Ngân hàng rao bán nợ vay tiêu dùng có khoản chỉ 480.000 đồng: Việc chưa có tiền lệ!
Không chỉ rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo, đã có ngân hàng rao bán các khoản nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm với giá chỉ từ 480 nghìn đồng đến cả trăm triệu đồng.
Ngân hàng rao bán nợ chỉ từ 480 nghìn đồng
VietinBank vừa phát đi thông báo bán nợ vay tiêu dùng của 264 khách hàng cá nhân để thu hồi nợ với tổng giá trị lên tới gần 6,6 tỷ đồng.
Các khoản nợ được rao bán này có giá trị dao động từ vài trăm nghìn cho tới 100 triệu đồng, bao gồm cả gốc, lãi và lãi phạt. Đáng lưu ý, do các khoản nợ vay tiêu dùng nên các khoản nợ được rao bán đều không có tài sản bảo đảm.
Một số khoản nợ tiêu dùng được ngân hàng rao bán. (Nguồn: CTG)
Trong số đó, khoản nợ có giá trị thấp nhất thuộc về khách hàng vay Lê Đức Hải với giá trị khoản nợ là hơn 483 nghìn đồng. Tiếp theo là khách hàng Huỳnh Thanh Hùng (570 nghìn) và Nguyễn Thành Thông (806 nghìn đồng).
Khoản nợ có giá trị lớn nhất lên tới gần 101 triệu đồng. Ngoài ra, rất nhiều khoản nợ được ngân hàng rao bán có giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/món.
Ngân hàng cho biết, khách mua có thể mua lẻ từng món nợ hoặc tất cả khoản nợ và phải thanh toán một lần.
Đáng chú ý, ngân hàng sẽ lựa chọn người mua trả giá cao nhất và ít nhất bằng giá khởi điểm từng khoản nợ.
Giá khởi điểm không bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/ sử dụng tài sản và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua khoản nợ, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu. Việc mua, bán nợ không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Các khoản nợ vay tiêu dùng phục vụ đời sống có nghĩa vụ thanh toán cho VietinBank theo các hợp đồng tín dụng đã ký. Do đó, người mua những khoản nợ này sẽ có quyền đòi nợ.
Chưa từng có tiền lệ
Thông tin về việc rao bán nợ cho vay tiêu dùng này đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi lẽ trong những năm trước đây, người ta chỉ nghe thấy ngân hàng rao bán các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo như: Đất, nhà, xe, phân xưởng, thậm chí là bình gas.
Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thực tế việc bán nợ của các ngân hàng cho nhau ở các nước phát triển là không mới. Khi một ngân hàng đã đạt trần cấp tín dụng, họ sẽ bán cả nợ xấu, nợ tốt, nợ có tài sản đám bảo và không có tài sản đảm bảo. Tại Mỹ, việc ngân hàng bán nợ cho nhau rất phổ biến.
"Việt Nam thì chưa có thông lệ nên có thể thấy khá lạ. Tuy nhiên, việc rao bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo sẽ trở thành thông lệ trong tương lai vì có nhiều khoản nợ nhỏ ngân hàng cũng muốn mua đứt bán đoạn thay vì phải mất công theo dõi, quản lý và cũng có những tổ chức có điều kiện, khả năng, chuyên môn để đi thu những khoản nợ đó", ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia thừa nhận, hiện nay, các ngân hàng không còn dịch vụ đòi nợ thuê nên chuyện đi bán nợ cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo, và giá trị từ vài trăm nghìn đến trăm triệu là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây khiến nhiều người băn khoăn là mức giá rao bán các khoản nợ đang ở mức cao, bằng với giá sổ sách.
"Thông thường, nếu là nợ xấu thì phải có tỷ lệ chiết khấu, chứ khó có thể bán bằng giá sổ sách. Chưa kể việc bán lại rất phức tạp, bởi khi xử lý nợ còn có rất nhiều chi phí phát sinh liên quan" - ông Lực nói.
Trên thực tế việc bán các khoản nợ không có tài sản đảm bảo khó có thể thu đủ nợ gốc và lãi, mà khoản thu về bao giờ cũng thấp hơn khoản cho vay ban đầu. Nhiều tổ chức quốc tế có những quy định về việc bán các khoản nợ nhóm 5 với giá rất thấp, có khi chỉ bằng 5% giá trị khoản cho vay. Khi đó, người mua nợ về chỉ cần thu được 7-8% giá trị khoản cho vay là đã có lãi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận