Ngân hàng tăng bộ đệm phòng ngừa rủi ro nợ xấu
Nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều tăng là điều khó tránh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã, đang và dự báo sẽ còn tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của người dân, doanh nghiệp - những khách hàng của ngân hàng. Lường trước được vấn đề đó nên các ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với nợ xấu.
Một trong những giải pháp đang được các ngân hàng tích cực triển khai đó là tăng trích lập dự phòng rủi ro, kể cả những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp. Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng chấp nhận hy sinh lợi nhuận ngắn hạn, tăng trích lập dự phòng nhằm tạo bộ đệm dự phòng dày hơn để có nguồn xử lý nợ xấu.
Nổi bật là Vietcombank, mặc dù tỷ lệ nợ xấu cả năm được dự kiến vẫn sẽ được kiểm soát dưới mức 1%, song ngân hàng vẫn tích cực trích lập dự phòng rủi ro, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng của các khoản nợ xấu/nợ xấu) lên 215%. Lãnh đạo Vietcombank cho biết, với mức dự phòng rủi ro hiện tại, ngân hàng có thể xử lý toàn bộ nợ xấu và cả nợ nhóm 2 mà vẫn thừa ra khoảng 4.000 tỷ đồng. Techcombank cũng là ngân hàng có bộ đệm dự phòng dày dặn khi đã tăng mức dự phòng bao phủ nợ xấu từ 94,8% cuối năm ngoái lên 148% tại thời điểm 30/9…
Theo đánh giá của giới chuyên môn, tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng lớn thì khả năng hấp thụ rủi ro nợ xấu của các ngân hàng càng lớn. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB chia sẻ, thường những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao là những ngân hàng có năng lực tài chính khá tốt. Tỷ lệ này càng cao thì mỗi đồng nợ xấu càng được dự phòng nhiều, đồng nghĩa mức độ an toàn càng cao.
Quan sát từ báo cáo tài chính của các ngân hàng công bố trong thời gian gần đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, nợ xấu tăng cao, lãi dự thu chỉ tăng nhẹ hoặc giảm cho thấy các ngân hàng đang cẩn trọng hơn đối với nợ xấu khi sử dụng phương pháp định tính để phân loại nợ. Bên cạnh đó dự phòng rủi ro tăng cao hơn tốc độ tăng của nợ xấu cho thấy các ngân hàng rất quan tâm đến việc tạo nguồn xử lý nợ xấu trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tùng nợ xấu đang có xu hướng giảm so với giai đoạn giữa năm. Khách hàng DN hiện phục hồi khá nhanh trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát tích cực. “Khả năng phục hồi sớm của DN có sự hỗ tích cực của Thông tư 01 giúp họ giảm sốc, vẫn có cơ hội duy trì sản xuất kinh doanh”, ông Tùng nói.
Ngân hàng có nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu giảm sau 9 tháng dẫn đầu là Techcombank. Ngân hàng này ghi giảm nợ xấu 55% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm từ 1,33% xuống 0,6%. VPBank là một trong số ngân hàng ứng xử khá tích cực đối với nợ xấu. Ông Dmytro Kolechko - Giám đốc Khối quản trị rủi ro VPBank cho hay, nhờ chính sách thắt chặt tín dụng với các phân khúc rủi ro cao, sau khi trạng thái bình thường mới được thiết lập trở lại, tỷ lệ dịch chuyển nợ xấu của từng phân khúc dần được ổn định. Thậm chí, nhiều nhóm nợ tại ngân hàng mẹ còn giảm khá mạnh. Đến cuối tháng 9 nợ xấu riêng lẻ của ngân hàng chỉ còn 2,01%, so với mức 2,18% cuối năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất ở dưới 3% trong khi nợ xấu thời điểm cuối quý 3/2019 là 3,10%. Đáng nói là tuy tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng ngân hàng vẫn tăng mạnh tỷ lệ dự phòng nợ xấu thêm 30% ở ngân hàng riêng lẻ và 14% ở ngân hàng hợp nhất.
Chia sẻ với truyền thông dịp gần đây, ông Dmytro Kolechko cho biết, 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 01 của NHNN với tổng dư nợ lên tới gần 27.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/9/2020, hơn 96% số dư nợ được tái cấu trúc này đã trở lại trạng thái bình thường.
Thông số trên khá trùng khớp với nhận định của giới phân tích. CTCK BSC đánh giá, các chỉ số an toàn của hệ thống ngân hàng được đánh giá vẫn ở mức cao. CAR Basel II trung bình ở mức 10,7%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn dưới 30%. Lựa chọn tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu theo đánh giá của giới chuyên môn có thể giúp ngân hàng nhanh chóng tái cân bằng sau khi lượng nợ xấu tái cơ cấu theo Thông tư 01 dần dần được ghi nhận vào báo cáo tài chính.
Không chỉ các ngân hàng quy mô lớn, các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ cũng tỏ ra khá cảnh giác đối với nợ xấu qua việc chấp nhận giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng rủi ro. Đơn cử một số ngân hàng như ở SCB, Sacombank... chấp nhận hy sinh lợi nhuận mạnh tay giảm nợ xấu. Nhờ giảm mạnh quy mô nợ xấu nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng được cải thiện dù mức độ cải thiện khá khiêm tốn. Các nhà phân tích BSC cho rằng các ngân hàng hiện tại đang ở trạng thái tốt để chống đỡ những cú sốc của nền kinh tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận