24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đức Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ngân hàng sẵn sàng cho vay nếu dự án đủ thủ tục pháp lý

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) khẳng định: Nếu nhà đầu tư bất động sản hoàn tất thủ tục pháp lý, vốn tự có đảm bảo đủ theo quy định, nhu cầu vốn tín dụng chỉ là bổ sung thì ngân hàng sẵn sàng cho vay.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có văn bản nào chỉ đạo siết tín dụng bất động sản. Tín dụng bất động sản được nhiều người quan tâm bởi đây là ngành nghề quan trọng liên quan đến rất nhiều lĩnh vực phụ trợ. Việc đầu tư cho lĩnh vực bất động sản luôn được quan tâm. NHNN cũng đã "bơm" vốn cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng không cao bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Điển hình năm 2021, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 14%, còn của bất động sản là 12%. Đây là một trong những định hướng của Chính phủ và NHNN.

Theo quan điểm của NHNN, dòng tiền ngắn hạn đầu tư trung dài hạn tới đây cần phải được điều chỉnh cho phù hợp. NHNN vẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nhưng xem xét chọn lọc đối tượng phù hợp, đảm bảo an toàn hệ thống, có chính sách phù hợp và ưu tiên đầu tư vào sản xuất.

Hiện Chính phủ, NHNN nhìn nhận bất động sản là một lĩnh vực rủi ro, giá bất động sản biến động lớn. Ví dụ nếu như trước đây đất giá 100 triệu đồng/m2 và ngân hàng cho vay 50% giá trị tài sản đảm bảo, tức cho vay 50 triệu đồng/m2, nhưng giá thời điểm này có thể lên đến 300 triệu đồng/m2. Như vậy, vẫn tài sản đấy mà ngân hàng cho vay tới 150 triệu đồng/m2.

“Nếu không phải là giá trị thật, khi có sự biến động khiến giá bất động sản giảm xuống thì rủi ro rất lớn. Vì vậy, không đặt vấn đề siết tín dụng bất động sản nhưng các tổ chức tín dụng phải xem xét những dự án nào hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng để đảm bảo an toàn hệ thống và có thể thu hồi được gốc và lãi. Nếu bất động sản đi xuống, tức khách hàng khó khăn không trả được nợ, thì ngân hàng cũng gặp khó trong phát mại tài sản đảm bảo. Do đó, cần đặt vấn đề phải kiểm soát làm sao cho thị trường bất động sản phát triển bền vững”, lãnh đạo VNBA nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Quốc Hùng, khi cho vay, các ngân hàng phải xem xét hệ số rủi ro, liều lượng đầu tư vào bất động sản sao cho hợp lý để đảm bảo an toàn hệ thống, thực hiện chủ trương của NHNN, để nhà đầu tư và kinh doanh bất động sản hiểu được: "Tín dụng ngân hàng chỉ là bổ sung vốn lưu động, còn muốn đầu tư và phát triển thì các doanh nghiệp đó cần phải xem xét mở rộng huy động vốn thông qua trái phiếu, chứng khoán, sử dụng thị trường vốn".

Về tiêu chí quản lý tín dụng bất động sản cho đúng và trúng, lãnh đạo VNBA cho rằng: Chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục, đảm bảo đủ vốn, có kế hoạch sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đối tượng khách hàng, có đáp ứng yêu cầu, thực tiễn hay không? Doanh nghiệp phải xác định vốn ngân hàng chỉ là vốn bổ sung, không phải cứ khó khăn là vay tín dụng.

Theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, tiêu chí để thế nào là khoản vay đúng, trúng nó phải đạt được mức độ rủi ro phù hợp với NHTM; phải đáp ứng được mục tiêu chủ yếu của ngân hàng vì ở đây chủ yếu là NHTM; giải quyết được mục tiêu của ngân hàng trong lĩnh vực thương mại, tín dụng. Họ hướng đến mục tiêu tín dụng vào lĩnh vực gì trong nền kinh tế quốc dân. Có ngân hàng đặt ra mục tiêu cho vay nông nghiệp nông thôn, cũng có ngân hàng đặt ra phát triển doanh nghiệp, công nghiệp.

“Bất động sản chỉ là lĩnh vực nhỏ thôi. Tuy nhiên, tất cả mục tiêu nằm trong khuôn khổ như NHNN quy định, nếu là NHTM thì không được cho vay vào lĩnh vực bất động sản vượt quá 8% tổng số vốn vay”, ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.

Hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. NHNN nhìn nhận chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này đem lại rủi ro rất lớn cho các ngân hàng. Theo số liệu của cơ quan này, tổng dư nợ bất động sản của các TCTD đến cuối tháng 4/2022 là hơn 2,28 triệu tỉ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. Mức này chiếm khoảng 20,44% tổng dư nợ với nền kinh tế, và tỉ lệ nợ xấu của lĩnh vực này khoảng 1,62%.

Mặc dù đánh giá tình hình cấp tín dụng, chất lượng tín dụng với lĩnh vực bất động sản vẫn đang được NHNN kiểm soát ổn định, nhưng để hạn chế tác động của thị trường này với kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cần có giải pháp toàn diện, đồng bộ để lành mạnh hóa, xây dựng thị trường bất động sản an toàn, bền vững.

Tới đây, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; đồng thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để mua, đầu tư nhà ở tự sử dụng, tiêu dùng, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Ngành Ngân hàng cũng tăng thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung kiểm tra các hồ sơ cấp tín dụng lĩnh vực bất động sản của các TCTD. Từ đó phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong cấp tín dụng để xử lý, khuyến nghị cụ thể hạn chế rủi ro của các tổ chức tín dụng trong cấp tín dụng nói chung, lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả