menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dương Mạnh

Ngân hàng trung ương Ấn Độ bất ngờ giữ nguyên lãi suất

Trái với kỳ vọng của thị trường, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) hôm thứ năm tuần trước đã bất ngờ giữ nguyên lãi suất với mục đích để dành dư địa chính sách để hỗ trợ nền kinh tế lớn thứ ba châu Á vốn đang phải vật lộn với nhiều khó khăn.

Theo đó, Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) bao gồm 6 thành viên do Thống đốc Shaktikanta Das dẫn đầu đã nhất trí bỏ phiếu để giữ tỷ lệ mua lại ở mức 5,15%, gây nhiều bất ngờ cho cả các nhà kinh tế và thị trường. Không ai trong số 43 nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg dự đoán RBI sẽ có động thái này.

Dường như RBI đang muốn chờ xem những lần cắt giảm lãi suất trước đó trong năm 2019 sẽ mang lại hiệu quả thế nào trước khi đưa ra quyết định cắt giảm thêm. Từ đầu năm 2019 đến nay RBI đã có 5 lần cắt giảm lãi suất với mức giảm tổng cộng 135 điểm cơ bản, thế nhưng các ngân hàng thương mại vẫn chưa chuyển tất cả các động thái nới lỏng này đến người vay.

Trong khi theo Teresa John - một nhà kinh tế của Nirmal Bang Instunityal Equities Pvt. ở Mumbai, RBI đang muốn giữ lại dư địa chính sách để sử dụng sau này. “Chúng tôi tin rằng không gian để cắt giảm lãi suất 40 đến 50 điểm cơ bản có khả năng sẽ mở ra trong nửa đầu năm tài chính tiếp theo vì tăng trưởng khó có thể cao hơn đáng kể trên 6%”.

Phát biểu với báo giới sau khi quyết định chính sách được đưa ra, Thống đốc RBI Shaktikanta Das cũng khẳng định: “Có một không gian sẵn có cho hành động (nới lỏng) chính sách tiền tệ hơn nữa”. Tuy nhiên theo ông, “cần tối đa hóa tác động của việc giảm lãi suất” và những hành động đó không thể là “cơ học”.

Thế nhưng việc giữ nguyên lãi suất dường như là bước đi hợp lý khi mà nền kinh tế Ấn Độ đang đối mặt với lạm phát tăng cao. Quả vậy, động thái đầy bất ngờ này của RBI đến trong bối cảnh lạm phát tăng vọt vào tháng 10 so với mục tiêu trung hạn 4% của RBI, trong khi dữ liệu công bố một tuần trước đó cũng cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba châu Á tăng trưởng chậm lại ở mức thấp nhất trong 6 năm qua.

“Việc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ bất ngờ giữ nguyên lãi suất cho thấy lạm phát tăng cao đang là mối quan ngại lớn hơn đối với họ so với tăng trưởng giảm. Nếu đúng như vậy, nó sẽ làm tăng triển vọng RBI có thể tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng Hai. Việc không nới lỏng hơn nữa - mà dự báo đồng thuận hiện nay của thị trường là cắt giảm 25 điểm cơ bản, trong khi chúng tôi dự kiến cắt giảm mạnh hơn - sẽ trì hoãn sự phục hồi trong nền kinh tế”, Abhishek Gupta - Nhà kinh tế Ấn Độ của Bloomberg Economics cho biết.

Rõ ràng trong khi các ngân hàng trung ương khác trên thế giới đang khá thoải mái trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế do lạm phát yếu ớt, còn RBI dường như ngày càng lo lắng nhiều hơn trước việc giá thực phẩm có khả năng vẫn còn tăng.

“RBI đã chỉ ra rằng họ có không gian chính sách để cắt giảm hơn nữa, nhưng các nhà hoạch định chính sách dường như rất muốn xây dựng uy tín chống lạm phát trong bối cảnh giá cả đang tăng cao hơn”, các nhà phân tích của Barclays Bank Plc. đã viết trong một ghi chú cho khách hàng. “Mặc dù cắt giảm mạnh các dự báo tăng trưởng, nhưng họ (RBI) vẫn để ngỏ cánh cửa cho các đợt cắt giảm lãi suất trong tương lai miễn là lạm phát giảm theo các dự báo của họ”.

Theo đó, RBI đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm cho năm tài chính đến tháng 3/2020 xuống còn 5% từ mức 6,1%, trong khi nhấn thêm lạm phát vào tháng 10 là “cao hơn nhiều so với dự kiến”. Vì thế Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đã nâng dự báo lạm phát trong nửa cuối năm tài chính lên 4,7% -5,1% từ 3,5% -3,7% đã thấy trước đó.

Một cuộc khủng hoảng trong các ngân hàng ngầm và sự tích tụ nợ xấu tại các ngân hàng đã ảnh hưởng tới hoạt động cho vay đối với nền kinh tế. Chênh lệch giữa lãi suất chính sách của RBI và lãi suất cho vay trung bình có trọng số của các ngân hàng thương mại tăng lên mức cao nhất kể từ khi dữ liệu này được thống kê vào tháng 2/2012.

Thống đốc Das cho biết, RBI đã nhận thức được tính dễ tổn thương trong 50 ngân hàng ngầm hàng đầu mà RBI đang theo dõi chặt chẽ. Hệ thống ngân hàng ngầm vốn được xem là động lực thúc đẩy tiêu dùng nội địa bằng cách cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên hiện hệ thống này đang rơi vào khủng hoảng, vì thế RBI đang khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn vào các khu vực mà các ngân hàng ngầm phục vụ.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Das, một mình chính sách tiền tệ không thể đưa nền kinh tế Ấn Độ thoát khỏi tình trạng chậm lại và Chính phủ cần triển khai các biện pháp chống chu kỳ để thúc đẩy tăng trưởng.

Trên thực tế, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cũng đã công bố một loạt các biện pháp kích thích tăng trưởng, bao gồm việc giảm 20 tỷ USD tiền thuế cho các công ty. Ấn Độ cũng hợp nhất các ngân hàng thương mại quốc doanh yếu kém với các ngân hàng mạnh hơn với mục tiêu thúc đẩy cho vay; đồng thời nới lỏng các quy định về đầu tư nước ngoài và thành lập một quỹ bất động sản đặc biệt để cứu vãn các dự án dân cư bị đình trệ.

Thế nhưng đến nay đà phục hồi của kinh tế Ấn Độ vẫn có vẻ không chắc chắn. Mặc dù Thống đốc Das cho biết đã có những tia hy vọng, tuy nhiên hầu hết các chỉ số lại cho thấy sự phục hồi vẫn còn ở đâu đó rất xa.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả