trọng của nền kinh tế Ấn độ. Nông dân đang phản đối ba dự luật cải cách trang trại được thiết lập để loại bỏ một số quy tắc đã bảo vệ họ trong nhiều thập kỷ qua và sẽ buộc nông dân phải tuân theo cơ chế thị trường tự do không được kiểm soát, nơi sẽ diễn ra tình trạng cạnh tranh cao hơn.
Chính phủ đã tổ chức bốn vòng đàm phán với đại diện nông dân nhưng không đạt được nhiều tiến bộ. Vòng đàm phán tiếp theo sẽ diễn ra vào tuần tới. Mặc dù nông dân sẽ bị ảnh hưởng do gặp nhiều bất lợi từ những cải cách cần thiết, nhưng không chắc chính phủ Ấn Độ sẽ hoàn toàn nhượng bộ trước những yêu cầu của họ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận