Ngân hàng trung ương Ấn Độ dưới sức ép dòng vốn nước ngoài
Dòng vốn nước ngoài không ngừng đổ vào thị trường của Ấn Độ có thể khiến Ngân hàng Trung ương nước này phải thay đổi chính sách kiểm soát đồng nội tệ và thắt chặt thanh khoản vào năm 2021.
Áp lực từ dòng vốn vào tăng mạnh
Sự giảm giá của đồng USD đang thúc đẩy dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi trên toàn cầu trong đó có Ấn Độ. Ước tính các nhà đầu tư đã đổ khoảng 50 tỷ USD vào cổ phiếu và cổ phần trong các công ty của Ấn Độ. Điều đó đã tạo áp lực tăng giá đồng rupee và làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nước này.
Thế nhưng trong khi hầu hết các đồng tiền ở châu Á lên giá thì đồng rupee lại giảm 3% kể từ đầu năm. Các nhà giao dịch chỉ ra việc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã mua vào 58 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm như là dấu hiệu của sự can thiệp để giảm giá đồng nội tệ.
Thống đốc RBI Shaktikanta Das cho biết trong tuyên bố chính sách gần đây nhất rằng, RBI phải hành động để giảm bớt sự biến động ngoại hối và giữ đồng rupee phù hợp với các nguyên tắc cơ bản trong nước.
Tuy nhiên áp lực ngày càng tăng khi mà theo ước tính của Deutsche Bank, dòng vốn chảy vào Ấn Độ có thể đạt 82 tỷ USD vào cuối năm tài chính tính đến cuối tháng 3, sau đó tiếp tục tăng với tốc độ tương tự trong 12 tháng tiếp theo. Điều đó có thể buộc RBI phải cân nhắc một loạt các thay đổi, từ việc nới lỏng sự kiểm soát đối với đồng nội tệ đến hạn chế mua trái phiếu.
Việc đồng rupee tăng khiêm tốn trong tháng qua có thể có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách đã giảm bớt can thiệp một chút, hoặc dòng tiền chảy vào đang có xu hướng mạnh hơn.
“Chúng tôi tin rằng RBI đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn để quản lý thanh khoản trong bối cảnh dòng vốn nước ngoài tăng mạnh”, Kanika Pasricha - một nhà kinh tế học tại Standard Chartered Plc ở Mumbai nói và cho rằng, RBI phải thực hiện các bước để điều chỉnh lại lãi suất trên thị trường phù hợp với lãi suất chính sách.
“Trước nhiều thách thức từ thanh khoản dư thừa do dòng vốn vào tăng mạnh và lạm phát, RBI có thể buộc phải giảm can thiệp và cho phép đồng nội tệ tăng giá”, Arvind Chari – Trưởng bộ phận thu nhập cố định của Quantum Advisors Pvt cho biết.
Ước tính trung bình do Bloomberg tổng hợp là đồng rupee sẽ tăng giá lên 72 rupee/USD vào cuối năm 2021. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs Group Inc. cũng dự báo đồng tiền này sẽ mạnh tới 70 rupee/USD vào tháng 3/2022.
Hút bớt thanh khoản
Với lượng tiền mặt dư thừa trong hệ thống ngân hàng ước tính lên tới gần 7 nghìn tỷ rupee (95 tỷ USD), lãi suất cho vay qua đêm đã giảm xuống dưới lãi suất repo ngược - cận dưới của hành lang chính sách của RBI. Lãi suất ngắn hơn thấp hơn mà không giảm lãi suất dài hạn tương ứng có nghĩa là đường cong lợi suất dốc hơn và điều đó có xu hướng làm suy yếu các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc lãi suất cho vay giảm xuống dưới lợi suất trái phiếu kỳ hạn tương tự sẽ làm giảm lợi nhuận cho các ngân hàng và nếu kéo dài có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế rộng lớn hơn. Bởi vậy theo các nhà phân tích, RBI sẽ buộc phải giải quyết tình trạng dư thừa thanh khoản vào đầu năm 2021.
Theo các nhà kinh tế tại HSBC Holdings Plc, bao gồm cả Pranjul Bhandari, trong một loạt các lựa chọn, RBI có thể tổ chức các phiên đấu giá repo ngược để hấp thụ thanh khoản thặng dư. Các lựa chọn khác là tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc và không bổ sung tiền ra lưu thông.
Nhưng cũng có những lo ngại rằng việc thực hiện những biện pháp như vậy có thể ảnh hưởng bất lợi đến thị trường nợ và làm xói mòn nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ. Đây là một vấn đề lớn khi mà Chính phủ Ấn Độ đang bán số lượng trái phiếu kỷ lục để hỗ trợ quốc gia vượt qua đại dịch coronavirus.
RBI trong tháng này đã nhắc nhở các thị trường về khả năng có những thay đổi về chính sách. Trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay vào ngày 4/12, RBI đã làm giảm kỳ vọng của thị trường rằng họ đã sẵn sàng bắt đầu thu hồi thanh khoản dư thừa.
Michael Patra - Phó thống đốc phụ trách chính sách tiền tệ cho biết trong tháng này rằng RBI đang theo dõi “rất cẩn thận và chặt chẽ về tình hình thanh khoản” và nhận thức rằng lượng tiền dư thừa trong hệ thống có thể thúc đẩy lạm phát. Cuộc họp chính sách tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5/2, lúc đó áp lực dư thừa thanh khoản có thể còn lớn hơn.
Bởi vậy, Saugata Bhattacharya - Nhà kinh tế trưởng của Axis Bank Ltd. ở Mumbai cho biết: “Một loạt các công cụ sẽ được triển khai từng bước để rút dần thanh khoản hệ thống và thắt chặt các điều kiện thị trường tài chính”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận