Ngân hàng trung ương Ấn Độ có thể sẽ cắt giảm lãi suất ngay hôm nay
Ngân hàng trung ương Ấn Độ (RBI) được cho là sẽ cắt giảm lãi suất vào hôm nay, sau khi dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm lại ở mức thấp trong sáu năm. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đang đặt dấu hỏi về hiệu quả của việc cắt giảm lãi suất này.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ đã cắt giảm lãi suất repo (lãi suất ngân hàng trung ương áp dụng với chứng khoán mua lại từ ngân hàng thương mại để hỗ trợ thanh khoản) 135 điểm cơ bản kể từ tháng 1 đến nay để thúc đẩy nền kinh tế, khiến RBI trở thành một trong những ngân hàng trung ương tích cực hạ lãi suất nhất vào lúc này. Lãi suất repo hiện tại là 5,15%.
Dù vậy, việc cắt giảm lãi suất và tình trạng “thanh khoản dư thừa trong hệ thống ngân hàng” đã dẫn đến việc chỉ giảm được lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới 60 điểm cơ bản - mức lãi suất với nhóm này hiện thấp hơn nhiều so với các khoản nợ chưa thanh toán, theo các nhà phân tích của Citi là Samiran Chakraborty và Baqar M Zaidi.
“Việc này đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng thiếu truyền tải chính sách tiền tệ trong bối cảnh các ngân hàng luôn lo sợ rủi ro và cứng nhắc trong vận hành, nhưng sẽ khó có ngân hàng trung ương nào thừa nhận điều đó”, các nhà phân tích của Citi lưu ý.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán RBI sẽ cắt giảm lãi suất repo thêm 25 điểm cơ bản xuống 4,90% ngay trong tuần này, và sau đó có thể cắt giảm 15 điểm cơ bản khác trong quý II/2020, Reuters đưa tin.
Tăng trưởng của Ấn Độ
Về mặt lý thuyết, khi một ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất repo, các ngân hàng sẽ truyền tải việc cắt giảm lãi suất đó đến doanh nghiệp và người tiêu dùng dưới dạng các khoản vay rẻ hơn.
Nhưng, các ngân hàng ở Ấn Độ đang phải vật lộn với khối lượng lớn tài sản “đóng băng” trên bảng cân đối. Điều đó khiến họ ngần ngại truyền tải toàn bộ lợi ích từ chi phí vay thấp hơn đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Việc truyền tải chính sách bị cản trở bởi rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản trong lĩnh vực ngân hàng đang đặt câu hỏi về hiệu quả của việc cắt giảm lãi suất, điều sẽ dẫn đến chi phí tăng đối với việc ổn định đồng rupee và kinh tế vĩ mô”, Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược tại Ngân hàng Mizuho, lưu ý hôm thứ Hai.
Thế lưỡng nan của RBI
Báo cáo về tăng trưởng của Ấn Độ cho thấy trong quý III, chi tiêu công có đóng góp quan trọng vào GDP. Tuy nhiên, chính phủ đang hết dư địa để tiếp tục chi tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo Kunal Kundu, nhà kinh tế học về Ấn Độ tại Societe Generale.
Trong khi đó, “thuế thu nhập vốn đóng góp lớn trong tăng trưởng GDP danh nghĩa đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, tình trạng thâm hụt ngân sách lớn hơn vẫn còn khiến chính sách tài khóa khó có khả năng can thiệp khác biệt”, ông nói trong một lưu ý gần đây.
Mục tiêu thâm hụt ngân sách của Ấn Độ tại thời điểm này là 3,3% GDP, và nếu nó mở rộng quá nhiều thì niềm tin của nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng. Gần đây, cơ quan xếp hạng Moody đã hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia của Ấn Độ từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
“Với chính phủ thiếu không gian tài chính để thúc đẩy nền kinh tế, chúng tôi nghĩ rằng lập trường nới lỏng chính sách của RBI có thể sẽ vẫn duy trì, mặc dù các giải pháp là thiếu hiệu quả rõ rệt”, Kundu nói, đồng thời bổ sung rằng ông hy vọng ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản cho đến hết năm tài chính, bao gồm cắt giảm 25 điểm cơ bản trong tuần này.
Trong khi nới lỏng tiền tệ vẫn chưa tạo được hiệu ứng rõ rệt như các nhà hoạch định chính sách ở Ấn Độ kỳ vọng, thì lạm phát đang trở thành một vấn đề hiển hiện. Mục tiêu lạm phát trung hạn của RBI cho đến năm 2021 là 4%. Tuy nhiên, lạm phát tiêu dùng của Ấn Độ đã tăng lên 4,62% trong tháng 10 do giá thực phẩm tăng cao, Reuters đưa tin.
Tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng khiến RBI rơi vào thế lưỡng nan, Varathan nói, đồng thời thêm rằng lạm phát bùng phát phần lớn là từ phía cung, do giá lương thực tăng mà không phải do phản ứng chính sách mạnh mẽ.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi đã ủng hộ việc cắt giảm lãi suất lớn hơn trước khi cơ hội bị thu hẹp”, ông nói.
Việc cắt giảm lãi suất như dự kiến của RBI sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của đồng rupee Ấn Độ và môi trường kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn, Varathan giải thích. Tuy nhiên, vấn đề nan giải chính sách của ngân hàng trung ương sẽ chỉ gia tăng trong thời gian ngắn khi áp lực tăng trưởng được đặt ra và lạm phát do thực phẩm gia tăng.
Các nhà phân tích của Citi là Chakraborty và Zaidi nói thêm rằng RBI cần theo dõi sự biến động của giá lương thực, đặc biệt là giá rau, trong vài tháng nữa và kiểm tra xem liệu những nhân tố này có điều chỉnh phù hợp với kỳ vọng lạm phát của hộ gia đình hay không.
“Việc duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và sẵn sàng cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ là thách thức khó khăn nhất đối với RBI”, các nhà phân tích của Citi cho biết thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận