Ngân hàng Trung ương Canada có thể tăng lãi suất vì lạm phát
Ngân hàng Trung ương Canada vừa cảnh báo về rủi ro lạm phát tại quốc gia này và trong một động thái đầy bất ngờ, cơ quan này đã đẩy nhanh thời điểm dự kiến tăng lãi suất và bắt đầu rút lại việc mua trái phiếu.
NHTW duy nhất…
Như vậy Canada là nền kinh tế lớn đầu tiên báo hiệu ý định giảm mức kích thích tiền tệ khẩn cấp để ứng phó với đại dịch Covid-19 mà nguyên nhân chủ yếu do lạm phát quốc gia bắc Mỹ này. Các dự báo mới đây cho thấy NHTW Canada dự kiến lạm phát có thể vượt qua mục tiêu 2% trong một thời gian khá dài với mức chênh lệch lớn nhất trong ít nhất hai thập kỷ.
Câu hỏi đặt ra là NHTW Canada có phải là NHTW duy nhất, hay đó là phát súng đầu tiên báo hiệu sự bắt đầu thoát khỏi kích thích kinh tế trên toàn cầu.
Mặc dù vậy cho đến nay, các thị trường vẫn xem động thái này là một ngoại lệ. Trên thực tế, nhiều NHTW lớn khác vẫn duy trì quan điểm duy trì kích thích để hỗ trợ nền kinh tế của mình ứng phó với đại dịch.
Chẳng hạn tại cuộc họp chính sách tháng 4 kết thúc hôm thứ Năm tuần trước (22/4), như NHTW châu Âu (ECB) vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi ở mức 0%; 0,25% và -0,5%. Cơ quan này cũng quyết định tiếp tục triển khai Chương trình mua tài sản khẩn cấp (PEPP) với quy mô 1,85 nghìn tỷ euro cho tới cuối tháng 3/2022… Trong thông báo phát đi sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, cơ quan này không thảo luận về việc loại bỏ việc mua trái phiếu khẩn cấp.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ lâu cũng đã kiên quyết sẽ không thu hẹp tốc độ mua vào trái phiếu là 120 tỷ USD/tháng cho đến khi thấy “tiến bộ đáng kể hơn nữa” về việc làm và lạm phát.
Andrew Husby – nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho rằng, NHTW Canada đã đưa ra ý kiến khi họ kỳ vọng tình trạng trì trệ quá mức của nền kinh tế sẽ được hóa giải. Nhưng Báo cáo Chính sách tiền tệ kèm theo cũng bao gồm việc thảo luận về một số yếu tố có thể làm dịu nhu cầu tăng lãi suất vào năm 2022. “Chúng tôi tiếp tục nghĩ rằng động thái tăng lãi suất có khả năng bị trì hoãn sang quý đầu tiên của năm 2023”, nhà kinh tế này cho biết.
…hay đầu tiên?
Tuy nhiên giới chuyên gia lại không cho là như vậy. “Canada cho bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi quỹ đạo (lạm phát) của bạn mạnh hơn dự đoán”, Su-Lin Ong – Trưởng bộ phận Chiến lược kinh tế và thu nhập cố định của Ngân hàng Hoàng gia Canada ở Sydney cho biết.
“Các NHTW của các nền kinh tế nhỏ đôi khi có thể là những con chim hoàng yến trong mỏ than (một dấu hiệu cảnh báo sớm bởi trước đây để kiểm tra trong mỏ than có khí metan hay không người ta thường xách theo lồng chim hoàng yến, vì loài chim này sẽ chết nếu có khí metan - PV”, Krishna Guha - Phó chủ tịch Evercore ISI có trụ sở tại Washington cho biết.
“Tuy nhiên dù có một số yếu tố của quyết định này có tác dụng rõ ràng đối với các NHTW khác, nhưng cũng có những yếu tố cần phân biệt thận trọng thay vì thực hiện phép ngoại suy ngây thơ”.
Một số nhà phân tích thậm chí không thấy NHTW Canada có lập trường chính sách tích cực hơn đáng kể, ngay cả sau động thái hôm thứ Tư. Tại cuộc họp báo sau quyết định, Thống đốc NHTW Canada Tiff Macklem vẫn nhấn mạnh cam kết của NHTW là không tăng lãi suất trước khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn và bất kỳ mức tăng nào trong tương lai sẽ phản ánh điều kiện kinh tế tại thời điểm đó.
Theo các nhà phân tích, có thể Thống đốc Macklem đang xác định lại quy mô của chương trình nới lỏng định lượng siêu khổng lồ so với quy mô thị trường trái phiếu của mình, trong một nền kinh tế cũng đang được hỗ trợ bởi các biện pháp kích thích tài khóa lớn. Hiện NHTW Canada sở hữu hơn 40% trái phiếu chính phủ liên bang đang lưu hành, có khả năng làm méo mó thị trường.
“Canada thì khác. Số lượng trái phiếu họ đang mua là rất lớn”, Steve Englander – Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại gối G10 tại Ngân hàng Standard Chartered ở New York cho biết. “Fed không có vấn đề đó”.
Trong khi đó nền tảng kinh tế của Canada cũng khá vững chắc. Thị trường việc làm của Canada đã lấy lại được 90% những gì đã mất trong đại dịch, so với mức chỉ hơn 60% của Mỹ. Chưa kể thị trường nhà ở tăng trưởng quá nóng ở Canada cũng là một nỗi lo khác.
“Tình hình này đủ đặc biệt và tôi không chắc nó áp dụng cho Fed hay ECB”, Jean-Francois Perrault - Nhà kinh tế trưởng tại Bank of Nova Scotia cho biết. “Thị trường lao động của chúng tôi (Canada) về cơ bản đã trở lại như cũ”.
Vì vậy nên nhiệm vụ hiện tại của NHTW Canada là tập trung vào mục tiêu lạm phát 2%. Theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của NHTW Canada, mức tăng giá tiêu dùng dự kiến sẽ bằng hoặc cao hơn mức 70% của dự báo đến cuối năm 2023.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận